Sốt xuất huyết Dengue có dấu hiệu cảnh báo

02/07/2024 - 13:00

BDK.VN - Từ đầu năm đến nay, tình hình bệnh sốt xuất huyết (SXH) trên địa bàn tỉnh tương đối ổn định, ghi nhận 126 ca, giảm 55,6% so với năm 2023. Tuy nhiên, trong số ca mắc có 2 ca nặng ghi nhận ở địa bàn huyện Mỏ Cày Nam và Châu Thành vào cuối tháng 6-2024.

Ngoài ra, theo thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, trong số ca mắc SXH Dengue có 3 ca có dấu hiệu cảnh báo, trong đó có 1 ca dưới 15 tuổi. SXH Dengue có dấu hiệu cảnh bảo là bệnh ở mức độ 2 trong 3 mức độ của SXH Dengue. Cụ thể, bệnh SXH được chia làm 3 mức độ: SXH Dengue, SXH Dengue có dấu hiệu cảnh báo, SXH Dengue nặng. Từ dấu hiệu cảnh báo nếu không phát hiện, chăm sóc y tế kịp thời sẽ ảnh hưởng sức khỏe người bệnh.

Các triệu chứng SXH nặng thường xuất hiện sau khi hết sốt, bao gồm đau bụng dữ dội, nôn mửa không ngừng, thở nhanh, chảy máu nướu răng hoặc chảy máu mũi, mệt mỏi, bồn chồn, nôn ra máu hoặc đại tiện ra máu, rất khát nước, da tái nhợt và lạnh, cảm thấy rất yếu. Do đó, nếu gặp những triệu chứng nghiêm trọng này nên đi viện ngay để được chăm sóc y tế kịp thời.

Bệnh SXH là tình trạng sốt cấp tính do vi-rút Dengue gây ra, được truyền cho người qua vết đốt của trung gian muỗi vằn Aedes aegypti mang vi-rút.  Biểu hiện của bệnh là sốt cao đột ngột, đau mỏi, phát ban xuất huyết. Các triệu chứng SXH thường xuất hiện từ 4-10 ngày sau khi nhiễm bệnh. Các triệu chứng hay gặp bao gồm: Sốt cao, có thể trên 40oC, đau đầu dữ dội, đau cơ và khớp, cơ thể suy nhược, ban đỏ lan rộng, ăn mất ngon, mệt mỏi, buồn nôn, phát ban trên da, xuất hiện từ hai đến năm ngày sau khi bắt đầu sốt; xuất huyết nhẹ (chảy máu mũi, chảy máu nướu hoặc dễ bầm tím).

Các triệu chứng thường dịu đi trong khoảng một tuần. Những người có hệ thống miễn dịch yếu cũng như những người có tiền sử mắc bệnh SXH có nguy cơ cao phát triển bệnh. Trẻ nhỏ và những người chưa bao giờ bị bệnh có triệu chứng bệnh nhẹ hơn so với trẻ lớn tuổi và người lớn.

Ngành y tế khuyến cáo người dân chủ động phòng bệnh SXH bằng cách không cho muỗi vằn đốt, sử dụng mùng màn ngăn muỗi, có thể sử dụng loại mùng màn tẩm hóa chất diệt côn trùng. Đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng. Thả cá vào lu, chum, vại, hồ nước và dụng cụ chứa nước lớn để diệt lăng quăng, bọ gậy. Thường xuyên thay nước bình hoa, đổ nước đọng tại khay nước tủ lạnh. Bỏ muối, dầu hoá chất diệt lăng quăng bọ gậy vào bát nước kê chân chạn. Loại bỏ, lật úp các vật phế thải như chai, lọ, vỏ dừa, lốp vỏ xe cũ, các hốc chứa nước.

Phan Hân

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN