Người cán bộ hưu trí nhiệt huyết với công tác xã hội

07/10/2015 - 07:22

Bà Năm Thật (thứ 2 từ trái qua) sinh hoạt Hội Phụ nữ ở ấp.

Nguyên là Trưởng Ban Dân vận huyện Châu Thành, bà Phạm Thị Thật (ngụ ấp Hữu Chiến, xã Hữu Định, huyện Châu Thành) năm nay 77 tuổi. Tuy đã nghỉ hưu nhưng bằng kinh nghiệm của mình, bà vẫn miệt mài với công việc, góp phần cùng xã nhà giải quyết nhiều vấn đề vướng mắc liên quan đến công tác vận động quần chúng, được người dân địa phương yêu mến, tin tưởng.

Bà Thật là đảng viên phụ trách Tổ nhân dân tự quản số 3B. 15 năm qua, tổ luôn duy trì sinh hoạt hàng tháng đều đặn tại nhà bà Thật. Để bà con tham gia họp tổ đầy đủ, bà Thật đã đến từng hộ thường xuyên vắng họp để vận động, giải thích cho bà con thấy tầm quan trọng của cuộc họp, từ đó tự nguyện đến sinh hoạt. Nhờ vậy nên hầu hết chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước đều đến được với tất cả bà con, tình làng nghĩa xóm ngày càng thêm thắt chặt, hầu hết các gia đình đều tự nguyện, tự giác, tích cực tham gia các phong trào hành động cách mạng, nhất là phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc.

Khi xã Hữu Định đang trong giai đoạn hoàn thành tiến độ xây dựng xã nông thôn mới thì gặp trục trặc nhỏ ở tiêu chí thứ 2 về giao thông nông thôn. Con đường bê-tông liên xã chưa được hoàn thành do hộ chị Phạm Thị Mỹ Dung không cho làm đường ngang đất nhà mình. Chính quyền từ xã đến huyện nhiều lần thuyết phục nhưng bất thành. Khi đó, lãnh đạo xã nghĩ ngay đến việc nhờ bà Thật giúp đỡ. Vì lợi ích chung của nhân dân xã nhà, bà Thật “xắn tay áo” vào cuộc. Do gia đình chị Dung làm ăn ở TP. Hồ Chí Minh, thỉnh thoảng mới về quê thăm đất, không ngại đường sá xa xôi, bà Thật một mình bắt xe khách lên TP. Hồ Chí Minh tìm gặp chị. Trước khi đi, bà đã tìm hiểu kỹ về gia đình cũng như lý do chị Dung từ chối hiến đất nên đã chuẩn bị lý lẽ để thuyết phục. Là người có uy tín ở địa phương, lại có những lý giải hợp tình, hợp lý, bà Thật đã vận động được chị Dung hiến đất ngay từ lần tiếp xúc đầu tiên. Cách đó vài hôm, chị Dung về quê tự nguyện hiến 500m2 đất để con đường tiếp tục được thi công. Vào năm 2009, xã Hữu Định còn đang xây dựng xã văn hóa, bà Thật cũng đã hỗ trợ chính quyền địa phương thuyết phục thành công 2 hộ hiến đất làm đường, mà trước đó, Ban Dân vận xã, huyện đã hết lời vận động nhưng 2 hộ này vẫn chưa đồng ý.

Vận động bà con hiến đất làm đường là một trong những việc làm khó. Có nhiều người thắc mắc hỏi bà Thật bằng cách nào mà thuyết phục được họ, bà đáp: “Bà con có lý lẽ riêng của mình, cho rằng đất đai giải tỏa thì phải được đền bù. Đó là điều hoàn toàn hợp lý. Nhưng nguồn kinh phí ở xã còn hạn hẹp, để nhanh chóng hoàn tất các tiêu chí xây dựng xã văn hóa hay xã nông thôn mới, hầu hết kinh phí phải dựa vào nguồn xã hội hóa. Bà con ở quê không phải ai cũng hiểu, vì vậy khi giải thích không được ép bà con. Trước tiên, phải lắng nghe, thấu hiểu những “lấn cấn” của họ. Sau đó, mình từ tốn phân tích có lý, có tình, nói cho bà con hiểu lợi ích chung cho đến lợi ích riêng khi con đường được hoàn thành. Đối với những hộ có truyền thống cách mạng thì mình phải tôn trọng, khơi dậy, đề cao, để bà con thấy việc làm của mình hôm nay là nối tiếp truyền thống gia đình, góp sức xây dựng quê hương. Bà con mình vốn sống có tình, có nghĩa, mình thuyết phục bằng tấm lòng chân thành thì tất sẽ thành công”.

Ông Đoàn Thanh Phong - Chủ tịch UBND xã Hữu Định cho biết: “Bà Thật là người uy tín, nhiệt tình, xông xáo, dày dạn kinh nghiệm trong công tác dân vận. Vì vậy, khi địa phương gặp khó khăn liên quan đến vấn đề này, chúng tôi đều nhờ bà hỗ trợ hoặc tư vấn cách giải quyết. Có bàn tay bà giúp đỡ, vụ nào cũng thành công. Bà Thật thật sự là tấm gương để cán bộ trẻ noi theo, học hỏi”.

Ngoài ra, bà Thật còn được mọi người biết đến là một hòa giải viên khéo léo. Trong năm qua, bà cùng với tổ hòa giải giải quyết ổn thỏa nhiều vụ xích mích trong gia đình, việc tranh chấp đất đai. Khi những mâu thuẫn được giải quyết, bà chính là sợi dây kết nối thắt chặt tình nghĩa giữa những người từng xích mích lại với nhau.

Bà con xóm ấp thương, kính nể bà Thật không chỉ vì bà khéo ăn khéo nói mà còn quý bà ở chỗ sống có tình, có nghĩa. Trăn trở trước những số phận khó khăn ở địa phương, trong 5 năm, bà đã vận động mạnh thường quân hỗ trợ xây 7 căn nhà tình nghĩa, 17 căn nhà tình thương; vận động nhiều lượt đoàn y, bác sĩ đến khám và phát thuốc miễn phí cho người nghèo. Gần Tết Nguyên đán, những hộ nghèo trong xã có gạo ăn Tết. Tết Trung thu, trẻ con nhà nghèo hăm hở nhận lồng đèn, bánh kẹo. Trong những phần quà tình nghĩa ấy, có tấm lòng của bà Phạm Thị Thật.

Bài, ảnh: Thanh Trúc

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN