Nhắc nhớ “vị tướng bưng biền”

06/08/2021 - 06:29

BDK - Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Trung tướng Đồng Văn Cống là một danh nhân trong truyền thống lịch sử cách mạng quân sự của quê hương Bến Tre nói riêng, đất nước nói chung. Ông còn được nhân dân trìu mến gọi ông là “vị tướng bưng biền”, là người “anh cả” của Lực lượng vũ trang Bến Tre. Kỷ niệm 16 năm ngày mất của ông (6-8-2005 - 6-8-2021), những dấu ấn lịch sử cách mạng của ông lại được nhắc lại, nhớ về một vị tướng đã có nhiều đóng góp quan trọng trong xây dựng lực lượng vũ trang và là một con người bình dị được “quân thương, dân mến”.

Hàng năm, đến ngày giỗ Trung tướng Đồng Văn Cống, khách tham quan đến thắp hương đền thờ ông tại xã Tân Hào, huyện Giồng Trôm.

Hàng năm, đến ngày giỗ Trung tướng Đồng Văn Cống, khách tham quan đến thắp hương đền thờ ông tại xã Tân Hào, huyện Giồng Trôm.

Vị tướng của lòng dân

Trung tướng Đồng Văn Cống (bí danh Hồng Kỳ, tên thường dùng ở chiến trường là Chín Hồng), sinh năm 1918, tại làng Tân Hào, tổng Bảo Phước, quận Ba Tri (nay là xã Tân Hào, huyện Giồng Trôm). Ông tham gia cách mạng, hoạt động bí mật từ năm 1936, vào Đảng Cộng sản Đông Dương ngày 16-2-1939.

Theo tài liệu “Bến Tre - Đất và người” của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh ấn hành năm 2020, thời trai trẻ, Trung tướng Đồng Văn Cống có sức vóc cao to, mạnh khỏe, điển trai, thích hoạt động xã hội, sở trường chơi thể thao bộ môn đá banh và cờ tướng. Ông sống phóng khoáng, gần gũi với nhân dân, lại giao thiệp rộng nên từng là thần tượng của thanh niên trang lứa trong làng và bạn bè quanh vùng.

Tháng 2-1946, giặc Pháp đánh chiếm Bến Tre, ông thành lập và lãnh đạo Đội du kích Tân Hào (nhân dân thường gọi là Bộ đội ông Cống). Sau 3 tháng chiến đấu, đội du kích đã phát triển thành trung đội, trang bị 20 súng các loại và cái tên “Bộ đội Tân Hào” ra đời.

Lịch sử đã ghi nhận, Trung tướng Đồng Văn Cống xuất thân là một nông dân mặc áo bộ đội, cuộc đời và sự nghiệp của ông luôn gắn chặt với chiến trường, xông pha trong lửa đạn. Từ một đội du kích xã qua nhiều năm liên tục chiến đấu, ông cùng đồng đội xây dựng nên trung đội, đại đội… cho đến trung đoàn chính quy. Tên tuổi của ông đã gắn liền với những trận đánh đi vào lịch sử, từ kháng chiến chống Pháp đến chống Mỹ. Có thể kể đến như: trận đánh Giồng Chùa, trận đánh Lộ quẹo (Tân Hào), diệt đồn Vàm Nước Trong (làng Định Thủy, quận Mỏ Cày; nay là xã Định Thủy, huyện Mỏ Cày Nam); phục kích ở xã Phú Lễ, Ba Tri…

Ông trải qua nhiều vị trí hoạt động quân sự như: Sư đoàn trưởng Sư đoàn 330, Phó tư lệnh Quân khu 3, Cục phó Cục Tác chiến Bộ Quốc phòng kiêm Trưởng phòng chuyên trách công tác chi viện cho chiến trường miền Nam; Trưởng ban Quân sự Khu 9, Bộ Tư lệnh Khu 9, Phó tư lệnh Quân giải phóng miền Nam… Đến năm 1981, ông làm Phó tổng Thanh tra Quân đội nhân dân Việt Nam, với quân hàm Trung tướng. Ông mất ngày 6-8-2005, hưởng thọ 87 tuổi, được an táng tại Nghĩa trang liệt sĩ tỉnh.

Tấm gương “vì nước vì dân”

Hơn 40 năm phục vụ trong lực lượng vũ trang, từ một du kích xã trở thành Trung tướng, ông Đồng Văn Cống đã được nhiều thế hệ ghi nhận là một chiến sĩ có phẩm chất tốt đẹp của người lính Cụ Hồ. Ông gần nhân dân, thương yêu đồng chí, chấp hành tuyệt đối mệnh lệnh của Đảng. Ông không chỉ là “anh cả” của Lực lượng vũ trang Bến Tre mà còn là người có công trong xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam. Ông được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Hồ Chí Minh và danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.

Để vinh danh ông, năm 2008, chính quyền và nhân dân địa phương đã lập đền thờ tại ngã ba xã Tân Hào, trên nền đài lưu niệm cũ. Năm 2014, Chủ tịch UBND tỉnh ký quyết định xếp hạng di tích cấp tỉnh Đền thờ Trung tướng Đồng Văn Cống. Năm 2016, UBND tỉnh quyết định đổi tên Trường THCS Tân Hào ở xã Tân Hào, quê hương ông thành  Trường THCS Đồng Văn Cống. Hiện nay, tên của ông đã được đặt cho nhiều tuyến đường trên địa bàn nhiều tỉnh, thành như: Bến Tre, TP. Hồ Chí Minh, TP. Cần Thơ…

Vào ngày giỗ hàng năm, ngoài phần thờ cúng tại gia đình, chính quyền các cấp và nhân dân các địa phương trong tỉnh đã đến viếng, thắp hương tưởng nhớ về ông. Tuy nhiên, do năm nay ảnh hưởng dịch Covid-19 nên hạn chế các hoạt động tập trung đông người, khu di tích cũng đang tạm đóng cửa, không tổ chức lễ viếng thắp hương như mọi năm, chỉ thực hiện nghi thức thắp hương nội bộ.

Kế thừa truyền thống lực lượng vũ trang và khí chất của Bộ đội ông Cống “vì nước vì dân”, Lực lượng vũ trang Bến Tre tiếp tục sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc, xây dựng và phát triển quê hương. Hiện nay, Lực lượng vũ trang Bến Tre ra quân tham gia các mặt trận phòng chống dịch Covid-19 trên toàn tỉnh như: trực các chốt kiểm dịch liên ngành, phục vụ tại các khu cách ly tập trung, khu phong tỏa, phối hợp tuyên truyền, tuần tra… kế thừa truyền thống “Bộ đội ông Cống” ngày nào và để lại tình cảm thân thương, tốt đẹp trong lòng các tầng lớp nhân dân.

Bài, ảnh: Ánh Nguyệt

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN