Nhân chứng lịch sử phong trào Đồng khởi 1960

20/12/2019 - 08:09

BDK - Hội thảo khoa học “Phong trào Đồng khởi 1960 - Bước ngoặt của cách mạng miền Nam”, phóng viên Báo Đồng Khởi đã có cuộc trò chuyện nhanh với những nhân chứng lịch sử. Xin giới thiệu cùng bạn đọc.

Quyết tâm giải phóng quê hương

Ông Phan Văn Thậm (bí danh Phan Ðịnh), 86 tuổi, nội tuyến dân vệ Ðồng khởi đợt 1, từng ngụ xã Ðịnh Thủy, Mỏ Cày, Bến Tre nhớ lại: Từ đầu năm 1958 đến cuối năm 1959, tình hình tỉnh Bến Tre, huyện Mỏ Cày, trong đó, có xã Ðịnh Thủy vô cùng khó khăn, phức tạp. Ðịch đàn áp khốc liệt, bắn giết và bỏ tù cán bộ và những người dân yêu nước, triệt phá nhiều cơ sở cách mạng. Phải sử dụng biện pháp khủng bố đẫm máu cho thấy địch đã thất bại và ngày càng làm cho đồng bào vô cùng oán hận, căm thù rất sâu sắc.

Ông Phan Văn Thậm (bí danh Phan Định).

Ông Phan Văn Thậm (bí danh Phan Định).

Chi bộ xã Ðịnh Thủy mặc dù bị khủng bố còn rất ít đảng viên, hoạt động khó khăn, phải bí mật phân tán bố trí ở các ấp và cài cắm làm nội tuyến trong hàng ngũ địch, nhưng vẫn hoạt động tích cực và là cơ sở vô cùng quan trọng để lãnh đạo nhân dân nổi dậy khi có điều kiện.

Ðến tháng 1-1960, Ðảng cho phép dùng bạo lực chính trị kết hợp bạo lực vũ trang để đánh đổ chính quyền địch giành chính quyền về tay nhân dân. Ðây là mong ước cháy bỏng của nhân dân miền Nam, trong đó có nhân dân Bến Tre và bản thân tôi. Lòng tôi vui, mong chờ từng ngày để nổi dậy lập công, quyết tâm giải phóng quê hương.

Lúc 8 giờ ngày 17-1-1960, tổ hành động của Chi bộ xã Ðịnh Thủy gồm các đồng chí Ba Giai, Chín Chim, Bảy Thống dùng cách đánh “ôm hè, bắt hè” diệt tên Ðội Tý ác ôn và cùng lực lượng nổi dậy truy lùng tổng đoàn dân vệ Tổng Minh Ðạt đóng tại Ðình Rắn, ấp Ðịnh Nhơn, bắt 4 tên, thu 7 súng. Nhân dân nổi dậy tràn ra đường lùng bắt bọn ác ôn, quét sạch chính quyền địch. Ðêm 17-1-1960, hàng ngàn đồng bào trương băng cờ, đốt đuốc, họp mít-tinh mừng thắng lợi. Ta tổ chức các đội vũ trang, hỗ trợ cho quần chúng nổi dậy ở 2 xã Phước Hiệp và Bình Khánh.

Thời gian càng lùi xa, chúng ta càng nhận thấy tầm vóc, ý nghĩa chiến lược của phong trào Ðồng khởi năm 1960. Ðó là bước chuyển mình mạnh mẽ của cách mạng miền Nam, trong đó, có Bến Tre từ thế giữ gìn, bảo toàn lực lượng sang thế tiến công và là nền tảng, động lực đưa cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đến thắng lợi vẻ vang.

Được người dân yêu mến

Cô Phạm Thị Hoa (bí danh Thắng Lợi), hiện ngụ xã Châu Bình, Giồng Trôm, năm nay 78 tuổi, xúc động nói: Khoảng năm 15 tuổi, xã Châu Bình thành lập đội du kích nữ ở xã với hơn 12 chị em, nhiệm vụ của chúng tôi là đi gài ngựa trời, làm hầm chông, nuôi ong vò vẽ đánh giặc...

Cô Phạm Thị Hoa (bí danh Thắng Lợi)

Cô Phạm Thị Hoa (bí danh Thắng Lợi)

Lúc 16 tuổi, khoảng năm 1963, tôi được các anh cho đi học trong 6 tháng, khi về xã tôi làm Tiểu đội trưởng được một thời gian thì Tỉnh đội rút về tham gia phiên hiệu C710. Năm 1964 - ngày thành lập thì chị Sáu Thu Hà là chỉ huy trưởng, tôi là Tiểu đội trưởng Tiểu đội 2, lãnh đạo 12 em. Ðơn vị lúc đó có 3 tiểu đội, được tổng cộng 42 người, dài về sau mới rút thêm người được tổng cộng 120 người.

Tôi được cử đi công khai nhiều nhất, tôi cùng chị em bao bót Lương Phú (Giồng Trôm) 2 tháng, rồi rút về Mỏ Cày, sau đi Cái Mơn điều nghiên  đánh tụi bình định uy hiếp dân ở Tân Xuân, Ba Tri… Ðợt ở Tân Xuân với 2 trái mìn của Hà Nội gửi về tôi gài mìn, đánh chết và bị thương 26 tên địch, trong đó có 2 lính Mỹ.

Nhớ nhất là tình thương của chị em dành cho nhau, chúng tôi thương nhau lắm, đến nỗi mình về đóng quân ở địa phương mà chị em còn chạy theo đòi vô bộ đội. Vui lắm, đó là những khi vận động thanh niên ở Cái Mơn đi tòng quân, ban đầu họ trốn không muốn gặp mình, sau thì cô bác họ thấy việc mình làm họ thương, rồi nữ thì muốn theo mình đi theo bộ đội, nam thì đi tòng quân… nhờ vậy mà quân số của C710 cứ tăng lên. Người ta thương mình là vì thấy mình làm chuyện chính nghĩa nên người dân thương và tin mà cho con cháu họ theo mình.

“Các thế hệ phải luôn nhớ và thực hiện theo lời Bác dạy”

Cô Ca Lê Du và cán bộ trẻ.

Cô Ca Lê Du và cán bộ trẻ.

Cô Ca Lê Du là con gái của Giáo sư Ca Văn Thỉnh và là người trực tiếp thờ cúng ông hiện nay. Tuy đã ở vào tuổi 86 tuổi, nhưng cô còn khá minh mẫn, hồng hào và khỏe khoắn. cô hiện ngụ ở xã Tân Thành Bình (huyện Mỏ Cày Bắc). Cô kể, cô được sinh ra trong gia đình giàu truyền thống cách mạng, bản thân cô cũng đã giác ngộ cách mạng từ rất sớm. Năm 1954, gia đình cha mẹ, anh em đều tập kết ra Bắc, riêng cô đã chọn ở lại miền Nam cùng chiến đấu với bà con miền Nam, cho đến ngày giải phóng, cô mới được gặp lại người thân. Cô từng tham gia hoạt động trong vai trò Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Tân Thành Bình ngày ấy và từng bị địch bắt giam nhiều lần.

Cô bày tỏ: “Tôi là đứa con được ba tôi dành tình thương rất nhiều vì ông thấu cảm được sự hy sinh của tôi khi phải sống xa gia đình và chịu nhiều hiểm nguy bom đạn. Ðặc biệt, ông luôn ủng hộ con đường cách mạng của tôi. Riêng cá nhân tôi, trong thời gian tham gia hoạt động cách mạng, cũng đã nhiều lần bị địch bắt giam nhưng điều đó không làm tôi e sợ mà càng hun đúc thêm ý chí của tôi, luôn giữ khí tiết của người cách mạng như tinh thần của đội quân tóc dài”.

Với hội thảo, cô nhận định: “Tôi thấy Trung ương phối hợp với Bến Tre tổ chức cuộc hội thảo này rất là ý nghĩa, đặc biệt là hướng đến kỷ niệm 60 năm Ngày Bến Tre Ðồng khởi. Tôi cũng rất vinh dự khi được tham dự cuộc hội thảo này cùng các chị em trong Ðội quân tóc dài năm xưa. Tin rằng, với sự ủng hộ, cổ vũ, tiếp sức của thế hệ đi trước thì thế hệ kế thừa hôm nay sẽ phát huy được tinh thần Ðồng khởi năm xưa, trở thành những người tốt, những công dân hữu ích cho quê hương. Ðặc biệt, tôi mong các em, các cháu thực hiện theo lời Bác dạy, trong đó, trung thành với Ðảng, với Tổ quốc, quê hương, làm tốt công tác, trách nhiệm của mình để cùng nhau góp sức xây dựng cho quê hương mình ngày càng phát triển hơn nữa”.

“Ban tổ chức đã chọn Bến Tre để tổ chức hội thảo khoa học “Phong trào Đồng khởi 1960 - Bước ngoặt của cách mạng miền Nam”, việc này đồng nghĩa với khẳng định Bến Tre là nơi khởi đầu cho phong trào Đồng khởi ở miền Nam!”

(Nguyên Bí thư Tỉnh ủy Võ Thành Hạo)

Thạch Thảo - Ánh Nguyệt (ghi)

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN