|
Cựu chiến binh - thương binh Trần Văn Tiếp. |
Tham gia du kích xã khi mới tròn 14 tuổi, trong quá trình công tác, ông Vũ Trường Giang (Trần Văn Tiếp, Bảy Tiếp) luôn phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ. Về với đời thường, cựu chiến binh (CCB) - thương binh 1/4 luôn được đồng đội và nhân dân tin yêu bởi tính cần cù lao động và nhiệt tình đóng góp xây dựng quê hương.
Ông Trần Văn Tiếp được sinh ra trong một gia đình truyền
thống cách mạng. Trong kháng chiến chống Pháp, ông Trần Văn Chấp (cha ông) là
giao bưu cho cách mạng, khu vực huyện Tán Kế (nay là huyện Giồng Trôm). Năm
1962, 14 tuổi, ông Tiếp tham gia lực lượng dân quân du kích xã. Tháng 2-1964,
ông chính thức thoát ly và đổi tên theo họ mẹ là Vũ Trường Giang, được phân
công nhiệm vụ bảo vệ căn cứ Tỉnh ủy (đơn vị C116). Ngày miền Nam hoàn toàn giải
phóng, ông được phân công tiếp quản Khám Lá, sau đó chuyển đến xã Phước Long,
huyện Giồng Trôm thành lập trại cải tạo. Ngày 20-10-1978, ông được điều động về
Phòng Nghiên cứu tổng hợp - Ty Công an Bến Tre cho đến năm 1981 thì được nghỉ mất
sức theo chính sách.
Ông Tiếp tự hào: “Tháng 8-1968, tôi vinh dự được kết nạp
Đảng. Từ đó, đã động viên tôi càng phấn đấu công tác tốt hơn nữa”. Tuy nhiên,
niềm vui đến với ông chưa được bao lâu thì tin buồn lại đến vì người anh thứ
năm của ông là Trần Văn Vinh (Phó đoàn Pháo binh Biên Hòa) đã hy sinh vào tháng
4-1969 tại trận Bình Giã. Nỗi đau của ông Tiếp lại càng nhiều hơn khi nhận được
tin ông Trần Văn Gặp (em thứ mười của ông), chiến sĩ trinh sát thuộc C2 đơn vị
địa phương quân Giồng Trôm đã hy sinh ngày 29-12-1969 (âm lịch). Nén đau
thương, ông Tiếp càng quyết tâm công tác tốt hơn.
Ngày 17-2-1970, Thủy quân lục chiến của địch với tên gọi
“Kình ngư - Hắc điểu - Trâu điên” phối hợp mở đợt càn quét 12 ngày đêm rừng Rạch
Vọp (xã Mỹ Hòa, huyện Ba Tri), ông bị trúng đạn máy bay với 3 vết thương ở cột
sống (mẻ 3 đốt sống). Ông Tiếp cho biết: “Lúc bị thương nằm một chỗ, tôi đấu
tranh với chính mình và tuyệt đối tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng. Tôi phải
cố gắng sống để tiếp tục phục vụ cho cách mạng”. Lúc bị thương, đồng đội đã liều
mình cứu ông Tiếp ra ngoài vòng vây nhưng ông phải nằm một chỗ suốt mấy tháng
liền. Sau đó, cán bộ, chiến sĩ đơn vị đã thay phiên nhau cõng ông từ rừng Rạch
Vọp về rừng xã Thừa Đức (Bình Đại) để tiếp tục dưỡng thương và tập đi lại.
Không phụ lòng yêu thương, đùm bọc của đồng đội, ông Tiếp cố gắng luyện tập,
sau đó tự đi lại được và tiếp tục công tác.
Suốt 14 năm liền (1996 - 2010), ông được tín nhiệm bầu là
Chi hội trưởng Chi hội CCB ấp Bình Phú, xã Châu Bình. CCB - thương binh Trần
Văn Tiếp luôn phối hợp tốt với các tổ chức hội, đoàn địa phương vận động đóng
góp xây dựng nhiều công trình tại xã nhà trị giá hàng trăm triệu đồng, cùng nhiều
ngày công lao động. Chi hội CCB ấp Bình Phú luôn được Hội CCB huyện Giồng Trôm
công nhận là chi hội trong sạch, vững mạnh toàn diện. Sau đó, do sức khỏe yếu
nên ông xin thôi tham gia Ban Chấp hành Hội CCB xã nhưng vẫn nhiệt tình đóng
góp và vận động các nhà hảo tâm hỗ trợ các công trình phúc lợi, chương trình
khuyến học, khuyến tài tại xã trị giá hàng chục triệu đồng, góp phần xây dựng
thành công xã nông thôn mới Châu Bình (tháng 11-2014).
Chủ tịch Hội CCB xã Châu Bình Nguyễn Trung Trực cho biết:
“Anh Bảy Tiếp tuy tuổi đã cao, lại là thương binh hạng 1/4 nhưng anh luôn tích
cực đóng góp cho hoạt động của Hội CCB cả về vật chất lẫn tinh thần. Tại địa
phương, anh luôn là gương điển hình trong các phong trào xây dựng quê hương.
Năm 2018 tới đây, anh Bảy Tiếp được 50 năm tuổi Đảng”.