Nguyễn Hải & niềm đam mê cháy bỏng

19/03/2010 - 08:34
Ảnh: H.Thi

Là một trong những người đoạt khá nhiều giải thưởng về nhiếp ảnh trong tỉnh, khu vực ĐBSCL, toàn quốc và quốc tế, cái tên Nguyễn Hải trong giới nhiếp ảnh trở nên quen thuộc. Hẹn rồi lại hẹn, hẹn mãi… tôi cũng được gặp anh ở quán cà phê ven đường. Nguyễn Hải như thế nào nhỉ? Anh vẫn mặc quần áo bụi bụi, đầu đội nón lưỡi trai để lộ mái tóc xoăn dài gần chấm vai. Nhìn anh, tôi thầm nghĩ, phải chăng cái nghề cầm máy rày đây mai đó đã tạo cho anh phong cách đầy cá tính! Trái đất không ngừng quay, cuộc sống liên tục thay đổi, Nguyễn Hải trước mặt tôi cũng vậy. Cuộc trò chuyện về chuyện nghề, chuyện nghiệp của anh diễn ra rất đỗi tự nhiên.

Tôi nghĩ con đường anh đến với nhiếp ảnh chắc nhiều thú vị?

- Cũng có thể nói vậy. Ngày xưa, tôi có nghĩ mình sẽ cầm máy ảnh và sống chết với nó đâu. Sau khi tốt nghiệp lớp sư phạm cấp tốc ở huyện Mỏ Cày (nay là Mỏ Cày Nam – PV), tôi đi “gõ đầu trẻ”. Ngày hai buổi đến trường, đồng lương lại ít ỏi, tôi canh cánh bên lòng nỗi lo, muốn tìm việc gì đó làm thêm để cải thiện cuộc sống. Đang lúc bế tắc thì được duyên may khi anh bạn nhà bên sang ngỏ lời: “Lúc nào rảnh, anh qua phụ tui chụp hình nghen”. Như mở cờ trong bụng, nhưng tôi không khỏi lo lắng vì bàn tay nào giờ có sờ tới máy ảnh. May mắn là, thay vì học 2-3 tháng lành nghề tôi chỉ mất khoảng 10-20 ngày. Sau vài lần cầm máy chụp, được nhiều người khen ngợi, tôi thấy tự tin hơn với việc kiếm tiền thêm bằng nghề chụp hình dạo.

Thoáng chốc đã hơn 30 năm. Bây giờ, mục đích của việc cầm máy  cũng có phần khác đi. Tôi không chỉ chụp ảnh dịch vụ để lo cuộc sống gia đình, mà còn chụp ảnh nghệ thuật để thỏa mãn niềm đam mê.

Điều này nghe rất thú vị! Vậy, con đường anh đến với ảnh nghệ thuật luôn suôn sẻ hay gập ghềnh, chông gai?

- Ổn định kinh tế và tràn đầy lòng đam mê luôn là yếu tố cần có đối với những ai muốn “chơi” ảnh nghệ thuật. Với tôi, cũng không ngoại lệ. Có lẽ vì thế, con đường đến với ảnh nghệ thuật của tôi không lắm gập ghềnh, chông gai. Năm 1986, khi cuộc sống gia đình ổn định, tôi thôi dạy học. Tôi dành toàn bộ thời gian cho việc chụp hình cưới, hỏi và tập “chơi” ảnh nghệ thuật. Năm 1987, tôi đã có một vài tác phẩm đầu tay, được bạn bè trong giới nhiếp ảnh đánh giá cao. Từ đó, tôi được giới thiệu vào Phân hội Nhiếp ảnh, thuộc Hội VHNT Nguyễn Đình Chiểu. Ở đây, tôi có nhiều cơ hội tham gia sáng tác, và sau mỗi chuyến du hành từ hội trại sáng tác, tôi cho ra đời hàng loạt “đứa con tinh thần”, từ ảnh nghệ thuật đến ảnh báo chí. Năm 1990- 1992, tôi được kết nạp vào Hội Nhà báo tỉnh; tham gia dự giải và đoạt một số giải trong các cuộc thi ảnh nghệ thuật, ảnh báo chí trong tỉnh, khu vực ĐBSCL và toàn quốc. Nhờ vậy, uy tín của tôi trong làng nhiếp ảnh được nâng lên. Tôi được anh em tín nhiệm bầu làm Chủ nhiệm CLB Nhiếp ảnh huyện Mỏ Cày (năm 1993). Năm 1995, tôi tiếp tục đoạt giải cuộc thi ảnh du lịch ĐBSCL (giải đặc biệt). Thành công này là đòn bẩy đẩy niềm đam mê sáng tác ảnh nghệ thuật của tôi lên đỉnh cao. Từ năm 2000 trở lại đây, tôi đoạt nhiều giải trong chặng đường “chơi” ảnh nghệ thuật: 2 HCB quốc tế; 2 HCB, 1 giải khuyến khích khu vực ĐBSCL, 5-6 giải trong tỉnh. Đây là điều kiện để tôi được kết nạp vào Hội Nhiếp ảnh Việt Nam và liên tục được mời tham gia nhiều cuộc triển lãm ảnh quốc tế, được tổ chức ở Ma Cao (Hồng Kông), Braxin, Indonesia, Singapore, Anh…. Đến nay, tôi đã có trên dưới 30 tấm ảnh đoạt giải, trưng bày tại các cuộc triển lãm ảnh quốc tế.

Muốn sáng tác văn chương hay hội họa, nhiếp ảnh, mỗi nghệ sĩ đều phải có “gu” riêng hoặc theo một  trường phái nào đó, còn anh thì sao?

- Sinh ra và lớn lên trên mảnh đất bốn bề sông nước, giàu truyền thống đấu tranh cách mạng và cần cù lao động, nên tôi rất thích chụp ảnh về đời thường – những gì diễn ra xung quanh tôi. Phần lớn ảnh nghệ thuật của tôi mang chủ đề đó, gần gũi với con người, thiên nhiên như cảnh gặt lúa, mua gánh bán bưng, trẻ em lao động sớm… 

Ảnh nghệ thuật không chỉ đẹp về bố cục, ánh sáng… mà còn thể hiện rõ ý nghĩa, thông điệp mà người chụp muốn gửi đến người xem. Theo anh, để có những tấm ảnh đẹp, không phải là chuyện dễ dàng?

- Đúng vậy, những tấm ảnh có giá trị, đoạt giải cao phải có tính chân thật, chuyển tải hết ý nghĩa (dân trong nghề gọi là đã chụp thì phải chụp cho “tới”). Để làm được điều đó, người cầm máy phải tìm ra cái đẹp trong nhân vật, cảnh vật mình chụp, nếu không, chúng ta khó chọn góc cạnh đẹp, khó thể hiện hết cái hồn của nhân vật, cảnh vật. Ví dụ, một cô gái đang cầm dù chạy trong mưa, lúc này ánh mắt của cô gái sẽ lột tả hết sự hối hả vì sợ ướt, nếu chúng ta bắt gặp ánh mắt ấy và bấm máy kịp lúc thì sẽ có một tấm ảnh đẹp, rất có hồn mà không cần dàn dựng. Một bức ảnh đẹp phụ thuộc vào nhiều yếu tố: thời tiết, độ sáng…Ví dụ, muốn chụp cảnh nông dân làm muối hay bắt nghêu, nếu trời không đủ nắng thì nhiếp ảnh gia đành vác máy về, đôi khi phải đi tới, đi lui đến 5-7 lần vẫn chưa chụp được. Bởi vậy mới nói, chơi ảnh nghệ thuật không dễ, đó là một quá trình lao động nghiêm túc, cực nhọc và cần lắm sự kiên nhẫn.

Tác phẩm “Nắng sớm” của Nguyễn Hải.

Với những tác phẩm đoạt giải như: Phóng sự ảnh “Thế đứng mới của cây dừa Bến Tre” (giải 2 cuộc thi ảnh báo khu vực ĐBSCL và toàn quốc); “Lễ hội nghinh Ông ở Bình Đại” (HCB cuộc thi ảnh nghệ thuật ĐBSCL và quốc tế -  ảnh được chọn làm biểu tượng cho huyện Bình Đại); “Đồi cát” (ảnh triển lãm quốc tế); “Những người làm gạch” (HCB khu vực ĐBSCL, giải B toàn quốc); “Hàng quân ngũ” (đoạt cúp VAPA); “Sắc màu đồng quê” (giải Vinh dự quốc tế)… , theo tôi, giá trị của những tấm ảnh ấy không dừng lại ở giải thưởng, anh nghĩ sao về điều này?

- Đúng vậy, giải thưởng luôn là niềm khích lệ, động viên tinh thần để những người cầm máy sáng tác hăng say hơn. Giải thưởng cũng là thước đo tay nghề, uy tín, vinh dự của nhà nhiếp ảnh. Song, giá trị của nó không chỉ dừng lại ở đó mà còn mang ý nghĩa to lớn khác. Chẳng hạn như tôi biến số tiền giải thưởng thành những suất học bổng tặng học sinh nghèo trong huyện. Bên cạnh đó, những tấm ảnh đoạt giải được trưng bày tại các cuộc triển lãm trong nước và quốc tế sẽ giúp mọi người hiểu thêm về đất và người Bến Tre nói riêng, Việt Nam nói chung. Đó chẳng phải là một cách quảng bá du lịch hiệu quả hay sao!

Được biết trong tháng 4 tới đây, anh có chuyến du hành ra Bắc, chắc anh có dự tính quan trọng để “chơi” ảnh?

- (Cười) Tôi đi dự hội trại sáng tác ở tỉnh Phú Thọ nửa tháng, do Bộ Văn hóa - Thể thao & Du lịch phối hợp với Quỹ Phát triển tài năng trẻ tổ chức. Đây là cơ hội để tôi hoàn chỉnh bộ sưu tập ảnh nghệ thuật từ Nam ra Bắc. Đó cũng là bước chuẩn bị cho cuộc triển lãm ảnh của riêng tôi, sẽ được tổ chức vào một ngày không xa (bí mật!).

Xin cảm ơn và chúc anh sớm hoàn thành dự tính “bí mật”!

H.THI (thực hiện)

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN