Người phụ nữ hết lòng với công tác Mặt trận địa phương

26/07/2011 - 17:41
Cô Hai Cúc bên bàn làm việc.

Ở xã An Thủy (Ba Tri), nhắc đến cô Hai Cúc, tên thật là Nguyễn Thị Cúc thì nhiều người đều biết với một tấm lòng quý mến. Ông Trần Nguyên Phấn - Chủ tịch UBND xã An Thủy nhận xét, cô Hai Cúc là một trong những người đã đóng góp rất nhiều công sức và tâm huyết vào công cuộc xây dựng và đổi mới xã nhà.

Năm 1965, khi mới 16 tuổi, cô thôn nữ vùng biển Hai Cúc đã sớm tham gia cách mạng với nhiệm vụ giao liên mật. Những lần bị địch bắt, tra khảo không làm tinh thần yêu nước, ý chí kiên cường của người phụ nữ này khuất phục. Sau giải phóng, cô tiếp tục tham gia công tác chính quyền địa phương: Hội đồng An ninh trật tự ấp An Lợi (tương đương Trưởng ấp bây giờ), cán bộ phụ nữ… Dù ở vai trò, nhiệm vụ nào, cô cũng luôn góp phần quan trọng vào việc nâng cao trình độ, tăng khả năng làm giàu chính đáng cho chị em phụ nữ nơi đây. Năm 2000, cô đảm nhận nhiệm vụ mới: Trưởng Ban công tác mặt trận ấp An Lợi. Ấp An Lợi gồm 33 tổ NDTQ, 791 hộ dân với 3.275 nhân khẩu, sống chủ yếu bằng nghề làm lưới, đi ghe cào, nuôi trồng thủy sản... Là Trưởng Ban công tác mặt trận ấp, cô nắm rõ vị trí nhà ở, đời sống kinh tế, thậm chí là cả tâm tư, nguyện vọng của người dân trong ấp mình. Lãnh đạo Đảng ủy, UBND xã An Thủy cho biết, cùng tham gia công tác Mặt trận nhưng so với những người khác, cô Hai Cúc là người thường xuyên đến UBND xã để phản ánh về tình hình đời sống của nhân dân trong ấp; đồng thời nắm quy định mới của Đảng và Nhà nước về truyền đạt lại cho người dân.

Hiểu được nhiệm vụ của người cán bộ Mặt trận là tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước, cô Hai Cúc không chỉ tích cực làm nhiệm vụ tuyên truyền, mà bản thân và gia đình cô đều gương mẫu, đi đầu thực hiện. Đó là những lần vận động đóng góp xây dựng giao thông nông thôn, quỹ an ninh quốc phòng, thực hiện phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư… Do đặc điểm của xã là đa số người dân thường đi biển, không thường xuyên có mặt ở địa phương, nên công tác tuyên truyền, vận động của cô gặp không ít khó khăn. Tuy năm nay đã 62 tuổi, nhưng cô vẫn lặn lội, không sợ khó, sợ cực, tranh thủ từng dịp, cơ hội đến thăm người dân trong ấp để gặp gỡ, trò chuyện, vận động. Cô phụ trách 12 tổ NDTQ của ấp, lịch sinh hoạt tổ từ ngày 6 đến ngày 17 (âm lịch) hàng tháng, cô đều tham gia họp cùng bà con. Thông qua đó, người nữ cán bộ Mặt trận có dịp gặp gỡ, nắm được tâm tư, tình cảm, hoàn cảnh của từng hộ gia đình trong ấp. Đây là điều kiện thuận lợi để cô có thể hòa giải thành công các mâu thuẫn trong khu dân cư. Cô tâm sự, muốn hòa giải thành thì người cán bộ hòa giải phải hiểu được “nguồn cơn, ngọn ngành sự việc”, có như vậy mới đưa ra lời khuyên “chí tình hợp lý”, giúp hai bên thấu hiểu nhau, không còn tranh chấp. Cô kể về một vụ tranh chấp ranh đất của hai hộ gia đình trong tổ. Bằng kinh nghiệm sống, kiến thức pháp luật và tình cảm xóm giềng, cô đã phân tích, vận động hai bên tranh chấp hiểu, thông cảm, hòa hợp lẫn nhau. Từ đó, không chỉ hai hộ dân này mà những người khác đã hiểu nhiều hơn về chính sách, pháp luật, nâng cao ý thức giữ gìn mối quan hệ tình làng nghĩa xóm. Tạo được sự đồng thuận trong nhân dân, nên khi địa phương có vấn đề gì cần tập thể hỗ trợ, đóng góp là người dân ấp An Lợi đều sẵn sàng tham gia. Từ năm 2005, Mặt trận ấp do cô Hai Cúc làm nòng cốt đã phối hợp với Mặt trận Tổ quốc xã vận động tiền, ngày công lao động xây dựng 6 căn nhà tình thương. Bên cạnh công tác Mặt trận, cô còn được bà con xã viên tin tưởng bầu vào Ban Quản trị Hợp tác xã Thủy sản của xã, với nhiệm vụ kiểm tra quá trình mua bán nghêu để tránh sự gian lận của thương lái. Không chỉ giỏi việc nước, cô Hai còn rất đảm việc nhà. Chị Trần Thị Kim Chi, một người con của cô chia sẻ: “Dù bận rộn với việc chung nhưng mẹ tôi không bao giờ xao lãng, thiếu quan tâm, chăm sóc gia đình. Mẹ là tấm gương sáng cho anh em tôi noi theo”.

Xin kết thúc bài viết với lời chia sẻ của cô Hai: “Với phương châm nói ít làm nhiều, hành động cụ thể, thiết thực, công khai minh bạch trong mọi hoạt động nên nhân dân ấp An Lợi luôn có sự đoàn kết, đồng thuận cao. Tôi coi đó là hiệu quả trong việc thực hiện Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”.

Bài, ảnh: Thiên Hương

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN