Bến tạm ngay dưới chân cầu Chợ Lách mới (ảnh chụp ngày 5-3-2020).
Cầu tàu phía trước Huyện ủy cũ
Một người dân sống gần khu vực Huyện ủy Chợ Lách cũ (Thị trấn Chợ Lách) cho biết, cầu tàu phía trước Huyện ủy cũ vẫn được các đò dọc đưa hàng hóa từ huyện đi TP. Hồ Chí Minh neo đậu để xuống hàng hóa. Cầu tàu này nằm khá gần cầu Chợ Lách cũ và cũng nằm trong hành lang bảo vệ cầu.
Hiện, cầu tàu khá cũ kỹ và xuống cấp. Người dân khu vực này quan ngại khả năng va chạm giữa các tàu. Cụ thể, khi tàu ghe móc dây neo đậu vào chân cầu tàu vốn đã rất yếu, nếu cầu gãy, tàu ghe sẽ trôi tự do ra giữa kênh, có nguy cơ va chạm với tàu thuyền đang qua lại ở đoạn kênh này. Khả năng va chạm liên hoàn giữa các phương tiện thủy trên kênh chợ Lách, lại sát bên chân cầu Chợ Lách cũ gây ra kịch bản không mong muốn là sập cầu Chợ Lách cũ. Vì tĩnh không thông thuyền của cầu Chợ Lách cũ khá thấp, chỉ 7m (cầu Chợ Lách mới tĩnh không thông thuyền 9m).
Theo ông Phạm Anh Linh - Phó chủ tịch UBND huyện Chợ Lách: “Cầu tàu phía trước Huyện ủy cũ không có phép, không có bến bãi nào được cấp phép ở đây. Cầu tàu được làm từ rất lâu, chỉ để phục vụ UBND huyện cũ, nếu tháo dỡ cũng không ảnh hưởng gì. Đến nay, huyện chưa kiến nghị về việc tháo dỡ cầu tàu này”.
Phía Thanh tra Sở Giao thông vận tải (GTVT) tỉnh cũng cho hay, Thanh tra sở chưa xử phạt trường hợp nào neo đậu vào cầu tàu này vì không thuộc phạm vi quản lý. Được biết, kênh Chợ Lách do trung ương quản lý. Cầu tàu phía trước Huyện ủy cũ, ghe tàu không được phép neo đậu vì không phải là bến được cấp phép. Cầu tàu này lại nằm trong khu vực hành lang bảo vệ cầu Chợ Lách.
Vậy trách nhiệm quản lý an toàn giao thông (ATGT) thủy tuyến kênh Chợ Lách hiện thuộc cơ quan nào? Chúng tôi được UBND huyện Chợ Lách, Ban ATGT tỉnh và một số cơ quan khác chỉ về Chi cục Đường thủy nội địa phía Nam có trụ sở tại quận Bình Thạnh, TP. Hồ Chí Minh. Hiện Ban ATGT tỉnh cũng đã đề nghị phía UBND huyện Chợ Lách sớm có văn bản về những điểm mất an toàn giao thông thủy trên kênh Chợ Lách.
Bến tạm gần cầu Chợ Lách mới
Với kênh Chợ Lách, đoạn từ ngã ba sông Tiền - Chợ Lách đến ngã ba Chợ Lách - Cổ Chiên, có chiều dài 10,7km, hiện trạng là kênh cấp II. Theo quy định, trong phạm vi 100m hành lang bảo vệ cầu không được phép có bến bãi. Tuy nhiên, gần đây xuất hiện một bến tạm ngay dưới chân cầu Chợ Lách mới. Bến tạm nằm phía bờ phải kênh Chợ Lách, thuộc địa bàn Thị trấn Chợ Lách.
Vào ngày 5-3-2020, chúng tôi được người dân chỉ đến bến tạm ngay dưới chân cầu Chợ Lách mới. Bến tạm được cơi nới bằng bê-tông cặp mé kênh Chợ Lách. Bến này đã hoạt động khoảng 4 tuần để phục vụ sà lan chở vật liệu xây dựng vận chuyển hàng hóa lên bờ. Sau đó, bến tạm này được bốc đi và dời cách chân cầu Chợ Lách mới khoảng 30m.
Được biết, kênh Chợ Lách có chiều rộng luồng tàu chạy nơi hẹp nhất 30m, nơi rộng nhất 70m, hiện có 2 bãi cạn. Điều khiến người dân lo ngại là khi mực nước kênh dâng cao sẽ che khuất bến tạm này, khi đó bến sẽ trở thành chướng ngại vật, các sà lan lớn có nguy cơ va vào, gây thủng sà lan.
Đại diện Sở GTVT cho hay, bến tạm này do Công ty TNHH MTV VLXD Lê Hoàng Minh mở để vận chuyển vật liệu xây dựng phục vụ công trình mở rộng quốc lộ 57 đang thi công. Ngày 6-3-2020, đại diện Sở GTVT phối hợp với đại diện UBND huyện Chợ Lách, Ban Quản lý Dự án đầu tư các công trình giao thông tỉnh, Cảng vụ Đường thủy nội địa khu vực III Bến Tre và Công ty TNHH MTV VLXD Lê Hoàng Minh ký biên bản hiện trường thống nhất việc xây dựng bến tạm trên tuyến kênh Chợ Lách.
Phía Sở GTVT cho rằng, thẩm quyền cấp bến tạm nằm trong phạm vi của sở. Đồng thời, sở cũng đã cân nhắc sự nguy hiểm khi mở bến tạm trên kênh Chợ Lách. Tuy nhiên, qua khảo sát một số tuyến sông trên địa bàn huyện Chợ Lách để mở bến tạm phục vụ công trình mở rộng quốc lộ 57 như sông Cái Gà, sông Cái Sơn thì cả hai sông này đều đang xây cầu, phải mở bến cách cầu (đang xây) 300m, nhưng lại không có đường bộ cho xe vận chuyển vật liệu xây dựng. Do đó, Sở GTVT cùng các đơn vị phối hợp đã đồng ý việc mở bến tạm trên kênh Chợ Lách.
Sở GTVT cho hay, phía Công ty TNHH MTV VLXD Lê Hoàng Minh cũng đã thống nhất về diện tích, tọa độ được mở bến; đồng thời, có biển báo, đèn báo hiệu, đảm bảo an toàn giao thông cho tàu thuyền qua lại.
Được biết, Dự án cải tạo, nâng cấp quốc lộ 57 đoạn từ bến phà Đình Khao, tỉnh Vĩnh Long đến thị trấn Mỏ Cày, tỉnh Bến Tre có tổng mức đầu tư 875 tỷ đồng, theo kế hoạch của Bộ GTVT, dự án khởi công tháng 9-2019 và hoàn thành vào cuối năm 2020.
Bài, ảnh: Phú Sĩ