Nguyễn Đình Chiểu trong giao lưu văn hóa quốc tế

30/06/2021 - 12:23

BDK - Nguyễn Đình Chiểu (1822 - 1888) là một nhà thơ, nhà văn hóa có vị thế đặc biệt trong lòng bạn bè quốc tế, giao lưu văn hóa quốc tế. Ngay khi cụ còn sống, người Pháp khi vào xâm chiếm Nam Bộ, ắt biết thái độ chống Pháp quyết liệt của cụ, nhưng người Pháp vẫn quan tâm đến Nguyễn Đình Chiểu. Năm 1883, Michel Ponchon - Chánh Tham biện hạt Bến Tre lúc ấy (nay là tỉnh Bến Tre) vẫn đến tận Ba Tri thăm cụ. Năm 1943, E. Hoeffel - Thống đốc Nam Kỳ đến tận mộ cụ ở Ba Tri đọc diễn văn ca ngợi con người và sự nghiệp cụ Nguyễn Đình Chiểu.

Bìa sách có bản tiếng Việt của GS.TS. Nguyễn Chí Bền và Bản dịch tiếng Nga của N. Sokolovsky.

Bìa sách có bản tiếng Việt của GS.TS. Nguyễn Chí Bền và Bản dịch tiếng Nga của N. Sokolovsky.

Từ sau năm 1975 đến nay, rất nhiều khách nước ngoài đã đến thăm Mộ và Khu lưu niệm Nguyễn Đình Chiểu tại huyện Ba Tri. Tôi đã đọc rất nhiều những dòng lưu niệm đầy kính trọng, cảm xúc và chữ ký của rất nhiều người nước ngoài đến từ các quốc gia như Cuba, Lào, Campuchia, Liên bang Nga, Trung Quốc, Hoa Kỳ, Pháp, Canada… trong các tập lưu niệm của Di tích Quốc gia đặc biệt Mộ và Khu lưu niệm Nguyễn Đình Chiểu tại Ba Tri.

Về tác phẩm, năm 1864, “Lục Vân Tiên” được dịch ra tiếng Pháp: bắt đầu từ bản của G. Aubaret, sau đó có bản dịch của Janneau (1873), Abel des Michels (1883), E. Bajot (1886), Nghiêm Liễn (1927), Dương Quảng Hàm (1944), Lê Trọng Bổng (1997), 4 bản xuất bản ở Pháp, 3 bản xuất bản tại Việt Nam. Năm 1895 - 1897, Eugene Gibelt, một người Pháp đã nhờ tác giả Lê Đức Trạch vẽ minh họa truyện thơ nôm “Lục Vân Tiên”, với 1.200 bức tranh minh họa. Năm 1899, Eugene Gibelt đã tặng tác phẩm này cho Viện Hàn lâm văn khắc và mỹ văn của Pháp. Năm 2016, Viện Viễn đông bác cổ Pháp đã cho xuất bản tác phẩm này bằng tiếng Việt, tiếng Anh và tiếng Pháp. Năm 1986, truyện thơ “Lục Vân Tiên” được dịch ra tiếng Nhật với bản dịch của Giáo sư Takeuchi Yonosuke. Năm 2016, “Lục Vân Tiên” được dịch ra tiếng Anh với bản dịch của Éric Rosencrantz.

Với 3 thứ tiếng và 9 bản dịch, “Lục Vân Tiên” là tác phẩm văn học Việt Nam được dịch ra ngoại ngữ nhiều thứ ba sau “Truyện Kiều” (21 thứ tiếng, hơn 73 bản dịch), “Nhật ký trong tù” (khoảng 16 thứ tiếng, 20 bản dịch).

Năm 1972, tại Hà Nội, Đảng và Nhà nước ta tổ chức kỷ niệm 150 năm ngày sinh   cụ Nguyễn Đình Chiểu, có hai nhà khoa học nước ngoài viết về nhà thơ. Thứ nhất là tác giả Hoàng Giật Cầu (Trung Quốc) viết về hai tên sách “Truyện Tây Minh”, truyện “Tam Công” của Trung Quốc, so sánh với truyện “Lục Vân Tiên”, truyện “Ngư tiều y thuật vấn đáp” của Nguyễn Đình Chiểu. Thứ hai là Giáo sư, Tiến sĩ khoa học N. Nikulin (Liên Xô cũ) viết về Nguyễn Đình Chiểu với tư cách nhà thơ thân yêu của miền Nam Việt Nam. Sau này, N. Nikulin khi viết lịch sử văn học Việt Nam xuất bản ở Liên Xô cũ, có viết về nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu.

Năm 2019, trong chương trình xây dựng hồ sơ quốc gia trình UNESCO để UNESCO đưa Nguyễn Đình Chiểu vào danh sách các danh nhân UNESCO và các quốc gia thành viên sẽ kỷ niệm năm sinh hoặc năm mất vào năm 2022, 2023, Tỉnh ủy, UBND tỉnh giao cho GS.TS. Nguyễn Chí Bền viết cuốn sách “Nguyễn Đình Chiểu (1822 - 1888), nhà thơ lớn, nhà văn hóa kiệt xuất”. Năm 2020, Nhà xuất bản Thế giới của Việt Nam đã giới thiệu với bạn đọc trong nước và nước ngoài cuốn sách này với bản tiếng Việt của GS. TS. Nguyễn Chí Bền; lời giới thiệu của Chủ tịch UBND tỉnh Trần Ngọc Tam. Như vậy là lần đầu tiên bạn đọc nước ngoài tiếp cận với nhà thơ lớn, nhà văn hóa kiệt xuất của Việt Nam một cách tổng thể và cô đọng.

Bản dịch tiếng Anh của TS. Nguyễn Thị Thu Hường và Bản dịch tiếng Pháp của TS. Trần Văn Công.

Bản dịch tiếng Anh của TS. Nguyễn Thị Thu Hường và Bản dịch tiếng Pháp của TS. Trần Văn Công.

Năm 2021, Nhà xuất bản của Đại học Tổng hợp Liên bang Viễn Đông (FEFU) xuất bản cuốn sách của GS. TS. Nguyễn Chí Bền (bản tiếng Việt) và bản dịch tiếng Nga của N. Sokolovsky, một chuyên gia Việt Nam học, người Nga.

Đại học Tổng hợp Liên bang Viễn Đông của Liên bang Nga là một đại học lớn, có uy tín trong các đại học của thế giới. Bạn đọc Nga và các nước thuộc Liên Xô cũ nói tiếng Nga được biết về danh nhân Nguyễn Đình Chiểu của Việt Nam. Theo tác giả A.Ia.Sokolovsky, Tiến sĩ Ngữ văn, Giáo sư Khoa Châu Á  - Thái Bình Dương, Giám đốc Trung tâm Văn hóa và Giáo dục Việt Nam thuộc Đại học Tổng hợp Liên bang Viễn Đông (FEFU), việc xuất bản cuốn sách này có giá trị khoa học và thực tiễn.

Trong kế hoạch hướng tới kỷ niệm lần thứ 200 năm ngày sinh của nhà thơ yêu nước Nguyễn Đình Chiểu, tỉnh sẽ tổ chức một hội thảo khoa học quốc tế về danh nhân Nguyễn Đình Chiểu vào đầu tháng 3-2022. Có nhiều học giả quốc tế đang quan tâm đến hội thảo này. Hy vọng, chúng ta sẽ được tiếp nhận nhiều hơn nghiên cứu của học giả quốc tế về “Nguyễn Đình Chiểu, con người và sự nghiệp”. Và đây cũng là cơ hội cho chúng ta giới thiệu về đất nước, con người Bến Tre với quốc tế.

Bài, ảnh: Nguyễn Trúc Tân

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN