Khởi kiện yêu cầu tòa án giải quyết tranh chấp quyền sử dụng đất

09/06/2024 - 20:15

Bà D.T.N có nhu cầu tư vấn: Tôi là người thừa kế hợp pháp 3.600m2 của cha mẹ tôi chết để lại. Tháng 10-2023, tôi đi làm thủ tục để đứng tên giấy chứng nhận (GCN) quyền sử dụng đất (QSDĐ) thì phát hiện bà T. là người có đất liền kề đã đăng ký được cấp sổ đỏ lấn sang đất tôi 140m2. Xin hỏi: Tôi phải làm gì để lấy lại đất đã bị lấn chiếm?

Thắc mắc của bà được luật sư Võ Tấn Thành (Đoàn Luật sư Bến Tre) tư vấn như sau:

- Theo quy định tại khoản 24, Điều 3 Luật Đất đai năm 2013: Tranh chấp đất đai là tranh chấp về quyền, nghĩa vụ của người sử dụng đất (NSDĐ) giữa hai hoặc nhiều bên trong quan hệ đất đai.

Như bà trình bày thì bà là người thừa kế hợp pháp 3.600m2 đất của cha, mẹ chết để lại. Khi làm thủ tục đăng ký thừa kế QSDĐ thì bà mới phát hiện bà T. (NSDĐ liền kề) đã được cấp GCN QSDĐ lấn sang phần đất của bà được hưởng thừa kế là 140m2. Tuy nhiên, bà không nói rõ phần đất 140m2 này hiện nay do ai sử dụng. Mặt khác, khi bà T. đăng ký QSDĐ, các chủ sử dụng liền kề có ký xác nhận ranh giới, mốc giới không? Gia đình bà có biết việc bà T. đăng ký QSDĐ này không? Do vậy cũng chưa đủ cơ sở để xác định bà T. là người lấn chiếm đất trái pháp luật.

Theo khoản 1 Điều 168 Luật Đất đai, NSDĐ được thực hiện các quyền: chuyển nhượng, cho thuê lại, tặng cho, thế chấp, góp vốn QSDĐ khi có GCN. Đối với trường hợp chuyển đổi QSDĐ nông nghiệp thì NSDĐ được thực hiện quyền sau khi có quyết định giao đất, cho thuê đất; trường hợp nhận thừa kế QSDĐ thì NSDĐ được thực hiện quyền khi có GCN hoặc đủ điều kiện để cấp GCN QSDĐ, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.

Trường hợp NSDĐ được chậm thực hiện nghĩa vụ tài chính hoặc được ghi nợ nghĩa vụ tài chính thì phải thực hiện xong nghĩa vụ tài chính trước khi thực hiện các quyền.

Trường hợp của bà, mặc dù hiện nay bà chưa được cấp GCN QSDĐ nhưng theo bà trình bày thì bà là người thừa kế hợp pháp 3.600m2 đất do cha, mẹ chết để lại. Do đó, bà cũng được thực hiện các quyền của NSDĐ.

Theo quy định tại Điều 202 Luật Đất đai: Nhà nước khuyến khích các bên tranh chấp đất đai thông qua hòa giải cơ sở. Tranh chấp đất đai mà các bên tranh chấp không tự hòa giải được thì gửi đơn đến UBND cấp xã nơi có đất tranh chấp để hòa giải.

Mặt khác, theo quy định tại khoản 1 Điều 203 Luật Đất đai: Tranh chấp đất đai mà đương sự có GCN hoặc có một trong các loại giấy tờ quy định tại Điều 100 của luật này và tranh chấp về tài sản gắn liền với đất thì Tòa án nhân dân giải quyết. 

Do vậy, đối với việc tranh chấp QSDĐ giữa bà với bà T., nếu hai bên không tự hòa giải được thì bà nộp đơn yêu cầu UBND cấp xã (nơi có đất tranh chấp) giải quyết. Nếu UBND cấp xã hòa giải không thành thì bà có thể gửi đơn khởi kiện đến Tòa án nhân dân cấp huyện yêu cầu giải quyết tranh chấp QSDĐ theo quy định của pháp luật.

H. Trâm (thực hiện)

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN