Người xạ thủ năm xưa bắn chìm tàu Mỹ thứ 100

20/02/2009 - 17:04

Bàn tay anh trước đó chỉ khéo nắn nót từng nét phấn trắng hiền hòa trên bụt giảng. Mậu Thân 1968, anh cũng như mọi giáo viên và người dân yêu nước khác cùng “xuống đường” khi có lệnh. Ngay lần thực tập đầu tiên, anh đã bắn chính xác vào mục tiêu quan trọng là dinh tỉnh trưởng - cơ quan đầu não của địch.

    Cũng sau lần đó, anh được cấp trên tin tưởng phân công làm xạ thủ số 1 giữ vai trò trực tiếp ngắm và bắn- khẩu đội trưởng của khẩu đội 3 đội săn tàu do đồng chí Vũ Sơn làm trung đội trưởng. Tay xạ thủ cừ khôi ấy là Năm Thanh (ấp Phú Tây, An Định, Mỏ Cày) đã liên tiếp tìm diệt nhiều tàu Mỹ khiến địch phải khiếp vía mỗi khi nghe có đội săn tàu.

    Anh Năm Thanh có tên thật là Hồ Hữu Phước năm ấy tròn 25 tuổi. Sau lần thử súng thành công đó, anh trở về tiếp tục rèn luyện kỹ năng ngắm, đo cự ly, thế và cách bắn. Tháng 5-1968, đội săn tàu được lệnh của Tỉnh đội hành quân từ xã Lương Hòa đến xã Giao Long bẻ gãy trận càn Lương Hòa – Long Mỹ. Nếu chỉ nghĩ đến cái chết đã không ai dám đánh! Vâng, Năm Thanh cùng đồng đội bấy giờ tập trung hết khả năng vào sử dụng chiến thuật đánh táo bạo, bất ngờ để mang lại thành công nhất, diệt được nhiều tàu Mỹ nhất. Khi ấy anh đã chiến đấu bằng cả tâm huyết của người trai khi chứng kiến đất nước lâm vào cảnh lửa loạn và đồng đội… có người hy sinh không tìm thấy thi thể, có người đã trút hơi thở cuối cùng trên vai anh.

    Hành trình hành quân của anh cùng đồng đội xuyên đêm tối, phải băng qua những chặng đầm lầy, gai góc và có nhiều đồn bót địch. 1 giờ khuya, nước trên sông Tiền đang ròng, lực lượng đã ở điểm tiến công địch tại xã Giao Long (Châu Thành). Đúng 11 giờ trưa hôm sau khi thủy triều dâng cao, sau tiếng pháo lệnh của đồng chí Chín Chu là tiếng nổ long trời bởi loạt pháo của quân ta. Tức thời, tay xạ thủ Năm Thanh nhanh chóng lẩy cò bắn chìm tại chỗ một chiếc tiểu pháo hạm của địch trên sông Tiền.

    Tháng sau, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh phát động thi đua bắn chìm chiếc tàu Mỹ thứ 100. Năm Thanh- khẩu đội trưởng khẩu đội 3 của đội săn tàu đã linh hoạt, nhạy bén trước thế trận tại ấp Hòa Trị, xã Lương Hòa, Giồng Trôm và tìm diệt trước nhất. Tích tắc trong vòng 1giây, anh đã xuất sắc giành thắng lợi oai hùng về cho đơn vị. Giờ nhớ lại cảm giác khi ấy, anh súc tích bằng hai chữ “quyết tâm!”.

    Đội săn tàu là đội hình di động với ba khẩu đội. Trong đó có hai khẩu DKZ 57 và một khẩu B41. Chúng cơ động bằng cách được các chiến sĩ mang vác chạy. Đồng chí Năm Thanh là khẩu đội trưởng khẩu DKZ 57 (nặng 22kg) nhưng anh có vai trò mang giữ và bảo quản kính ngắm thật kỹ lưỡng. Mất nó, đồng nghĩa khẩu pháo không sử dụng được. Anh kể vui, tôi quan trọng nó hơn cả vợ! Đi đâu, làm gì cũng phải mang vào người. Phát hiện có tàu Mỹ là quay sang phối hợp cùng đồng đội xác định mục tiêu ngắm, lẩy cò ngay. Giặc ra cũng bắn. Giặc vào cũng bắn. Diệt cho bằng được. Thời gian thao tác 15 trái phải kịp trong 15 giây để diệt xong đoàn tàu địch và rút nhanh khỏi địa hình trong 5 phút sau đó.

    Năm Thanh xuyên suốt cùng đồng đội chiến đấu khoảng 10 trận và liên tiếp mang về nhiều chiến công trên sông Giồng Trôm làm vang danh một “Bạch Đằng giang thời đại”. Cũng trong năm 1968, bằng chính những thành tích nổi bật, Năm Thanh được trao tặng hai huân chương: Dũng sĩ diệt Mỹ và Dũng sĩ diệt giao thông (diệt tàu Mỹ). Đồng thời góp phần to lớn trong việc cùng đồng đội mang về danh hiệu anh hùng cho đơn vị săn tàu vào cuối năm 1969. Điều đáng nói hơn hết, đồng chí Năm Thanh đã góp phần to lớn và rất quan trọng vào chiến thắng chung của quê hương đất nước.

    Ban ngày vào những giờ rảnh rỗi, không có địch, tay súng đáng nể ấy lại trở về với hình ảnh một thầy giáo vui vẻ, dễ mến của đơn vị. Nhờ vậy có nhiều chiến sĩ trước đó dường như tay chỉ biết cầm súng mà sau đã biết viết tên, đọc chữ. Ngày đất nước trọn niềm vui, hòa chung niềm hân hoan, anh trở về sum họp với gia đình và tiếp tục đóng góp công sức xây dựng quê hương.

    40 năm kể từ khi anh tham gia vào đội săn tàu, giờ gặp lại, trò chuyện cùng anh trong chốc lát, chợt nhận ra mái đầu xanh ngày nào đã điểm hoa râm. Nhưng trong anh vẫn toát lên một phong thái kiên cường, một tính cách thật bình dị, thân thương và gần gũi như chính người chiến sĩ trẻ năm xưa. Tiễn tôi ra về, đồng chí Năm Thanh bảo: Thế hệ trẻ hôm nay cần phải hiểu rõ khí thế oai hùng của ông cha ngày trước để phát huy truyền thống!”.

Cẩm Trúc

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN