Cô Kiều thứ nhất có lẽ khá nhiều người biết - Tạ Thị Kiều; còn cô Kiều thứ hai, bút danh Nhị Kiều là một soạn giả. Hai cô được sinh chung một làng, nay là xã An Thạnh, huyện Mỏ Cày Nam. Một cô theo nghiệp võ, còn cô kia thì nghiệp văn; cả hai đã làm rạng danh mảnh đất nơi chôn nhau cắt rốn của mình.
Cô Tạ Thị Kiều nổi danh với tay không lấy đồn giặc. Cô chỉ huy đội du kích xã nhà, xông vào lấy đồn địch không tốn một viên đạn. Tạ Thị Kiều chỉ huy du kích An Thạnh đánh địch, lấy đồn, diệt xe cơ giới; vận động gia đình binh sĩ ngụy; tổ chức và tham gia biểu tình, đấu tranh trực diện với địch. Bằng thế trận lòng dân, tạo nên sức mạnh tổng hợp, tấn công theo phương châm hai chân ba mũi, góp phần đập tan kế hoạch bình đinh, lập ấp chiến lược, gom dân của địch, cùng quân dân Mỏ Cày viết nên trang sử hào hùng - cái nôi quê hương Đồng Khởi - “Đội quân tóc dài”.
Năm hai mươi bảy tuổi (1965), Tạ Thị Kiều (Mười Lý) là một trong những chiến sĩ quân giải phóng miền Nam Việt Nam sớm được tuyên dương Anh hùng Lực lượng võ trang nhân dân.
Năm qua, soạn giả Nhị Kiều (Quản Thị Minh Nguyệt) đã đi vào cõi vĩnh hằng với tuổi chín mươi. Số vở tuồng cải lương, kịch nói của soạn giả để lại nhiều hơn chính số tuổi của mình. Bà được xem là người viết tuồng nhiều nhất và cao tuổi nhất ở Việt Nam. Ngoài ra, Nhị Kiều còn viết truyện ngắn, tiểu thuyết đăng báo. Hơn nửa đời làm nghệ thuật, bà cùng chồng là nghệ sĩ Tám Vân đã dìu dắt biết bao nghệ sĩ vào nghề, trưởng thành, song hành xuyên thế kỷ. Những kịch bản, vở tuồng cải lương viết chung hoặc riêng của Nhị Kiều được nhiều người mến mộ, khâm phục. Có thể kể ra như: Tấm lòng của biển, Khói sóng Tiêu Tương, Nắng sớm mưa chiều, Hoa tím bằng lăng, Thanh Xà - Bạch Xà, Qua cầu đắng cay… Các đoàn cải lương, nhóm kịch: Dạ Lý Hương, Thanh Minh - Thanh Nga, Túy Hồng, Thẩm Thúy Hằng, Kim Cương… đặt hàng, chọn công diễn thành công các kịch bản, vở tuồng do Nhị Kiều sáng tác. Điều khá đặc biệt, ở ngưỡng tuổi lục tuần, đáo tuế, Nhị Kiều thường viết một mình và viết rất nhanh, nhiều vở tuồng, phong cách đa dạng, đầy nữ tính, dễ bắt vào tâm can người xem, người nghe. Như vở: Thoại Ba công chúa, Vợ tạm chồng hờ, Giấc mộng đêm xuân, Nỗi oan Thị Kính, Thân phận má hồng, Lỡ chuyến đò thương…
Dẫu rằng, như nhà thơ Kiên Giang - Hà Huy Hà đã viết:
Giã từ sân khấu ai còn nhớ
Một đời nghệ sĩ, kiếp cầm ca?
Đất An Thạnh, Mỏ Cày sinh ra hai cô Kiều, cả hai đều sáng danh phụ nữ quê hương Bến Tre - xứ dừa, phụ nữ “nôi Đồng Khởi” - cũng là chiếc nôi của “Đội quân tóc dài”.