Người phụ nữ vượt khó thoát nghèo, hiến đất làm công trình phúc lợi

23/09/2020 - 07:18

BDK - Hiến đất làm đường, xây dựng công trình công cộng của người dân là tinh thần đáng biểu dương, đặc biệt trong thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng xã nông thôn mới. Chị Trần Thị Thảo ở ấp Mỹ Thuận, xã Mỹ Thạnh, huyện Giồng Trôm là một phụ nữ khuyết tật vượt khó thoát nghèo, lại tự nguyện hiến đất xây dựng công trình phúc lợi tại địa phương.

Chị Trần Thị Thảo trên đồng lúa xanh tốt.

Chị Trần Thị Thảo trên đồng lúa xanh tốt.

Vốn sinh ra từ một gia đình có truyền thống cách mạng, cha chị Thảo là thương binh hạng 3/4. Lúc nhỏ, gia đình chị gặp rất nhiều khó khăn, ngoài việc học hành, chị còn phải lao động phụ giúp gia đình. Năm 12 tuổi, chị không may bị tai nạn lao động mất đi một nửa cánh tay trái, đây là một sự mất mát to lớn cả về thể chất lẫn tinh thần mà đặc biệt đối với một người con gái ở tuổi như chị. Rồi mọi chuyện cũng đã qua.

Chị tâm sự: “Lúc nhỏ tôi ước ao khi lớn lên sẽ làm cô giáo, nhưng đến khi tốt nghiệp cấp II, hoàn cảnh gia đình càng gặp nhiều khó khăn hơn, nhà lại xa trường, lúc bấy giờ phương tiện đi lại rất hạn chế, tôi đành khép lại ước mơ đó, nghỉ học ở nhà phụ gia đình lo việc đồng áng”.

Đến tuổi trưởng thành, chị lập gia đình, chồng chị là người ở địa phương khác đến, thấy chị siêng năng nên đem lòng cảm mến và hai người nên duyên chồng vợ. Lúc mới ra riêng, tài sản chỉ vỏn vẹn hơn 1 công đất theo khẩu phần được chia, cùng với 1 căn nhà lá nhỏ bé, nằm trên tuyến kênh nội đồng cách khu dân cư tập trung hơn 2 cây số.

Là một trong những hộ nghèo trong xã, hai vợ chồng chị chí thú làm ăn, chịu thương chịu khó, hàng ngày bắt cá, trồng rau, làm mướn tạo thu nhập, cộng với số vốn vay từ ngân hàng để phát triển chăn nuôi. Dần dần chị cũng tích góp, dành dụm được một số tiền xây dựng lại căn nhà khang trang hơn. Chị nói: “Có an cư mới lạc nghiệp”. Kinh tế gia đình dần ổn định, chị mua thêm được 9 công đất ruộng. Chồng chị không may mắc bệnh khối u bao tử, sức khỏe kém, nên việc đồng áng lúc này cũng do chị gánh vác. Chị cho biết: “Làm ruộng bây giờ không lời bao nhiêu, nếu mọi việc đều mướn hết thì đâu có dư, mình lấy công làm lời”. Những chuyện như làm bờ, dặm lúa, nhổ cỏ, phun thuốc, gom lúa, gánh lúa chị đều làm hết. Từ đó, kinh tế gia đình ngày càng khá giả hơn. Chị nuôi 2 con ăn học đàng hoàng.

Không chỉ giỏi việc nhà, chị còn là một trong những người tích cực tham gia các phong trào do địa phương phát động. Ông Đặng Văn Năm - Trưởng ấp Mỹ Thuận cho biết: “Mỗi khi đến vận động đóng góp các phong trào thì chị Thảo luôn luôn sẵn sàng thực hiện. Đặc biệt chị còn thường xuyên tự giác sửa chữa đường sá mỗi khi có lầy lội, hư hỏng”.

Chị Thảo tâm sự: “Trước mình làm mình đi, sau bà con đi”. Trong Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng xã nông thôn mới, thực hiện tiêu chí số 13 về hình thức tổ chức sản xuất, chị tình nguyện hiến 1.300m2 đất ruộng để làm bờ bao cho mô hình cánh đồng mẫu của Tổ hợp tác liên kết sản xuất trồng lúa trên diện tích hơn 13ha của 26 tổ viên nông dân khu vực ấp Mỹ Thuận.

Với nghị lực phi thường, chị không khuất phục số phận, giờ đây gia đình chị Thảo đã thoát nghèo, vươn lên có cuộc sống ổn định. Chị Thảo được bà con lối xóm tin yêu, quý mến và thực sự là tấm gương sáng để mọi người học tập và noi theo.

Bài, ảnh: Văn Kha

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN