Huỳnh Tấn Phát

Nhà cách mạng chân chính, nhà văn hóa tiêu biểu

03/01/2023 - 10:30

BDK - Huỳnh Tấn Phát là một nhân vật lớn của nước ta trong lịch sử hiện đại. Cuộc đời ông trải qua nhiều giai đoạn thăng trầm của đất nước - giai đoạn nhân dân ta đấu tranh chuẩn bị giành độc lập dân tộc, tiến tới Cách mạng Tháng Tám năm 1945, rồi hai cuộc kháng chiến trường kỳ gian khổ và bước đầu xây dựng lại đất nước Việt Nam thống nhất trong điều kiện đầy thử thách, cam go.

Huỳnh Tấn Phát là một nhân vật lớn của nước ta trong lịch sử hiện đại. Cuộc đời ông trải qua nhiều giai đoạn thăng trầm của đất nước - giai đoạn nhân dân ta đấu tranh chuẩn bị giành độc lập dân tộc, tiến tới Cách mạng Tháng Tám năm 1945, rồi hai cuộc kháng chiến trường kỳ gian khổ và bước đầu xây dựng lại đất nước Việt Nam thống nhất trong điều kiện đầy thử thách, cam go.

Chân dung đồng chí Huỳnh Tấn Phát thời trẻ.  Ảnh tư liệu

Cuộc đời và sự nghiệp

Huỳnh Tấn Phát còn gọi là Sáu Phát (thời chống Pháp) và Tám Chí (thời chống Mỹ). Ông sinh ngày 15-2-1913, tại xã Châu Hưng, huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre. Thời thơ ấu, Huỳnh Tấn Phát học tiểu học rồi trung học ở Trường Trung học Mỹ Tho (nay là Trường THPT Nguyễn Đình Chiểu), sau đó lên Sài Gòn học Trường Pétrus Ký (bây giờ là Trường THPT Chuyên Lê Hồng Phong), rồi Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương - Hà Nội. Ở cấp nào, Huỳnh Tấn Phát cũng là học sinh giỏi và được cấp học bổng.

Năm 1936, Huỳnh Tấn Phát tham gia phong trào Đông Dương Đại hội, cùng anh em tổ chức một đoàn đại biểu sinh viên, học sinh đến gặp phái đoàn Godard (đại diện Chính phủ bình dân Pháp sang Đông Dương) để trình “Tập thư thỉnh nguyện” đòi dân sinh, dân chủ.

Năm 1938, Huỳnh Tấn Phát đậu thủ khoa ngành kiến trúc và 3 năm sau, ông đạt giải nhất cuộc thi thiết kế và xây dựng khu Trung tâm Hội chợ triển lãm Đông Dương do Toàn quyền Đông Dương Decoux tổ chức. Thời gian này, văn phòng kiến trúc của Huỳnh Tấn Phát rất đông thân chủ nhưng ông không quan tâm làm giàu, mà ở ông đã có sự chuyển hướng dứt khoát sang hoạt động chính trị.

Với nhiệt huyết và năng lực của một trí thức trẻ yêu nước, Huỳnh Tấn Phát đứng ra làm Chủ nhiệm Tuần báo Thanh niên với khuynh hướng kháng Pháp, chống Nhật. Sử dụng diễn đàn báo chí, ông cùng Huỳnh Văn Tiểng, Mai Văn Bộ, Lưu Hữu Phước phát triển mạnh phong trào truyền bá Quốc ngữ, phong trào Cứu tế nạn đói Bắc Kỳ và đặc biệt là xây dựng phong trào Thanh niên Tiền phong mà ông là Trưởng ban cổ động.

Nhân chứng lịch sử thời bấy giờ, Giáo sư Trần Văn Giàu (nguyên Bí thư Xứ ủy Nam Kỳ) khẳng định: “Đồng chí đảng viên Huỳnh Tấn Phát (ông được kết nạp Đảng ngày 5-3-1945) là một trong những anh em có công nhất trong việc tổ chức các lớp huấn luyện ở Sài Gòn năm 1945… Trong tổ chức Thanh niên Tiền phong, Huỳnh Tấn Phát là một người sáng lập, một người lãnh đạo có năng lực, có nhân cách. Ít nói nhưng khi nói thì được nhiều người nghe theo…, khi ra mắt đồng bào thì lời lẽ sáng tỏ, hùng hồn, lôi cuốn…”.

Cách mạng Tháng Tám bùng nổ, Huỳnh Tấn Phát cùng một số trí thức Nam Bộ tham gia cướp chính quyền ở Sài Gòn - Chợ Lớn. Cách mạng Tháng Tám thành công, ông được cử làm Phó giám đốc Sở Thông tin báo chí của UBND Nam Bộ. Đầu năm 1946, Huỳnh Tấn Phát bị địch bắt và kêu án 2 năm tù. Trong tù, ông được anh chị em bầu làm Trưởng ban đại diện “Liên đoàn tù nhân chính trị Khám lớn Sài Gòn”. Dưới sự lãnh đạo của ông, nhà tù đã trở thành trường đào tạo văn hóa, chính trị, quân sự cho rất nhiều cán bộ cốt cán.

Tháng 11-1947, sau khi ra tù, Huỳnh Tấn Phát được phân công phụ trách công tác trí vận và báo chí ở Sài Gòn, đồng thời là Bí thư Đảng đoàn Đảng Dân chủ Nam Bộ - một đảng chân chính trong Mặt trận Việt Minh, đảng chính trị tập hợp lực lượng trí thức lúc bấy giờ.

Năm 1949, kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát ra chiến khu, được cử làm Ủy viên Ủy ban kháng chiến Hành chính Nam Bộ, kiêm Giám đốc Sở Thông tin Nam Bộ. Sau đó, ông được cử làm Ủy viên Ủy ban kháng chiến Hành chính đặc khu Sài Gòn, trực tiếp phụ trách Đài Phát thanh Tiếng nói Sài Gòn - Chợ Lớn tự do ở chiến khu Đ.

Sau Hiệp định Genevè năm 1954, Huỳnh Tấn Phát được tổ chức phân công trở về Sài Gòn để tạo thế hoạt động công khai, hợp pháp. Ông được bổ sung vào Thành ủy Sài Gòn, trực tiếp phụ trách Ban Trí vận và Chính quyền vận. Đầu năm 1959, ông ra chiến khu, được cử làm Khu ủy viên chính thức đặc khu Sài Gòn - Gia Định. Năm 1962, ông được Đại hội Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam lần thứ nhất bầu làm Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Ủy ban Trung ương Mặt trận, đồng thời ông cũng là Chủ tịch Ủy ban Mặt trận dân tộc giải phóng kiêm Trưởng ban Trí vận Mặt trận của Khu ủy Sài Gòn - Gia Định.

Xuân Mậu Thân 1968, ông chỉ đạo vận động một số nhân sĩ yêu nước tiêu biểu qua các phong trào văn hóa, xã hội, chính trị ở Sài Gòn ra vùng giải phóng để thành lập Ủy ban Trung ương Liên minh các lực lượng dân tộc, dân chủ và hòa bình Việt Nam. Ngày 6-6-1969, Đại hội đại biểu Quốc dân miền Nam Việt Nam bầu ông làm Chủ tịch Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam.

Sau khi miền Nam được giải phóng, đất nước thống nhất, năm 1976, ông được Quốc hội khóa VI cử làm Phó thủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, kiêm Trưởng ban Chỉ đạo quy hoạch đô thị, Chủ nhiệm Đề án thiết kế xây dựng Thủ đô Hà Nội. Năm 1979, ông kiêm chức vụ Chủ nhiệm Ủy ban Xây dựng cơ bản Nhà nước và đại diện thường trực của Việt Nam tại Khối SEV (Hội đồng tương trợ kinh tế các nước xã hội chủ nghĩa).

Năm 1981, ông được Quốc hội khóa VII cử làm Phó chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Tháng 6-1982, ông được cử giữ chức Phó chủ tịch Hội đồng Nhà nước. Năm 1983, Đại hội lần thứ hai MTTQ Việt Nam bầu ông làm Chủ tịch Đoàn chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, đồng thời ông cũng đắc cử Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam tại Đại hội Kiến trúc sư lần thứ III. Ngoài ra, ông còn là đại biểu Quốc hội các khóa I, II, III, VI, VII, VIII.

“Làm đẹp Tổ quốc, làm đẹp cách mạng, làm đẹp cuộc đời”

Dù ở cương vị nào, Huỳnh Tấn Phát vẫn luôn là người tận tụy, trung thực, khiêm tốn, hết lòng phụng sự đất nước, phục vụ nhân dân. Ông đã cống hiến, đã sống rất trọn vẹn với tư cách của người trí thức yêu nước, nhà cách mạng chân chính, nhà văn hóa - kiến trúc tiêu biểu. Ông cũng là hạt nhân ưu tú, chủ chốt của Mặt trận, của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, người truyền lửa, giác ngộ lòng yêu nước và lý tưởng cách mạng cho nhiều thế hệ trí thức ở Sài Gòn, Nam Bộ, Việt Nam.

Ngôi trường THPT mang tên nhà cách mạng yêu nước Huỳnh Tấn Phát tại xã Châu Hưng, huyện Bình Đại. Ảnh: Ánh Nguyệt

Ngôi trường THPT mang tên nhà cách mạng yêu nước Huỳnh Tấn Phát tại xã Châu Hưng, huyện Bình Đại. Ảnh: Ánh Nguyệt

Thượng tướng Trần Văn Trà nhận xét: “Huỳnh Tấn Phát là một trí thức tiêu biểu, đấu tranh kiên cường, nổi tiếng nhưng anh rất khiêm tốn, bình dị ít thấy… Cả cuộc đời anh toát lên uy tín của một con người. Cách mạng chọn anh chớ không ai khác là có cân nhắc vì vai trò cá nhân của anh, tư cách của anh, con người của anh…”.

Nguyên Bí thư Thành ủy Sài Gòn Trần Bạch Đằng chia sẻ: “… Huỳnh Tấn Phát luôn đứng trên tuyến đầu. Anh không cầm súng, chưa bao giờ là chỉ huy quân sự song lại cáng đáng một trận địa mà có lẽ không dễ có người thay: huy động lực lượng trí thức vào hàng ngũ đấu tranh cho độc lập, tự do… Là một trí thức lớn, một nhà hoạt động cách mạng thâm niên cao, anh Phát luôn giữ thái độ tổ chức thật chặt chẽ. Với anh, chỉ có công việc là đáng kể”.

Là người tài năng trên rất nhiều phương diện nhưng dấu ấn văn hóa đậm nét ở ông vẫn là ngành kiến trúc. Kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát đã có nhiều giải thưởng danh giá, để lại cho đời rất nhiều công trình kiến trúc tiêu biểu, được giới kiến trúc sư Pháp đánh giá là “bậc thầy kiến trúc”, là “hạt ngọc Đông Dương trong lĩnh vực kiến trúc”. Khi ở cương vị Phó thủ tướng Chính phủ, kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát đã có công lớn trong việc thiết kế, quy hoạch Thủ đô Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành trong cả nước. Kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát từng nói: “Mất độc lập dân tộc, mất hòa bình, mọi sáng tạo của kiến trúc sư chúng ta đều là vô nghĩa. Ai cũng nhận rõ hòa bình là xây dựng, chiến tranh là tàn phá. Kiến trúc là cuộc sống. Chiến tranh là hủy diệt cuộc sống. Cho nên đấu tranh giữ độc lập dân tộc và gìn giữ hòa bình thế giới là việc quan trọng trong thời đại ngày nay”. Ông thường nhắc nhở: “Ba thế mạnh của Hà Nội là cây xanh, mặt hồ và di tích lịch sử. Xây dựng thế nào để phát triển ba thế mạnh hiếm có này thì thủ đô chúng ta sẽ có những nét nghệ thuật độc đáo”.

Những ý tưởng và tầm nhìn vượt thời gian về diện mạo của các thành phố tương lai của kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát đến giờ vẫn còn nguyên giá trị. Những công trình mà người đương thời đang triển khai, thực hiện phần lớn đều bắt nguồn từ những định hướng của kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát ngay từ những tháng năm gian khó nhất - khi mới hòa bình thống nhất nước nhà.

Cuộc đời của kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát đã góp phần giải mã một câu hỏi lớn: Vì sao sự nghiệp cách mạng của dân tộc Việt Nam vẫn thắng lợi, vẫn tiến về phía trước dù luôn đối mặt với muôn vàn khó khăn thử thách, có lúc tưởng chừng như không thể vượt qua? Cội nguồn thắng lợi ấy phải chăng được kết tụ từ triệu triệu tấm lòng yêu nước của toàn dân tộc Việt Nam, nhờ có Đảng soi đường và vì có những trí thức tài năng, nhiệt huyết như ông đã dám vứt bỏ mọi vinh hoa, phú quý của xã hội thượng lưu để xả thân lao vào cuộc chiến đấu một mất một còn của nhân dân vì độc lập, tự do cho Tổ quốc.

Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh đã từng bộc bạch: “Huỳnh Tấn Phát là một cán bộ đầy tình người trong sáng, luôn đoàn kết thuyết phục mọi người phục vụ cách mạng. Anh luôn để lại trong tôi và trong mọi người quen biết một mối tình cảm khó quên, một niềm kính phục và thương yêu, kính trọng mỗi khi có dịp nhớ tới hay cùng ngồi đàm đạo nhắc lại tên anh”.

Ngày 30-9-1989, kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát đã về cõi vĩnh hằng. Toàn dân tộc Việt Nam nhớ ơn ông - một trí thức ưu tú quên mình vì đại cuộc, một nhà cách mạng chân chính, một nhà văn hóa tiêu biểu, một kiến trúc sư đầy tài năng và nhiệt huyết. Ông mãi mãi là hiện thân của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, mãi mãi là người “làm đẹp Tổ quốc, làm đẹp cách mạng, làm đẹp cuộc đời”.


Nguyễn Quang Trị

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN