Nhạc sống thời nay, kỳ I: Một nhà vui, cả xóm “ngậm bồ hòn” chịu đựng

21/05/2018 - 09:24

BDK - Đi đến đâu, chúng ta cũng có thể bắt gặp hình ảnh ca nhạc sống đình đám. Nhạc sống đang trở thành “vấn nạn” mà nạn nhân chính là người thân, chòm xóm của nhau. Nhiều trường hợp bị ảnh hưởng sinh hoạt bởi nhạc sống nhưng vẫn phải “ngậm bồ hòn” chịu đựng.

Thuê dàn nhạc sống phục vụ đám tiệc gần như là xu hướng phổ biến hiện nay. Ảnh: Thanh Đồng

Thuê dàn nhạc sống phục vụ đám tiệc gần như là xu hướng phổ biến hiện nay. Ảnh: Thanh Đồng

Từ thị thành…

Âm thanh cường độ mạnh của dàn nhạc sống đối với nhiều người giống như một cuộc tra tấn về tinh thần và sức khỏe. Chia sẻ với chúng tôi, hai vợ chồng bác Mười Đông (phường Phú Khương, TP. Bến Tre) nói: “Âm thanh dội vào tường nhà có khi rung rinh cả cửa kính. Vợ chồng tôi lớn tuổi, lại có bệnh tim, mỗi lần nhà bên “biểu diễn văn nghệ” là hai vợ chồng phải di tản đến nhà con gái ở Phường 4 để lánh nạn”.

Cùng “nỗi niềm” nhạc sống, anh P.V.N, ấp Phú Chiến, xã Phú Hưng (TP. Bến Tre) cũng bức xúc trong lần dự tiệc cưới người thân. Anh P.V.N chia sẻ, sau khi tay bắt mặt mừng với họ hàng xa thì dàn loa như “bể não” của ban nhạc sống ì đùng làm chẳng ai hỏi thăm nhau được gì. Bạn bè lâu ngày mới gặp cũng chỉ chào xã giao, ừ ờ cho qua chuyện bởi tiếng nhạc át tiếng người”.

Nhiều người đã chọn cách chịu đựng cho qua vì sợ gây mâu thuẫn, mích lòng chòm xóm láng giềng. “Nhà họ đang có tiệc vui, mình cũng không tiện qua góp ý phê bình, nên đành chịu. Lỡ như lời qua tiếng lại rồi mâu thuẫn về sau hoặc ẩu đả thì càng tệ hơn. Với lại mình cũng là người dân, lên tiếng nếu gặp người ngang tàng, họ cũng không nghe mình góp ý” - một người dân ở xã Bình Thành (Giồng Trôm) cho biết.

Cũng như một số địa phương khác, tại ấp Hòa Bình, xã Mỹ Hòa (Ba Tri), nhạc sống trở thành “mốt” của người dân nơi đây. Mọi ngày như mỗi ngày,  khoảng 10 đến 15 giờ, cả xóm phải “điên não” với dàn nhạc của ông B.V.C trong cùng ấp. Vốn đầu tư dàn nhạc để phục vụ đám tiệc nhưng việc kinh doanh không mấy thuận lợi, dàn nhạc hầu như chỉ hoạt động tại gia. Do đó, tần suất “tra tấn” người nghe cũng tăng dần khi có mặt của gia chủ.

Một người hàng xóm gần đó tâm sự: “Người dân ở đây yêu văn nghệ, nhưng giờ nói tới hát hò người ta sợ lắm”. Theo ông N.V.G, người dân trong ấp, văn nghệ giải trí ông không phản đối nhưng lạm dụng và chơi nhạc bất kể thời gian với công suất lớn là điều không thể chấp nhận. Ban đầu mới nghe dàn nhạc sống thấy hay nhưng ngày dài phát liên tục không ai chịu nổi.

Chúng tôi ghi nhận được thông tin từ nhiều hộ dân ở An Đức (Ba Tri), ngoài dàn nhạc sống, nhà nào khó khăn đến mấy cũng dành dụm “tậu” dàn karaoke để bằng hàng xóm láng giềng. Mỗi khi có tiệc, có rượu là hát thâu đêm suốt sáng.

“Có những lúc đi làm về mệt, mình chỉ muốn nghỉ ngơi nhưng hàng xóm có tiệc lại chơi nhạc sống với cường độ mạnh, tôi càng cảm thấy mệt hơn. Những lúc ấy lại không có cách nào góp ý, sợ mích lòng xóm giềng, đành cố chịu đựng cho qua” - chị Ngọc Vân, xã Phước Mỹ Trung, Mỏ Cày Bắc bức xúc.

… Đến nông thôn

Chuyện thuê dàn nhạc sống về nhà rồi tổ chức ca hát đã không còn giới hạn hay khu biệt vì lý do nào, từ tiệc cưới, hỏi, thôi nôi, đầy tháng, sinh nhật “lần thứ n”… đến xin được việc làm, được tăng lương hay nghỉ lễ, nghỉ cuối tuần, nghỉ phép. Tất cả đều có thể trở thành lý do được cho là chính đáng để thuê nhạc sống về chơi thỏa thích.

Thậm chí, người chơi cũng không cần lý do gì, muốn hát là có thể gọi đôi ba người bạn cùng sở thích. Chỉ cần có một chiếc điện thoại, có kết nối mạng với 1 micro không dây là họ có thể múa hát thỏa thích và không cần quan tâm đến thái độ của những hộ xung quanh. Những nhà không có tiền thuê hoặc vì bất chợt cao hứng từ bàn nhậu vẫn có thể hát inh ỏi với một chiếc micro kết nối với điện thoại qua bluetooth.

Điều kiện thuận lợi bắt gặp với nhu cầu ca hát và giao lưu văn nghệ ngày càng cao nên nhạc sống đã trở thành phong trào, lan rộng khắp nơi. Chúng tôi khá bất ngờ khi được nghe câu chuyện về nhạc sống từ anh G.S, một công an viên xã Thạnh Phong, huyện Thạnh Phú. Ngôi nhà anh nằm hun hút trong khu rừng ngập mặn. Nơi tưởng chừng như chỉ có rừng và chỉ cần có tiếng chim hót cũng có thể làm náo động nơi vắng vẻ, yên tĩnh. Nhưng khu rừng này từ khoảng 1 năm nay cũng đang bị nhạc sống tràn về, gây náo động.

“Nhà cách nhau xa và thưa thớt vậy chứ khi có ai hát nhạc sống là đều nghe vang vọng. Cái gì họ cũng hát. Hôm rồi, nhà thằng bạn gần đây bắt được con cầy làm thịt, nó mừng quá thuê nhạc sống về hát. Có nhà ca hát, nhậu nhẹt xong tới nửa khuya, cự cãi đánh nhau rồi gọi điện công an xã để nhờ xử lý…” - anh G.S bức xúc.

Theo tâm lý người hát nhạc sống, giọng hát hay, dở không còn quan trọng, hễ vào cuộc thì “hát hay không bằng hay hát”. Chúng tôi đã không ít lần chứng kiến các “cô ba, chú bảy” vì mê hát đã không từ bỏ cuộc vui nào mà có dàn nhạc sống để được cất giọng hát như là gào la inh ỏi một cách bất chấp. Đằng sau cuộc vui đó, họ trở thành tâm điểm cho những cuộc bình luận, phê phán kèm theo những cái lắc đầu, bĩu môi của người trong xóm, ấp.

Khi nhạc sống trở thành vấn nạn thì hệ lụy kéo theo nó là vấn đề về sức khỏe, tinh thần, là mối quan hệ tình làng nghĩa xóm, là văn hóa ứng xử, là hạnh phúc gia đình, là tinh thần đoàn kết, là an ninh trật tự… cũng đang dần bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Để tránh xảy ra hậu quả đáng tiếc và ảnh hưởng lẫn nhau thì cần ý thức của mỗi người được nâng cao và sự vào cuộc của cơ quan quản lý, mà trước hết là vai trò của người đứng đầu ấp, khu phố và xã, phường, thị trấn - nơi đang xảy ra vấn nạn nhạc sống.

(Còn tiếp)

T. Đồng - P. Hân - C.Trúc

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN