Công an phường An Hội xác minh làm rõ vụ mất tài sản công.
Theo Phó giám đốc Công ty TNHH dịch vụ bảo vệ Trọng Hiếu (huyện Mỏ Cày Bắc) Lê Thanh Vũ: Khoảng tháng 9-2021, ngôi nhà số 3, đường Trần Quốc Tuấn, phường An Hội do công ty thực hiện nhiệm vụ bảo vệ đã xảy ra 2 lần mất cắp. Tài sản mất ước tính gồm khoảng 20 bậc thang bằng gỗ và 4 cánh cửa bằng sắt.
Khu vực tọa lạc của ngôi nhà số 3, đường Trần Quốc Tuấn hiện có 2 căn nhà, gồm: 1 căn nhà xưa xây từ thời Pháp và 1 căn mới xây, cả hai căn này đều là tài sản công; riêng ngôi nhà xưa được sự quản lý của Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch (theo danh mục nhà có giá trị cần được bảo tồn) và Trung tâm Phát triển nhà (quản lý tài sản).
Thạc sĩ Phạm Văn Luân - Giảng viên Trường Cao đẳng Bến Tre cho hay: Vào tháng 3-2021, ông cùng đoàn chuyên gia từ Hà Nội có chuyến khảo sát ngôi nhà xưa xây từ thời Pháp (ngôi nhà số 3, đường Trần Quốc Tuấn) phục vụ công tác nghiên cứu văn hóa. Ngày 29-9-2021, ông tham gia khảo sát thực tế ngôi nhà số 3, đường Trần Quốc Tuấn cùng đoàn khảo sát do Sở Xây dựng tổ chức, nhằm tham vấn ý kiến nên giữ lại hay đập bỏ ngôi nhà xưa. Lúc này ông phát hiện ngôi nhà bị mất một số tài sản.
Từ hình ảnh, thực tế khảo sát được lưu lại vào tháng 3-2021 và hiện trạng khảo sát vào tháng 9-2021, những thay đổi do con người tác động gồm có: Cầu thang bằng gỗ dày khoảng 5cm dẫn lên tầng trên của tòa nhà đã bị gỡ mất, đoàn khảo sát không thể di chuyển lên tầng trên như trước đây. Gần như toàn bộ cửa sổ (cửa lá sách bằng gỗ khá cồng kềnh, nặng nề) ở các phía đều bị gỡ xuống, khiến ngôi nhà có vẻ hoang phế.
Thành viên đoàn khảo sát của Sở Xây dựng phát hiện tất cả cửa gỡ xuống được vứt bỏ hờ hững trên nóc bồn nước xây bằng bê-tông phía sau ngôi nhà. Quan sát 3 bậc thang bằng gỗ còn sót lại, thành viên đoàn khảo sát thấy gỗ vẫn nguyên vẹn, không có dấu hiệu xuống cấp dù đã qua 85 năm sử dụng.
Nhiều cánh cửa gỗ bị gỡ xuống không rõ lý do.
Được biết, ngôi nhà xưa (ngôi nhà số 3, đường Trần Quốc Tuấn), còn được gọi là ngôi nhà Hội Nông dân, do từng là nơi làm việc của Hội Nông dân tỉnh. Ngôi nhà đã được UBND tỉnh đưa vào danh mục công trình cần bảo tồn tại Quyết định số 59/QĐ-UBND ngày 11-1-2016. Theo đó, thông tin về ngôi nhà Hội Nông dân được mô tả như sau: Ngôi nhà có kiến trúc Pháp với diện tích 180m2, trong khuôn viên 1.076m2. Chất liệu xây dựng bằng bê-tông cốt thép, nền lát gạch bông, mái tole. Nhà có hành lang mặt tiền, cửa dạng vòm, tầng trệt là tầng lầu nối với nhau bằng cầu thang cuốn. Đây là công trình có giá trị về mặt kiến trúc nghệ thuật cần được bảo tồn. Về việc lập hồ sơ xếp hạng di tích đối với ngôi nhà xưa Hội Nông dân, đại diện Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch cho biết, sở chưa có đủ tư liệu, cơ sở để lập hồ sơ trình cấp thẩm quyền công nhận.
Qua theo dõi thông tin, Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh Nguyễn Biên Thùy (nay là Thẩm phán Tòa án nhân dân Tối cao) đã liên hệ với phóng viên Báo Đồng Khởi, ông thông tin về lai lịch ngôi nhà xưa Hội Nông dân từng là Dinh Chánh án thời Pháp. Tiếp theo đó, chúng tôi liên hệ với ông Phạm Văn Trinh (hay còn gọi là Năm Trinh), sinh năm 1945. Ông Trinh làm việc trong ngành tài nguyên môi trường từ năm 1967 đến năm 2005 (làm việc ở Ty điền địa, sau này là Sở Tài nguyên và Môi trường Bến Tre), chức vụ cuối cùng trước khi về hưu của ông Năm Trinh là Phó giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường.
Ông Phạm Văn Trinh cho biết: Khu vực này từng có 3 ngôi nhà xây thời Pháp gồm: 1 ngôi nhà góc đường Lê Quý Đôn và Trần Quốc Tuấn là Ty điền địa, 1 ngôi nhà nhìn ra đại lộ Đồng Khởi được phân bổ cho ông chánh lục sự tòa và 1 ngôi nhà có 1 lầu được bố trí là nơi ở cho Chánh án tòa (Dinh Chánh án). Riêng căn nhà nhìn ra hồ Trúc Giang (căn nhà sau này là trụ sở Công ty TNHH Trung tâm nội dung số) được bố trí cho ông biện lý ở. Cả ba ngôi nhà đều xây dựng từ thời Pháp khoảng năm 1936.
Kiến trúc đẹp nhất là Ty điền địa, do xây lớn và rộng, các loại vật liệu xây dựng theo đúng mẫu của Pháp. Còn ngôi nhà Hội Nông dân được xây như một biệt thự nhỏ, nền móng nhà được làm bằng đá xanh, gạch xây tường là loại gạch đặc ruột, viên gạch lớn, chiều dài viên gạch khoảng 30cm, chiều rộng cỡ 20cm, bề dày hơn 10cm nên rất kiên cố. Quần thể này đã bị đập hết, nếu ngôi nhà này đập luôn thì quần thể kiến trúc Pháp của khu vực này không còn dấu tích.
Ngôi nhà xưa Hội Nông dân đang nằm trên mặt bằng thực hiện Dự án Nâng cấp, mở rộng công viên Trần Văn Ơn. Ngôi nhà này chưa được tháo dỡ để bàn giao mặt bằng do tại hội nghị Ban Thường vụ Tỉnh ủy lệ kỳ tháng 5-2021, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã đề nghị: “Ban cán sự Đảng UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan, đơn vị có liên quan tham vấn các chuyên gia xem xét kết cấu tòa nhà Hội Nông dân cũ có giữ lại được hay không, để thiết kế lại công viên cho phù hợp (nếu giữ lại được tòa nhà); cải tạo cảnh quan và thiết kế hệ thống chiếu sáng hồ Trúc Giang”.
Tuy nhiên, do dịch Covid-19 việc mời các chuyên gia về tỉnh gặp khó khăn, Sở Xây dựng đã chủ trì buổi làm việc tham vấn ý kiến về ngôi nhà Hội Nông dân cũ với sự tham gia của đại diện các sở, ngành, nhóm nghiên cứu trong tỉnh. Trong thời gian giãn cách xã hội, ngôi nhà Hội Nông dân cũ đã xảy ra hai lần mất trộm tài sản.
Bài, ảnh: Thạch Thảo