7 giờ sáng 17-5-1957, tiếng còi của bọn quản lý trại giam tập hợp tất cả tù nhân ngồi xếp hàng nghe đọc danh sách 443 người đi lưu đày. Hằng chục xe GMC phủ bạt kín mít chở tù chật như nêm ngột ngạt không tưởng. Đêm nghỉ, ngày lăn bánh, đến 10 giờ sáng 19-5-1957 đoàn xe đến Pleiku. Chúng lùa chúng tôi vào trại giam kiên cố trên ngọn đồi cao, rộng chừng 15.000m2, hình chữ nhật có 4 chòi gác lính canh, 9 vòng rào kẽm gai, 9 cửa vào ra, chia 4 khu có rào gai, mỗi khu có hầm chuồng kẽm nhốt tù nhân, ở nhà lều. Số tù nhân từ Bến Tre lên cộng với các tỉnh khác, tổng cộng khoảng 600 anh em. Chế độ ăn uống mỗi bữa một dùa cơm và một miếng khô nhỏ, mỗi ngày lao động khổ sai 8 tiếng. Ban đêm trời rét không mền đắp không ai ngủ được. Sau đó chúng phân tán mỗi toán 100 tù nhân đi lao động khổ sai ở Qui Nhơn, Đắc Tô, Cu Ty Chưdrông. Ngày 5-2-1958, đoàn chúng tôi bị đày đi Chưdrông, cách biên giới Campuchia 16 km để phá rừng lập sân bay. Trại giam chúng tôi có 8 nhà lều có một vòng rào kẽm gai, chung quanh có 1 đại đội người thượng 35 lính võ trang ngày đêm canh gác.
Cuộc sống của tù nhân chúng tôi vô cùng khổ sở, ăn uống đói khát, rét rừng, tiêu chảy ghê gớm, vô rừng cọp beo khủng khiếp, lao động khổ sai, khí trời khắc nghiệt, cứ thế này chúng tôi sẽ chết lần chết mòn. Có 7 tù nhân bệnh nặng nên chúng tôi phải đưa về Pleiku chữa trị, số tù còn lại là 93.
Không thể chịu nổi, chi bộ nhà tù có đ/c Võ Văn Thành quê Bình Định làm Bí thư, Lưu Văn Nhung, cựu Chủ tịch xã Bình Thành, Nguyễn Văn Thanh, xã Tân Xuân, Trần Văn Đắc Sóc Trăng… bàn kế hoạch vượt ngục, đưa ra nhiều phương án được chi bộ bàn kỹ lưỡng. Trong các phương án đều có quyết tâm giải thoát tất cả 93 tù nhân, phân công chu đáo cứ 3 tù nhân thì bắt 1 lính trói lại, không được hành hạ lính, không giết lính. Phân công đ/c Đắc và Diệp (quê Sóc Trăng và An Hội) viết một bức thư cho đại tá Đỗ Cao Trí nhằm bảo vệ số anh em các trại khác còn lại để không bị khủng bố, và khi thành công thì băng rừng 16km vượt biên giới qua Campuchia. Kế hoạch của Ban lãnh đạo được chi bộ chi đoàn và toàn thể tù nhân nhứt trí cao. Trên 2 tháng, các đ/c tìm cách luồn rừng đến biên giới, thực tập đội hình tiếp cận địch… Trong lúc này có 2 tù nhân sợ cuộc vượt ngục không thành sẽ liên lụy đến bản thân nên trốn trại trước. Sợ lộ bí mật, anh em phao tin 2 tù nhân đi phá rừng bị cọp vồ.
Kiểm tra mọi việc đã chuẩn bị xong.
Sáng ngày 7-6-1958, tôi cùng anh em trong đội phá rừng vẫn như thường lệ vác dao rựa vào rừng. Hôm nay sao không nghe tiếng vượn hú, cọp gầm. Phía đông, vầng mây đỏ ánh lên. Tôi suy nghĩ ngày tháo củi xổ lồng đã đến. Rồi đây, đồng đội ai còn, ai mất. Ngày về với Đảng, với nhân dân sắp đến.
Đúng 4 giờ chiều, khẩu lệnh báo lên, cứ 3 tù nhân đã kè sẵn bắt gọn 1 lính. Trong chớp nhoáng, tất cả 16 tên lính có cả tên chuẩn úy đang theo giữ tù nhân ở ngoài rừng bị bắt gọn, không nổ một tiếng súng, ta thu được 2 FM, 7 Thompson, 2 Carbin, 4 Garant, và lột áo quần bọn lính mặc vào.
Thế là đội ngũ 16 người hiên ngang vác súng xông vào trại. Vừa tới cửa, anh em tù nhân đã bắt tiếp một số nữa, thu tất cả 23 súng các loại. Số lính còn lại hoảng sợ chạy thoát vô rừng, không chống cự. Trong lúc đó, tại một trại, anh em đang vật một tên lính thì vợ nó xông vào cứu, đang giằng co thì anh Võ Văn Ngân, quê Thạnh Phú bị chúng bắn, hy sinh tại chỗ.
Hồi kẻng vang lên báo hiệu ta toàn thắng. Tiếng hò reo của gần 100 người vang dội khắp trại.
Trời đã sẫm tối, chúng tôi rút đi, luồn rừng mau hướng về BôKeo, Campuchia.
Sáng ngày 8-6-1958, địch tổ chức nhiều mũi truy kích quyết liệt. Chúng tôi chia thành 3 đoàn cho nhẹ gọn, phòng khi đụng địch. Suốt 2 ngày đêm luồn rừng, đói khát, chúng tôi phải ăn lá cây rừng để sống. Không gặp được người dân nào, không gặp được cơ sở cách mạng, chúng tôi đành phải sang Campuchia.
Ngày 10-6-1958, 3 đoàn họp mặt được tại Bôkeo Campuchia. Quân đội Hoàng gia Campuchia đã đến đưa chúng tôi về tỉnh Stung Treng nghỉ ngơi và báo cho Ủy hội quốc tế đến giám sát. Ủy hội quốc tế giải quyết không cho chính quyền Sài Gòn nhận 91 người vượt ngục về nước (còn 91 vì đồng chí Ngân hy sinh và đồng chí Nguyễn Văn Bảy bị ngất xỉu dọc đường, anh em không phát hiện, bị địch bắt lại).
Sau cuộc vượt ngục của 93 tù chính trị Pleiku, bọn Mỹ -Diệm thấy không thể quản lý gần 500 tù chính trị còn lại nên đưa về địa phương và các trại giam khác. Một số đ/c nói nhờ có cuộc vượt ngục Pleiku mà địch thả chúng tôi về sớm.
Sau Tết, chính quyền tỉnh Stung Treng tước hết vũ khí, đưa chúng tôi đến khu rừng cập sang Sêbốt cách tỉnh lỵ 80km, trang bị dụng cụ, đồ mộc để chúng tôi cất trại; khai hoang và bố trí 1 tiểu đội lính theo canh giữ chúng tôi. Chúng tôi tổ chức cuộc sống tại xứ bạn. Ở đây có nhà bếp, khu trồng rau, bắt cá, chăn nuôi, y tá, học văn hóa, sân bóng đá, bóng chuyền, bóng bàn. Xây dựng tổ đóng đồ mộc, xẻ gỗ, xây dựng…
Chúng tôi phân công anh Võ Văn Thành, Trần Văn Đức giỏi tiếng Pháp, anh Diệp Minh Chánh thông dịch tiếng Miên để quan hệ với chính quyền bạn, và chúng tôi tìm cách quan hệ móc nối với Việt kiều.
Thật ra chúng tôi ở đây như bị giam, rất mất tự do. Khoảng tháng 11-1962, chúng tôi quyết vượt ngục lần thứ 2 để tìm đường về nước.
Chúng tôi chia thành 4 đoàn, có sa bàn, bản đồ, thuốc men (do Việt kiều mua cho) mỗi người có ruột tượng 3 lít cơm khô, muối, 2 hộp sữa, 2 bộ quần áo, 1 dao găm (địa điểm bí mật phân phát trong rừng).
Lính Campuchia đang canh gác như thường đêm, chúng tôi giăng mùng đi ngủ – rồi lẻn đi, không xôn xao. Chúng tôi bắt mấy con chó nuôi đi săn bỏ vô bao đem nhận nước, rồi rút đi một cách thầm lặng.
Trên một tháng, ngày đi, đêm nghỉ, luồn rừng, leo núi, lội suối, vượt đèo. Có những nơi không có dấu chân người, chỉ có thú rừng. Khi đến đường mòn thuộc tỉnh Buôn Ma Thuột, chúng tôi nhìn dấu dép râu của bộ đội tập kết về Nam. Đúng vậy, đang ngồi nghỉ, thì may mắn gặp trinh sát bộ đội về Nam, dẫn chúng tôi đến trạm giao liên tỉnh nghỉ ngơi chờ đợi 4 đoàn họp mặt. Lần lượt 3 đoàn chúng tôi gặp mặt nhau. Đoàn thứ 4 có 21 anh em bị mất tích. Sau này chúng tôi mới biết 21 anh em bị biệt kích Mỹ – Diệm bắn chết và một số bị bắt trở lại, thật đau lòng.
Về đến căn cứ R, Ban tổ chức, Ban Tuyên huấn Trung ương cục bố trí cho chúng tôi được bồi dưỡng, trị bệnh, học tập, đưa chúng tôi về một số cơ quan để công tác và một số về quê.
Tất cả 86 tù chính trị Pleiku quê Bến Tre, trừ đ/c Ngân hy sinh và đ/c Bảy bị bắt đều tích cực tham gia kháng chiến chống Mỹ cứu nước, nhiều đồng chí đã hy sinh, từ trần, số còn sống hiện nay tất cả đều giữ vững truyền thống bất khuất, anh hùng như ngày nào ở Pleiku.