Nguồn lực hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế

23/10/2023 - 06:52

BDK - Hiện nay, Quỹ Hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế (QHTPNPTKT) tỉnh có hơn 20 ngàn thành viên tham gia, với gần 19.500 thành viên đang vay vốn. Đến cuối tháng 9-2023, tổng dư nợ cho vay toàn quỹ hơn 177 tỷ đồng. Đây cũng là một hình thức cho vay qua kênh tín chấp, thuận tiện cho phụ nữ nông thôn tiếp cận, góp phần cải thiện kinh tế gia đình, thoát nghèo bền vững.

Các chị trong nhóm vay vốn trao đổi về sinh kế tại nhà chị Đỗ Thị Bé Năm, xã Minh Đức (Mỏ Cày Nam).

Các chị trong nhóm vay vốn trao đổi về sinh kế tại nhà chị Đỗ Thị Bé Năm, xã Minh Đức (Mỏ Cày Nam).

Cải thiện kinh tế gia đình

Chị Đỗ Thị Tuyết, xã Minh Đức (Mỏ Cày Nam) là một trong những thành viên tham gia vay vốn từ QHTPNPTKT đến nay khoảng 8 năm. Chị Tuyết kể: “Ban đầu, tôi vay được hơn 4 triệu đồng, mua gà, vịt nuôi. Qua năm sau được tăng vốn, tôi tiếp tục phát triển đàn. Có số vốn khá hơn, tôi đầu tư nuôi dê và bò. Năm 2022, 2023, tôi vay 20 triệu đồng, chu kỳ trả nợ trong vòng 2 năm”.

Chị Tuyết cho biết, chồng chị đi làm cho một cơ sở sơ chế cơm dừa ở địa phương, chị vừa giữ cháu nhỏ, chăm lo việc nhà, vừa chăn nuôi thêm nên cải thiện kinh tế gia đình. “Tôi bán 1 lứa dê con nữa, tổng số 9 con, được hơn 10 triệu đồng, có đồng ra đồng vào, đỡ lắm”, chị Tuyết bộc bạch. Hiện chị Tuyết và một thành viên nữa trong nhóm vay là Đỗ Thị Bé Năm hùn vốn để nuôi 6 dê cái và 3 bò cái. Mới đây, chị Tuyết đã thoát nghèo. Chị mong muốn được hỗ trợ tăng mức vốn vay để mở rộng chuồng trại, phát triển thêm đàn bò mẹ.

Chị Đỗ Thị Bé Năm cũng mong muốn được tăng mức vay để phát triển quy mô kinh tế hộ. Chị tâm sự: “Kinh tế dừa là chủ yếu nhưng giá giảm sâu kéo dài. Trong khi tôi đang nuôi con theo học ngành y nên chồng tôi phải đi làm mướn thêm. Bản thân tôi ở nhà vừa chăm mẹ già, vườn cây và chăn nuôi thêm mới đủ trang trải các khoản chi tiêu gia đình. Tôi trông cho đàn bò có được 6 con bò mẹ là ổn lắm…!”.

Nói về các nhóm vay vốn do mình quản lý, bà Phạm Thị Diền Quản lý cụm vay vốn cho biết: Cụm có 9 nhóm vay, với mục đích nuôi dê, bò, gia cầm, buôn bán nhỏ lẻ… Trước nay, thành viên trong cụm đều sử dụng vốn đúng mục đích. Đến tháng, thành viên tự giác thanh toán đúng quy định, không có trường hợp chậm hoặc nợ quá hạn.

Theo bà Diền, các thành viên trong nhóm có trách nhiệm chung; có sự giám sát, hỗ trợ, bảo lãnh nhau để hoàn trả khoản vay đúng hạn. Bên cạnh trả gốc, lãi hàng tháng, người vay còn đóng tiết kiệm. Khi hoàn vốn, người vay sẽ được lãnh lại toàn bộ số tiền tiết kiệm đã đóng.

Góp phần xây dựng nông thôn mới

Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Mỏ Cày Nam Nguyễn Thị Thùy Dương cho hay, từ khi triển khai QHTPNPTKT trên địa bàn đến nay, nhiều chị em phấn khởi lắm. Các chị được tiếp cận nguồn vốn này sẽ không phải áp lực trả gốc với số tiền lớn mà có phân kỳ trả gốc và lãi hàng tháng, với phương án thanh toán phù hợp.

Tại Mỏ Cày Nam, mức vay dao động từ 20 - 50 triệu đồng/hộ vay tùy theo điều kiện được xét. Bên cạnh vay vốn, cá nhân sẽ được tham gia nhiều lớp tập huấn về phương án sản xuất, cách chi tiêu, tiết kiệm, sử dụng đồng vốn hiệu quả.

Tham gia quỹ, các chị em còn rèn luyện được tính tiết kiệm, cân đối thu chi. Đồng thời, góp phần ngăn chặn, hạn chế tình trạng vay vốn “tín dụng đen” tại địa bàn nông thôn. Kết quả hàng năm đều có những hộ là thành viên các nhóm vay đã thoát nghèo, góp phần rất lớn trong xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế tại địa phương.

 “Nhiều chị em tham gia rồi gắn bó đến nay cả chục chu kỳ. Việc thẩm định cho vay được thực hiện tại nhà và thu hồi vốn cũng được thực hiện tại địa phương. Từ tháng 10-2022 đến nay, QHTPNPTKT từng bước hướng dẫn các chị em thanh toán theo phương thức không dùng tiền mặt...”, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Nguyễn Thị Thùy Dương cho biết thêm.

Theo bà Hồ Bích Hạnh - Giám đốc QHTPNPTKT tỉnh, đến nay, quỹ đã thành lập 6.558 nhóm và 1.524 cụm vay vốn trên toàn tỉnh. Trong quá trình hoạt động, QHTPNPTKT luôn phấn đấu thực hiện sự cân bằng giữa mục tiêu tài chính và xã hội, xem đây là nhiệm vụ trọng tâm.

Từ đầu năm 2023 đến nay, QHTPNPTKT đã trích ra 598 triệu đồng để hỗ trợ, tạo điều kiện cho các thành viên vay vốn nghèo, cận nghèo, khó khăn vui xuân đón Tết; hỗ trợ 20 máy lọc nước cho các gia đình có hoàn cảnh khó khăn; hỗ trợ, tạo điều kiện cho các hộ nghèo là hội viên phụ nữ có việc làm tăng thu nhập gia đình, góp phần giảm nghèo bền vững.

Bài, ảnh: Cẩm Trúc

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN