Người Việt ngày càng quan tâm sử dụng hàng Việt

04/01/2023 - 05:47

BDK - Thời gian qua, Tỉnh ủy, UBND tỉnh, các sở, ngành, đoàn thể, địa phương phối hợp với Ủy ban MTTQ Việt Nam cùng cấp quan tâm chỉ đạo thực hiện cuộc vận động (CVĐ) “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, tạo được phong trào rộng rãi. Người tiêu dùng đã từng bước nhận thức đúng đắn hơn khả năng sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp (DN) Việt Nam về chất lượng sản phẩm hàng hóa, đã có sự so sánh về giá cả và chất lượng giữa hàng nội và hàng ngoại trước khi chọn mua hàng, số lượng người mua sắm hàng Việt chiếm tỷ lệ cao hơn.

Người dân mua sắm Tết. Ảnh: CTV

Người dân mua sắm Tết. Ảnh: CTV

Các hoạt động hỗ trợ

Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo CVĐ “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” tỉnh, trong năm 2022, bằng nhiều hình thức, các thành viên Ban Chỉ đạo CVĐ, các cơ quan, đơn vị, địa phương đã tích cực triển khai các hoạt động tuyên truyền. Qua đó, tạo được phong trào, sức lan tỏa rộng rãi, ý thức sử dụng hàng Việt trong cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân và có sự chuyển biến rõ nét, ưu tiên chọn hàng Việt khi mua sắm những trang thiết bị cần thiết phục vụ cho công việc và những vật dụng phục vụ cho cuộc sống sinh hoạt thường ngày.

Năm 2022, Sở Công Thương đã triển khai thực hiện các hoạt động hỗ trợ DN, xúc tiến thương mại trong và ngoài nước. Thường xuyên tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức về thương mại điện tử (TMĐT). Phối hợp liên kết sàn TMĐT của các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long cùng phát triển các sản phẩm đặc trưng, tiêu biểu của vùng; hỗ trợ đưa sản phẩm của DN tỉnh, hỗ trợ các chủ thể có sản phẩm đạt chứng nhận OCOP lên các sàn TMĐT (Sendo.vn, Voso.vn, Bentretrade.vn…).

Sở Khoa học và Công nghệ đã thực hiện các hoạt động hỗ trợ đề xuất Hội đồng Quốc gia xem xét công nhận Công ty cổ phần Đầu tư dừa Bến Tre đạt giải vàng Giải thưởng chất lượng Quốc gia năm 2022. Đẩy mạnh hoạt động hỗ trợ DN thực hiện Quyết định số 1322/QĐ-TTg. Lồng ghép các nội dung công việc của hoạt động truy xuất nguồn gốc vào việc hướng dẫn, hỗ trợ DN, cơ sở sản xuất, kinh doanh. Ngoài ra, Ban Chỉ đạo CVĐ các cấp tiếp tục phối hợp triển khai thực hiện Chương trình “Đồng khởi khởi nghiệp và phát triển doanh nghiệp” giai đoạn 2021 - 2025. Khuyến khích các DN sản xuất hàng hóa có chất lượng tốt, mẫu mã đẹp, giá cả phù hợp. Tăng cường tuyên truyền, vận động xây dựng thương hiệu, quảng bá, giới thiệu sản phẩm, hàng hóa Việt và các DN, cơ sở sản xuất trên địa bàn tỉnh có các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ được người tiêu dùng ưa thích.

Khi mua sắm tài sản công từ nguồn ngân sách, hầu hết các cơ quan nhà nước, đoàn thể trên địa bàn tỉnh, các đơn vị, địa phương trong tỉnh luôn ý thức và ưu tiên cho việc mua sắm các tài sản, vật tư, nguyên vật liệu mà các DN trong nước tự sản xuất để trang bị cho cơ quan, phục vụ các công trình, dự án chiếm khoảng trên 70%.

Tăng cường kiểm tra

Năm 2022, Cục Quản lý thị trường và Ban Chỉ đạo 389 tỉnh đã triển khai thực hiện nghiêm các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Công Thương, Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia và UBND tỉnh đến các thành viên Ban Chỉ đạo để thực hiện tốt công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên địa bàn tỉnh. Kiểm tra, kiểm soát thị trường 1.044 vụ. Tổng số vụ vi phạm 877 vụ. Xử lý vi phạm hành chính 862 vụ, với số tiền phạt hơn 4,981 tỷ đồng.

Ngoài ra, Cục Quản lý thị trường tỉnh đã tiến hành thanh tra 4 cuộc về kinh doanh xăng dầu, khí - LPG và thực phẩm. Kết quả ban hành kết luận thanh tra 3 cuộc là không sai phạm, 1 vi phạm đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kinh doanh khí - LPG, với số tiền phạt 30 triệu đồng. Phối hợp với các sở, ngành như: Công an, Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Khoa học và Công nghệ, Tài nguyên và Môi trường kiểm tra, kiểm soát các lĩnh vực có liên quan, do các ngành chức năng chủ trì với số vụ kiểm tra 227 vụ, trong đó vi phạm 47 vụ, không vi phạm 180 vụ. Kết quả xử lý, phạt tiền 4 vụ, số tiền phạt 5,12 triệu đồng/4 vụ, nhắc nhở 43 vụ.

MTTQ Việt Nam các cấp trong tỉnh tiếp tục phối hợp với chính quyền trong công tác quản lý đối với các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh và cho cam kết không sản xuất mua bán hàng lậu, hàng giả, hàng cấm, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ, không niêm yết giá và các hành vi kinh doanh trái phép khác. Giám sát không để hàng ngoại nhập lậu không đảm bảo chất lượng; gia súc, gia cầm không được kiểm dịch theo quy định, kịp thời kiến nghị đến các cơ quan chức năng xử lý theo quy định.

Các cơ quan, tổ chức tăng cường trách nhiệm trong bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng. Ban Chỉ đạo CVĐ các cấp lồng ghép tuyên truyền, vận động người tiêu dùng ưu tiên sử dụng hàng Việt Nam có chất lượng, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, chú trọng những sản phẩm hàng hóa đặc trưng của tỉnh.

Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tỉnh tiếp nhận tư vấn, hòa giải 9 vụ khiếu nại và phản ánh của người tiêu dùng về hàng hóa bị lỗi, không được bảo hành hoặc bị gian lận về giá trị sử dụng của hàng hóa... Tổng trị giá hàng hóa phản ánh, khiếu nại khoảng 192,296 triệu đồng; số tiền trả lại cho người tiêu dùng 107,106 triệu đồng.

Cục Quản lý thị trường tỉnh tổ chức ký kết quy chế phối hợp với 37 ban quản lý chợ, UBND xã, phường, thị trấn trong đấu tranh chống hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc và hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ giai đoạn 2020 - 2025. Tiến hành cho 2.775 hộ kinh doanh ký cam kết không vận chuyển, tàng trữ, kinh doanh hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc và hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ...

Phó chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Nguyễn Thị Mai Rý - Phó trưởng ban Chỉ đạo CVĐ “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” tỉnh cho biết: Năm 2023, tỉnh tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, cải tiến về nội dung, hình thức để hoạt động tuyên truyền ngày càng phong phú hơn, phù hợp với tình hình thực tế từng đơn vị, địa phương. Các cơ quan, báo, đài nên quan tâm đến ý kiến phản ánh của người dân về hàng Việt. Tiếp tục thực hiện và nâng cao chất lượng hoạt động của các phiên chợ đưa hàng Việt về nông thôn.

“Vận động kêu gọi các DN hưởng ứng và tích cực tham gia các phiên chợ “Đưa hàng Việt về nông thôn” tại các huyện, đặc biệt là các DN có thương hiệu, hàng Việt Nam chất lượng cao. Bên cạnh đó, cần tổ chức các chương trình khuyến mại, bán hàng lưu động, đưa hàng hóa đến tận tay người tiêu dùng, tại các địa phương trong tỉnh. Các ngành chức năng tăng cường hỗ trợ cho các cơ sở, DN có điều kiện quảng bá thương hiệu sản phẩm, đăng ký nhãn hiệu hàng hóa, xúc tiến thương mại để đưa những sản phẩm vươn xa ra thị trường trong nước và xuất khẩu”.

(Phó chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Nguyễn Thị Mai Rý - Phó trưởng ban Chỉ đạo cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” tỉnh)

Trần Quốc

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN