Hoạt cảnh về cuộc đời Nhà thơ yêu nước Nguyễn Đình Chiểu.
Để tôn vinh những giá trị tư tưởng, nhân cách, đạo đức của một nhà giáo, một người thầy thuốc, một nhà thơ suốt đời vì nhân dân, đem tài năng và trí tuệ của mình ra phục vụ cho dân, cho nước, cũng như tiếp tục tuyên truyền, học tập về thân thế, sự nghiệp của nhà thơ yêu nước Nguyễn Đình Chiểu, năm 1992, Tỉnh ủy đã chọn ngày 1-7 hàng năm làm “Ngày hội truyền thống Văn hóa tỉnh Bến Tre”. Ngày hội diễn ra thường niên nhân kỷ niệm ngày sinh và ngày mất của cụ Đồ Chiểu.
Gương xưa lưu hậu thế
“Chở bao nhiêu đạo thuyền không khẳm/ Đâm mấy thằng gian bút chẳng tà”, “Thà đui mà giữ đạo nhà/ Còn hơn có mắt ông cha không thờ”… Nhắc lại cuộc đời của cụ Nguyễn Đình Chiểu, ông Trương Quốc Phong - Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã nêu: Cụ Nguyễn Đình Chiểu đã có gần 30 năm gắn bó và chiến đấu cùng với nhân dân huyện Ba Tri nói riêng, tỉnh Bến Tre nói chung. Ông là nhà thơ, nhà giáo yêu nước và chiến đấu chống kẻ thù không khoan nhượng bằng chính ngòi bút sắc bén của mình. Người dân Bến Tre nhớ đến ông là nhớ đến quan điểm cách mạng sâu sắc: “Cái gì có hại cho dân, cho nước là xấu, là tà, phải trừ; còn cái gì có lợi cho dân, cho nước là chính nghĩa phải làm cho bằng được”.
“Cũng như nhiều người dân xã An Đức (huyện Ba Tri), tôi cảm thấy rất tự hào khi quê hương của mình là nơi mà cụ Nguyễn Đình Chiểu đã từng sinh sống và an nghỉ tại đây. Năm nào, tôi và nhiều bà con ở xã An Đức cũng đến viếng và thắp hương kính cụ vào dịp kỷ niệm ngày sinh và ngày mất của cụ. Tôi học được ở cụ về tinh thần yêu nước, dù giặc đã nhiều lần mua chuộc rồi đến uy hiếp nhưng cụ vẫn chặt dạ một lòng yêu nước, dùng thơ văn để chống giặc đến cuối đời”, bà Nguyễn Thị Loan - một người dân ở Ấp 3, xã An Đức chia sẻ.
Còn với nghề y, cụ là tấm gương sáng về y đức, hết lòng cứu chữa cho nhân dân. Bạn Nguyễn Minh Sang - Điều dưỡng viên Khoa Nội Bệnh viện Y học cổ truyền Trần Văn An bày tỏ: Khi về viếng Đền thờ cụ (cùng với đoàn gần 20 bạn trẻ Đoàn Thanh niên của Bệnh viện Trần Văn An), chúng em có rất nhiều cảm xúc, vì cụ là bậc tiền bối đáng kính trong nghề y. Chúng em học được những phẩm chất tốt đẹp từ tấm gương của cụ để làm vốn sống cho mình, đó là luôn tận tâm với nghề, quan tâm và chăm sóc tốt cho bệnh nhân. Ngoài ra, chúng em cũng có nhiều hoạt động khám chữa bệnh miễn phí cho bà con nghèo nhiều nơi trong tỉnh”.
Phát huy giá trị truyền thống văn hóa
Năm 2018, Ngày hội truyền thống văn hóa tỉnh có rất nhiều hoạt động: lễ viếng, dâng hương cụ Nguyễn Đình Chiểu; Liên hoan dân ca; triển lãm ảnh; trưng bày, xếp sách nghệ thuật; hội thi mâm xôi ngày hội, mâm cơm ngày giỗ; hội thi các môn thể thao và trò chơi vận động; hội thi Tìm hiểu đất và người Ba Tri; trao giải sáng tác thơ chủ đề về Bác Hồ; tổ chức Hội chợ thương mại, công nghiệp. Bên cạnh đó, còn có hoạt động tặng quần áo cho người dân có hoàn cảnh khó khăn. Trong đó, Liên hoan dân ca là một trong những hoạt động mới của năm nay. Nhiều làn điệu dân ca quê hương đã được trình diễn trước đông đảo công chúng như: Lý ngựa ô, Lý Cái Mơn, Lý con cua, Lý cây duối, Lý cảnh chùa, nói thơ Lục Vân Tiên, Lý cây bông lời mới: Ngày mới trên quê hương…
Theo PGS.TS Nguyễn Thị Mỹ Liêm - Ủy viên Ban Chấp hành Hội Nhạc sĩ Việt Nam, Bến Tre là một trong những cái nôi của dân ca Nam Bộ. Dân ca Bến Tre thể hiện rõ ràng sự kế thừa và phát triển từ các làn điệu âm nhạc dân gian của những người Việt từ miền ngoài vào Nam khai hoang lập nghiệp. Dân ca Bến Tre phong phú, mang dấu ấn một vùng sông nước, với cù lao, với sóng nước Cửu Long hòa với sóng biển Đông, với cây trái bốn mùa và nhất là cây dừa. Dân ca Bến Tre cũng thể hiện con người Bến Tre nồng hậu, nghĩa tình nhưng hết sức anh dũng, kiên trung. Thông qua hoạt động liên hoan, đã giới thiệu vốn quý giá phong phú của cha ông, trong niềm tự hào với những cái hay, cái đẹp của nghệ thuật âm nhạc dân tộc.
“Xác định đây là ngày hội lớn có ý nghĩa quan trọng, UBND huyện Ba Tri, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã thống nhất triển khai các nội dung trong công tác phối hợp tổ chức các hoạt động ngày hội chu đáo. Ngoài ra, huyện cũng rất chú trọng đến công tác tuyên truyền, thông qua các kênh truyền thông, đài địa phương, hệ thống chính quyền, đoàn thể… để thông tin rộng rãi đến bà con nhân dân khắp nơi biết đến Ngày hội truyền thống văn hóa Bến Tre, cũng như tuyên truyền về cuộc đời, thân thế, sự nghiệp thơ văn cụ Nguyễn Đình Chiểu. Cũng thông qua các hoạt động phong phú nhằm kết nối, thu hút sự quan tâm của các tầng lớp nhân dân đến ý nghĩa ngày hội đã nêu”, ông Trần Văn Hoàng - Phó chủ tịch UBND huyện Ba Tri cho biết.
Bài, ảnh: Ánh Nguyệt