Huy động nguồn lực chăm lo cho người nghèo

16/05/2025 - 05:43

BDK - Hưởng ứng phong trào thi đua “Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau” của Thủ tướng Chính phủ, giai đoạn 2021 - 2025, thời gian qua, các cấp, các ngành, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và địa phương trong tỉnh đã huy động nguồn lực toàn xã hội trợ giúp người nghèo vượt qua khó khăn, vươn lên thoát nghèo.

Quan tâm đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn.

Kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo

Trong những năm qua, tỉnh đã triển khai thực hiện nhiều hoạt động, mô hình giảm nghèo hiệu quả gắn với việc tổ chức phát động phong trào thi đua “Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau” nhằm giúp người nghèo được tiếp cận đầy đủ các chính sách hỗ trợ của Nhà nước và từng bước cải thiện cuộc sống. Hệ thống các chính sách về giảm nghèo và an sinh xã hội ngày càng hoàn thiện và mở rộng độ bao phủ, góp phần giải quyết khó khăn cho hộ nghèo, hộ cận nghèo ổn định cuộc sống.

Công tác đền ơn đáp nghĩa, chăm lo đời sống người có công được quan tâm thực hiện với nhiều hoạt động thiết thực, hiệu quả. Công tác giảm nghèo được tập trung thực hiện với nhiều giải pháp thiết thực, góp phần kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo, ước đến cuối năm 2025, tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh còn dưới 1,55%.

Qua gần 1 năm triển khai thực hiện phong trào thi đua “Chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát”, toàn tỉnh đã tiếp nhận đăng ký ủng hộ từ các tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh với tổng số tiền trên 52 tỷ đồng và số tiền từ ngân sách của tỉnh trên 21 tỷ đồng, từ đó xây dựng và sửa chữa mới trên 1.000 căn nhà cho các đối tượng gia đình chính sách, hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ khó khăn về nhà ở.

Qua triển khai thực hiện phong trào thi đua, tỉnh có rất nhiều mô hình hay, sáng tạo, hiệu quả, nổi bật như: Mô hình “5+1 vì đồng đội” của Hội Cựu chiến binh tỉnh; mô hình “Mỗi chi hội có 1 địa chỉ vì phụ nữ nghèo” của Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh; điển hình trong thực hiện công tác giảm nghèo của ông Đặng Ngọc Ấu - hội viên Hội Cựu chiến binh xã Thạnh Trị, huyện Bình Đại (là người được thụ hưởng từ mô hình “5+1 vì đồng đội”)…

Toàn tỉnh đã vận động trên 2.712 tỷ đồng để thực hiện công tác giảm nghèo và an sinh xã hội, cụ thể: xây dựng mới 889 căn nhà tình nghĩa, 422 căn nhà “Nghĩa tình đồng đội”, 5.342 căn nhà “Đại đoàn kết”; làm mới và nâng cấp, cải tạo 36.188m đường giao thông nông thôn; xây dựng 2.669 cây cầu giao thông nông thôn; hỗ trợ sinh kế cho 12.865 hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ khó khăn; tặng 119.580 suất học bổng, 267.190 phần học phẩm, 887.201 quyển tập và 498 chiếc xe đạp; tư vấn, khám bệnh và phát thuốc miễn phí cho người dân... qua đó góp phần kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh.

Phát huy hiệu quả phong trào

Tính đến đầu năm 2025, toàn tỉnh còn 8.298 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 2,05%, vượt chỉ tiêu Nghị quyết Tỉnh ủy (đến cuối năm 2025, tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh còn 2,5%); có 7/21 xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển được công nhận thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn và 5 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới.

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Trần Ngọc Tam, thực hiện phong trào thi đua “Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau”, thời gian qua, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh và các tổ chức đoàn thể đã có sự phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, đơn vị, địa phương tổ chức nhiều phong trào thi đua sôi nổi với các hình thức đa dạng, phong phú, có sức lan tỏa, nội dung thi đua cụ thể, sát thực tiễn, phù hợp với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của từng cơ quan, đơn vị, địa phương gắn với việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tạo sự đồng thuận xã hội và tham gia của nhân dân trong thực hiện chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Các ngành, các cấp từ tỉnh đến cơ sở tập trung, nghiên cứu, tìm giải pháp khả thi, phù hợp điều kiện thực tế để hỗ trợ các địa phương trong thực hiện phong trào thi đua. Nhiều mô hình, giải pháp hay ngày càng được phát huy hiệu quả.

Chủ tịch UBND tỉnh Trần Ngọc Tam cho biết, để nâng cao hiệu quả phong trào, quá trình triển khai thực hiện cần tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp và cả hệ thống chính trị, nhất là vai trò của người đứng đầu trong lãnh đạo, chỉ đạo và chịu trách nhiệm về chất lượng, hiệu quả của phong trào. Lãnh đạo các cấp cần thể hiện rõ vai trò và trách nhiệm trong việc chỉ đạo triển khai phong trào thi đua. Sự phối hợp kịp thời, đồng bộ giữa các cơ quan, đơn vị, địa phương là rất quan trọng trong việc triển khai các chương trình hỗ trợ người nghèo, từ đó tạo ra sức mạnh tổng hợp cho phong trào thi đua.

Bài, ảnh: Phương Thảo

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN