
Nhà báo Huỳnh Dũng Nhân trong một lần về thăm Bến Tre.
Người con quê hương Đồng Khởi
Ba của nhà báo Huỳnh Dũng Nhân là nhà báo Huỳnh Hùng Lý, quê quán tại xã Hưng Lễ, huyện Giồng Trôm. Ông là nhà báo cùng thời với thế hệ những “đại thụ” của làng báo chí cách mạng Việt Nam như nhà báo Hoàng Tùng, nhà báo Trần Bạch Đằng, nhà báo Lưu Quý Kỳ... Vào những năm 1950 - 1960, nhà báo Huỳnh Hùng Lý rất nổi danh trong làng báo với những tác phẩm báo chí để đời.
Nhà báo Huỳnh Hùng Lý từng giữ nhiều chức vụ quan trọng như Thư ký tòa soạn Báo Nhân Dân miền Nam; Tổng Biên tập Báo Đối ngoại của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam (Sud Vietnam En Lutte); Trưởng ban Chính trị - Trưởng đại diện Báo Nhân Dân tại các tỉnh phía Nam; Giám đốc Sở Văn hóa - Truyền thông Đặc khu Vũng Tàu - Côn Đảo; Phó ban Tuyên giáo Đặc khu Bà Rịa - Vũng Tàu.
Suốt thời gian ra Bắc tập kết, làm việc tại Báo Nhân Dân, ông cùng người vợ là bà Lê Thị Lý - người con của mảnh đất Rạch Giá, Kiên Giang, luôn giữ trong lòng mình một tình yêu với quê hương miền Nam. Tình yêu nghề báo, tình yêu quê hương đó đã được truyền lại cho những người con của ông bà và nhà báo Huỳnh Dũng Nhân là người con nối nghiệp thành công nhất trong một gia đình có tới 9 người từng làm báo.
Những năm 90 của thế kỷ XX, đầu những năm 2000, nhắc đến thể loại phóng sự trên báo chí là người ta nhắc đến Huỳnh Dũng Nhân - được bạn đọc tôn vinh là “Vua phóng sự”. Ông là nhà báo tiên phong, mở đường cho một thể loại báo chí dấn thân, những phóng sự xã hội đầy nhân văn và mang đậm hơi thở cuộc sống. Những phóng sự làm nên thương hiệu Huỳnh Dũng Nhân có thể kể đến như: “Hai giờ dưới lòng đất”, “Tôi đi bán tôi”, “Con đường bia bọt”, “Ngoài ấy là Trường Sa”, “Ký sự Xuyên Việt”... Nhờ rất thành công trong lĩnh vực báo chí, trong 25 năm qua, ông được mời tham gia giảng dạy phóng sự cho các cơ sở đào tạo về báo chí trên cả nước, trong đó có những lần dạy các lớp đại học và lớp bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí cho tỉnh Bến Tre.
Làm nghề nghiêm túc cùng với tài năng của mình, nhà báo Huỳnh Dũng Nhân đã được đề bạt rất nhiều chức vụ như: Ủy viên Ban Chấp hành - Phó ban Nghiệp vụ Hội Nhà báo Việt Nam; Phó chủ tịch Hội Nhà báo TP. Hồ Chí Minh; đại biểu HĐND TP. Hồ Chí Minh khóa VI (1999 - 2004); Tổng Biên tập tạp chí Nghề báo… Không chỉ viết báo, ông còn viết văn, làm thơ và xuất bản nhiều tập thơ, tập truyện, giáo trình, hồi ký rất có giá trị. Chỉ trong 6 năm nghỉ hưu, ông đã cho ra mắt 6 tập sách được bạn đọc đón nhận, trong số đó có cuốn “Chúng tôi một thời mũ rơm mũ cối” được “tặng giải thưởng Văn học TP. Hồ Chí Minh” năm 2020.
Trong suốt thời gian hoạt động báo chí sôi nổi của mình, nhà báo Huỳnh Dũng Nhân luôn tự hào mình là người con của quê hương Bến Tre và đau đáu về quê hương:
“Tôi quê xứ dừa mà xa quê
Cả một đời mải mê dọc dài đất nước
Cả đời tôi chưa nếm vị ngọt quê hương
Cứ ngỡ thiêng liêng nào cũng từ hương của đất
Biết dừa quê tôi tinh túy của đất trời
Về thăm Ba Tri, Giồng Trôm mà nhớ quá một thời…”
Nghĩa tình con chữ
Nhà báo Huỳnh Dũng Nhân kể lại: “Năm 1975, tôi theo ba tôi về thăm Bến Tre lần đầu tiên. Từ Sài Gòn đi xe về Bến Tre mất mấy chặng, rồi đi đò về Sơn Đốc, rồi lại đón ghe về tới nhà, lội bộ đường sình lầy té lên té xuống. Thế nhưng cái cảm giác được về quê cha thiêng liêng lắm”. Đó cũng là lần đầu tiên, một người con của quê hương Bến Tre về thăm quê, thăm gia đình của ba mang đầy đau thương do chiến tranh tàn khốc và có ông bà nội là hai liệt sĩ thời chống Pháp.
Hình ảnh một quê hương vừa đi qua cuộc chiến và câu chuyện về gia đình đã in sâu vào tâm trí của chàng thanh niên 20 tuổi năm ấy, khắc họa vào tâm khảm một hình ảnh Bến Tre đau thương nhưng bất khuất, một Bến Tre là thành đồng Tổ quốc - nơi cả gia đình rất đỗi tự hào, yêu thương.
Nhờ làm báo chuyên nghiệp, nhà báo Huỳnh Dũng Nhân đã tích cực tham gia Câu lạc bộ các phóng viên ngoài tỉnh Bến Tre và có dịp về Bến Tre nhiều hơn trong các dịp giảng dạy hay làm Ban giám khảo chấm Giải Báo chí Sương Nguyệt Anh. Ông chứng kiến sự đổi thay của quê hương và luôn bám sát từng sự kiện nổi bật của vùng đất này. Những đồng nghiệp của ông ở quê đều dành cho ông tình cảm hết sức yêu mến, trân trọng. Cũng nhờ những dịp “về thăm quê đó”, ông nhận ra mình càng hiểu và yêu quê hương của mình hơn. Có một câu chuyện khiến nhà báo Huỳnh Dũng Nhân rất nhớ và cảm động. Đó là khi giảng dạy lớp báo chí tại Bến Tre, lúc nào trên bàn của giảng viên cũng có một trái dừa ngọt mát của quê hương. Khi ông nói với mọi người rằng quê mình ở Bến Tre, nhiều người không tin, may mà nhờ các bạn học báo chí cùng ông là các nhà báo Hà Thanh Niên, Phương Đông, Cao Tư, Đỗ Quyên... xác nhận giùm thì mọi người mới tin ông là dân Bến Tre chính gốc.
Biết ba mình luôn đau đáu về quê nhà lúc còn sinh thời, nhà báo Huỳnh Dũng Nhân đã có nhiều dịp đưa ba về thăm quê nhà, cả khi khởi công và khánh thành cầu Rạch Miễu, ông đều tự lái xe đưa ba về dự lễ.
Nhà báo Huỳnh Dũng Nhân còn kể lại một câu chuyện hết sức cảm động về miếng đất của quê hương. Ngày đó, thời kinh tế thị trường bắt đầu xuất hiện, nhiều đồng nghiệp của ông tranh thủ các mối quan hệ và làm giàu từ việc mua bán đất. Ông cũng có toan tính kiếm miếng đất làm vốn. Thấy vậy, nhà báo Huỳnh Hùng Lý có lần đã nói: “Ba cũng có miếng đất cho con” rồi đưa cho ông một hũ đất: “Đó là miếng đất ở sân nhà nơi ông bà nội con đã ngã xuống ở quê nhà Bến Tre thời kháng chiến chống Pháp. Khi đi tập kết ra Bắc, ba đã lấy một ít mang theo”. Nhà báo Huỳnh Dũng Nhân đã lặng người khi nhận hũ đất vô giá từ ba mình như vậy và “Chợt thấy mình một ngàn lần có lỗi/ Khi xa quê mà chỉ biết nhớ quê”.
Gần đây tên tuổi của nhà báo Huỳnh Dũng Nhân ngày càng vang xa, tên ông được đưa vào từ điển tìm kiếm nhân vật nổi tiếng của Wikipedia, và mới đây một trang mạng chuyên về bình chọn đã đưa tên ông vào tốp 16 nhà báo nổi tiếng Việt Nam.
Đôi khi những thăng trầm trong cuộc sống khiến con người ta hạnh phúc vì được đi xa, xúc động vì có quê hương để được nhớ nhà. Có thể nói rằng, trong suốt hơn 40 năm làm báo của mình, nhà báo Huỳnh Dũng Nhân vẫn luôn giữ được cốt cách người Bến Tre hào sảng, nghĩa tình trong từng con chữ. Chắc chắn một điều rằng, ông đã rất tự hào khi nhận mình là một “phu chữ” suốt đời cũng như tự hào khi nói rằng, quê tôi ở Bến Tre…
Bài, ảnh: Hạ Long