Nâng cao vai trò hợp tác xã trong phát triển kinh tế nông thôn, bài 2

Nhân rộng mô hình hợp tác xã hoạt động hiệu quả

24/03/2023 - 05:32

BDK - Thực tế cho thấy, nơi nào hợp tác xã (HTX) hoạt động hiệu quả, liên kết chặt chẽ đầu vào, đầu ra trong sản xuất sẽ giúp nông dân làm ăn hiệu quả và tạo việc làm cho lao động nông thôn. Đây được xem là xu thế tất yếu để phát triển kinh tế tập thể (KTTT) trong giai đoạn mới.

Hợp tác xã Nông nghiệp Thới Thạnh (Thạnh Phú) là đơn vị điển hình của địa phương thực hiện tốt việc thu mua, bao tiêu nông sản của nông dân.

Hợp tác xã Nông nghiệp Thới Thạnh (Thạnh Phú) là đơn vị điển hình của địa phương thực hiện tốt việc thu mua, bao tiêu nông sản của nông dân.

Nâng cao hiệu quả hoạt động

HTX Nông nghiệp Thới Thạnh (huyện Thạnh Phú) là đơn vị điển hình của địa phương thực hiện rất tốt việc thu mua, bao tiêu nông sản của nông dân. HTX được thành lập năm 2017 với 192 thành viên chuyên trồng dừa, thu mua, gia công mặt hàng từ dừa… Hiện tại có 99 thành viên tham gia canh tác dừa hữu cơ trên diện tích 150ha. Việc thu gom nông sản, làm trung gian cung ứng vật tư đầu vào với giá gốc giúp nhiều thành viên HTX an tâm sản xuất dù nhiều thời điểm giá dừa tại địa phương xuống thấp. Nông dân Phạm Văn Hà là thành viên HTX canh tác 1,7ha dừa đạt chuẩn hữu cơ hơn 3 năm nay đạt hiệu quả khá cao. Ông Hà cho biết: “Mấy năm nay, đầu vào, đầu ra sản phẩm quả dừa rất ổn định do được HTX bao tiêu. Hiện nay, người dân sử dụng phân hữu cơ với giá gốc tại công ty. Đối với những hộ dân có nhân công được cán bộ chuyên môn tập huấn kỹ thuật ủ phân hữu cơ tại nhà để sử dụng nên giảm cho phí sản xuất, tăng lợi nhuận. Hàng tháng, đội nhân công của HTX đến tận vườn thu hoạch dừa hữu cơ cung ứng cho doanh nghiệp”.

Chủ tịch Hội đồng Quản trị HTX Nông nghiệp Thới Thạnh Trần Quốc Ửng cho biết: HTX đã ký hợp đồng liên kết đầu vào với công ty phân bón hữu cơ tại tỉnh Bình Định, công ty thuốc bảo vệ thực vật sinh học tại TP. Hồ Chí Minh để cung ứng cho thành viên với giá gốc của công ty. Đồng thời, với đầu ra thu mua dừa hữu cơ của thành viên để cung ứng cho Công ty TNHH Chế biến dừa Lương Quới (chuyên kinh doanh các mặt hàng dừa xuất khẩu) với giá cao hơn thị trường khoảng 20%. Quy trình canh tác dừa hữu cơ được kiểm soát chặt chẽ bởi chuyên gia người nước ngoài của công ty thuê nên bảo đảm chất lượng.

Hiện tại, HTX giải quyết việc làm cho 30 lao động là thành viên HTX và người dân tại địa phương với công việc gia công dừa cho công ty chế biến. Tại đây, dừa khô sau khi lấy nước sẽ được nhân công cạy, gọt vỏ lụa để giao phần cơm dừa cho công ty ép dầu. Bà Trần Ngọc Phấn, 56 tuổi (ngụ tại địa phương) cho biết: “Từ khi HTX nhận làm gia công dừa cho công ty, tôi và nhiều người dân ở đây có việc làm ổn định với tiền công khoảng 300 ngàn đồng/ngày. Khi HTX hoạt động hiệu quả, người trồng dừa và người lao động cũng ổn định cuộc sống”.

Hiện tại, có 47 HTX tham gia chuỗi giá trị dừa hữu cơ, có nhiều HTX bước đầu đã hợp tác khá tốt với các doanh nghiệp trong chuỗi giá trị dừa như: Công ty TNHH Chế biến dừa Lương Qưới, Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Bến Tre, Công ty TNHH Dừa xanh, Công ty cổ phần Chế biến dừa Bến Tre... Cơ chế, chính sách hỗ trợ, khuyến khích HTX ngày càng phù hợp với thực tiễn, tạo điều kiện thuận lợi thúc đẩy người dân tham gia xây dựng, phát triển HTX. Công tác chỉ đạo xây dựng mô hình HTX kiểu mới hiệu quả, thực hiện chuỗi giá trị bước đầu triển khai thực hiện hiệu quả, giúp thành viên vươn lên thoát nghèo, góp phần tích cực thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới.

Nhìn chung, hoạt động HTX trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua đạt được một số kết quả đáng khích lệ. Số HTX trên địa bàn tỉnh gia tăng qua các năm và đang trong quá trình chuyển đổi, phát triển mô hình đa dạng, phù hợp với nhu cầu sản xuất của người dân. Các HTX từng bước khắc phục những tồn tại, đổi mới công tác quản lý, điều hành, nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn, tổ chức thêm các ngành nghề, dịch vụ mới, chủ động trong tiếp cận thị trường. Nhiều HTX nông nghiệp đã làm được các khâu dịch vụ thiết yếu phục vụ sản xuất, kết nối được với doanh nghiệp cung ứng vật tư đầu vào và thu mua sản phẩm đầu ra cho thành viên.

Phát triển kinh tế nông thôn

Để nâng cao năng lực của các HTX, tỉnh tiếp tục chỉ đạo thực hiện tốt mục tiêu Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 16-6-2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đổi mới, phát triển nâng cao hiệu quả KTTT trong giai đoạn mới. Trong đó, tăng cường tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu cơ quan, tổ chức và nhân dân, nhận thức đúng, đầy đủ về bản chất, vị trí, vai trò và tầm quan trọng của KTTT trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ phát triển KTTT, HTX; rà soát, sửa đổi, bổ sung các chính sách, xây dựng cơ chế, chính sách ưu đãi đặc thù của tỉnh nhằm hỗ trợ thúc đẩy phát triển KTTT, HTX phù hợp bản chất, tránh bao cấp. Việc hỗ trợ cần tập trung, tránh dàn trải, phân tán và thiếu nguồn lực thực hiện; trong đó, tập trung về phát triển nguồn nhân lực, đất đai, tài chính, tín dụng, khoa học - công nghệ,  thông tin kinh tế, kỹ năng tiếp thị và nghiên cứu thị trường, đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng…

Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Minh Cảnh cho rằng, trong thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục chỉ đạo đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các tổ chức KTTT thông qua hướng dẫn, hỗ trợ nâng cao chất lượng nhân sự, đổi mới phương thức, kế hoạch sản xuất, kinh doanh, hạch toán kế toán, quản lý tài chính HTX. Nâng cao khả năng huy động, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực; tăng vốn đầu tư phát triển, tăng tài sản và quỹ không chia của tổ chức KTTT; nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, hiệu quả kinh doanh của HTX. Tăng cường liên kết giữa tổ chức KTTT với các tổ chức thuộc thành phần kinh tế khác, nhất là với doanh nghiệp dẫn đầu, ưu tiên các nguồn lực cho doanh nghiệp thực hiện liên kết, tiêu thụ, sử dụng sản phẩm, dịch vụ các tổ chức KTTT; hỗ trợ, hướng dẫn các HTX nông nghiệp chuyển hướng hoạt động theo mô hình dịch vụ tổng hợp, đa ngành nghề; chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp… Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về KTTT thông qua xây dựng bộ máy quản lý nhà nước tập trung thống nhất, xuyên suốt chỉ đạo điều hành từ Trung ương đến địa phương; xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý có chuyên môn, nghiệp vụ, được đào tạo chuyên sâu về KTTT, có năng lực xây dựng và tổ chức thực hiện hiệu quả cơ chế, chính sách, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch để KTTT phát triển lành mạnh.

Ủy viên Trung ương Đảng - Bí thư Tỉnh ủy Lê Đức Thọ cho biết: Thời gian qua, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh rất quan tâm và đã có cơ chế, chính sách, chủ trương phát triển THT, HTX. Hệ thống chính trị cũng đã tích cực vào cuộc. Tất cả đã đem lại kết quả đáng ghi nhận trong phát triển loại hình kinh tế hợp tác. Bài học thực tiễn đã chỉ ra rằng, liên kết giữa các hộ kinh doanh nhỏ lẻ để xây dựng THT, HTX và hướng tới hình thành các liên hiệp HTX là con đường phù hợp nhất trong việc cải thiện cuộc sống của các hộ nông dân. Để hoạt động của khu vực KTTT phát triển tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của tỉnh cần thực hiện tốt những chính sách hiện có. Đồng thời triển khai thêm các chính sách mới để khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển KTTT cả về đất, vốn, công nghệ thông tin, nguồn nhân lực, xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường.

“Các HTX có thể liên kết tạo thêm sức mạnh để đầu tư máy móc, thiết bị, đàm phán với doanh nghiệp và có hướng liên kết sản xuất, kinh doanh (đầu vào, đầu ra) phù hợp với thực tiễn của địa phương. Đặc biệt, trong mọi hoạt động của HTX phải bảo đảm nguyên tắc: dân chủ, tự quản, tự chịu trách nhiệm; luôn tuân thủ quy định của pháp luật, lấy lợi ích của thành viên làm mục tiêu cho hoạt động của HTX; tăng cường đoàn kết, tập hợp thành viên; chủ động đầu tư máy móc, thiết bị vào sản xuất, kinh doanh; tích cực, linh hoạt trong giúp nhau phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, đời sống của người dân”.

(Ủy viên Trung ương Đảng - Bí thư Tỉnh ủy Lê Đức Thọ)

Bài, ảnh: Hoàng Trung

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN