BDK - Tôi tình cờ gặp chị Nguyễn Thị Lành - Phó chủ tịch Hội Cựu thanh niên xung phong (TNXP) xã An Phước (Châu Thành). Người phụ nữ đã 72 tuổi nhưng nước da sạm nắng, rắn rỏi, nhanh nhẹn như mới ngoài 60, bởi chị vẫn khỏe khoắn, tự đi xe máy hàng chục cây số, dầm nắng cả ngày mà không một lời than phiền, để trực tiếp theo dõi thi công các công trình cầu nông thôn giúp các địa phương vùng sâu vùng xa, làm nhà tình thương tặng bà con nghèo do chị vận động mạnh thường quân hỗ trợ, bởi chị luôn nhớ lời Bác Hồ dạy “Không có việc gì khó, chỉ sợ lòng không bền…”.
Chị Nguyễn Thị Lành (thứ ba bên trái) theo dõi thợ thi công cầu giao thông nông thôn.
Làm thiện nguyện là “cái duyên”
Chị Nguyễn Thị Lành làm thiện nguyện như là cái duyên, tình cờ trong lần đi họp mặt cựu TNXP, gặp đồng chí Bí thư Tỉnh đoàn Bến Tre Đỗ Thị Thu Thảo (nay là Phó chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam), chị trình bày hoàn cảnh một số cựu TNXP còn khó khăn về nhà ở, mấy hôm sau đồng chí Bí thư Tỉnh đoàn gọi điện hỗ trợ cho 6 căn nhà đồng đội và giao chị lập danh sách, hoàn chỉnh hồ sơ giải ngân. Đó là lần vận động đầu tiên và chị cũng “bén duyên” với công tác thiện nguyện từ đó.
Rồi những chuyến về nguồn, thăm đồng đội, qua nhiều cầu khỉ, cầu dừa lắt lẻo, chị lại suy nghĩ “sao mình không đi xin nhà tài trợ làm cầu bê-tông cho bà con đỡ khổ”. Nghĩ là làm, chị đi tìm mạnh thường quân, các nhà hảo tâm và đặt vấn đề xây cầu giao thông nông thôn giúp bà con nhân dân đi lại dễ dàng, buôn bán cũng thuận lợi hơn. Vậy là hàng trăm cây cầu nông thôn được xây dựng khắp các xã khó khăn trong tỉnh.
Đồng đội đã có căn nhà ấm áp, giao thông đi lại dễ dàng, chị lại phát hiện một số người ốm đau, bệnh tật không đi lại được, chị tiếp tục vận động tài trợ xe lăn, đôi lúc không vận động được chị xuất tiền cá nhân để mua thêm, đến nay các mạnh thường quân đã hỗ trợ để chị mua trên 120 chiếc xe lăn, xe lắc tặng người khuyết tật có được “đôi chân” đi lại sinh hoạt dễ dàng.
Vốn tính thật thà, chất phác, giàu lòng từ tâm nên chị kết nối được với rất nhiều mạnh thường quân và các nhà hảo tâm. Hàng năm, chị vận động được hàng chục tấn gạo, hàng ngàn suất nhu yếu phẩm, quà Tết để tặng người nghèo ở huyện Châu Thành và một số xã của huyện Bình Đại. Vào dịp tuyển quân hàng năm, chị vận động quà tặng cho thanh niên lên đường nhập ngũ; mỗi dịp vào năm học mới, chị lại vận động hàng trăm phần quà, học bổng cho các cháu học sinh nghèo có nguy cơ bỏ học được tiếp tục đến trường.
Một điều rất cảm động là chị không chỉ làm điều tốt đẹp cho người sống đang gặp khó khăn mà đối với gia đình của người chết cần giúp đỡ chị vẫn chu đáo, kịp thời kết nối với mạnh thường quân để tặng quan tài và giúp lo hậu sự, đến nay chị đã kết nối giúp đỡ cho trên 300 trường hợp.
Trải qua thời đạn bom
Làm thiện nguyện, nói thì rất dễ, nhưng khi bắt tay vào làm không hề đơn giản. Với chị, làm được điều đó là “nhờ được rèn luyện trong chiến tranh bom đạn, trong đội hình TNXP của huyện Châu Thành nên bây giờ có vất vả chút cũng rất vui, so với ngày xưa bom đạn, nghèo khó có thấm gì”.
Tuổi thơ của chị gắn với chiến tranh bom đạn, cắt cỏ chăn trâu, vất vả, gian nan để kiếm cái ăn. Sự sống và cái chết chỉ trong gang tấc. Bấy giờ chị mới 13 tuổi, gia đình nghèo, đông anh em, là con gái lớn nên phải nghỉ học để giữ bầy trâu cày cấy thửa ruộng của gia đình, vừa đi làm thuê kiếm tiền. Từ việc giữ trâu hàng ngày mà chị đã vận chuyển tài liệu, đạn dược, thuốc trị bệnh, thực phẩm… từ trên chuyển về và từ ngoài dân chuyển vào vùng căn cứ, được cơ sở ngụy trang trong các bao cỏ, bao lúa chuyển đến cho chị chở trên lưng trâu. Đó là con đường đưa chị đến với cách mạng, một cô bé 12, 13 tuổi giữ trâu, ít ai nghi ngờ nên dễ dàng qua mắt địch.
Nhờ có bầy trâu mà 7 năm trường (1965 - 1972), chị tham gia làm giao liên vận chuyển nhiều hàng hóa, vũ khí, thư từ công văn cho các xã cụm An Hóa trót lọt, an toàn tuyệt đối.
Đầu năm 1972, bị địch phát hiện, sợ chị bị lộ nguy hiểm đến tính mạng, tổ chức rút chị vào phục vụ hậu cần tại Đại đội 1, Trung đội 1, Tiểu đoàn 516 (đơn vị chủ lực của tỉnh) và chị gắn bó suốt với đơn vị đến ngày 30-4-1975 giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Trao trọn yêu thương
Đã qua thời gian khó, cuộc sống gia đình chị ổn định, chị được hưởng chế độ 290, có bảo hiểm y tế, ốm đau bệnh tật không phải lo lắng, kinh tế vườn mỗi tháng vài chục triệu, cuộc sống của chị đã an nhàn. Nhưng chị nhìn thực tiễn xung quanh đồng chí, đồng đội, bà con vùng sâu vùng xa vẫn còn khó khăn, bệnh tật cần sự chung tay giúp đỡ… và nhiệm vụ mới của chị lại bắt đầu - làm thiện nguyện và cái tên Ba Lành ở Bến Tre ai cũng biết.
Tính đến tháng 3-2025, chị đã vận động mạnh thường quân, nhà tài trợ giúp đỡ cho các địa phương trong tỉnh 233 cây cầu giao thông nông thôn, với tổng kinh phí gần 29 tỷ đồng; 16 căn nhà tình nghĩa, tình thương, tình đồng đội với kinh phí gần 1 tỷ đồng, trên 300 xe lăn, xe lắc cho người khuyết tật, hàng ngàn suất quà cho gia đình chính sách, hộ nghèo, hàng ngàn suất học bổng, học phẩm cho học sinh nghèo. Các công trình, phần việc này do chị bắc nhịp cầu nối từ những đồng đội, thủ trưởng thời chiến tranh giờ là doanh nhân, cựu chiến binh, cựu TNXP thành đạt giúp đỡ kinh phí để chị trực tiếp thực hiện.
Nghe chúng tôi chia sẻ việc làm và nghĩa cử cao đẹp của chị Nguyễn Thị Lành, người đồng đội của chị năm xưa là chị Phan Thị Thanh, cán bộ hưu trí, cựu TNXP Khu phố 2, thị trấn Bình Đại nói: “Tôi biết chị Lành từ trong kháng chiến, chị là người năng nổ, chịu thương, chịu khó, tận tụy với công việc, hết lòng vì đồng đội. Trong thời bình, chị hết lòng chia sẻ, giúp đỡ bà con nghèo, nhất là các xã vùng sâu, riêng các xã khó khăn của huyện Bình Đại đã được chị Lành vận động mạnh thường quân xây gần 80 cầu nông thôn giúp cho bà con đi lại dễ dàng, vận chuyển hàng nông, thủy sản thuận lợi, các cháu học sinh đến trường an toàn… bà con nơi đây luôn tri ân tấm lòng thiện nguyện của chị”.
Đặc biệt, chị Lành đã huy động được 9 anh em thợ hồ không có việc làm ổn định vào đội thi công cầu nông thôn, tạo việc làm thường xuyên cho anh em, thu nhập bình quân 350 ngàn đồng/người/ngày. Anh Trần Quốc Vũ, ấp Giồng Bông, xã Thới Lai, huyện Bình Đại, người tham gia vào đội làm cầu thiện nguyện của chị Lành từ năm 2018 bộc bạch: “Anh em tôi rất cảm ơn dì Ba Lành, đã tạo việc làm thường xuyên cho chúng tôi và đây cũng là cái duyên để chúng tôi vừa có thu nhập, tuy không cao, nhưng tạm đủ sống, cái được nhiều hơn là góp chút công sức vào việc làm thiện nguyện giúp đỡ bà con mình, góp phần xây dựng nông thôn mới”.
Không chỉ trong lĩnh vực công tác Hội Cựu TNXP mà chị Nguyễn Thị Lành còn là một trong những hội viên cựu chiến binh, hội viên phụ nữ tiêu biểu xuất sắc; là gương điển hình tiêu biểu trong “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” nhiều năm liền của tỉnh. Chị được Trung tâm Giáo dục truyền thống và Lịch sử Việt Nam vinh danh gương “Ba giỏi” (giỏi kháng chiến, giỏi kiến quốc và giàu lòng nhân ái”, nhân kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, chị được tặng bằng vinh danh “Toàn thắng Xuân 1975” và Huy hiệu Bác Hồ.
Những việc làm của chị Nguyễn Thị Lành mang tính nhân văn sâu sắc, chạm đến trái tim của nhiều người, khơi dây tinh thần tương thân tương ái trong cộng đồng, thể hiện truyền thống cao đẹp của dân tộc“lá lành đùm lá rách”. Chị luôn được cấp ủy, chính quyền địa phương, đồng chí, đồng đội và bà con nhân dân tin yêu, quý mến, tín nhiệm. Còn với riêng chị, chị xem đây là một niềm vui lúc tuổi già, là sự đam mê với cả tấm lòng và mệnh lệnh của trái tim mình.
“Đồng chí Nguyễn Thị Lành là một trong những chủ tịch Hội Cựu TNXP cơ sở tiêu biểu của tỉnh. Đồng chí được rèn luyện, thử thách thực tiễn, trong nhân dân, trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước cũng như trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Vì vậy, đồng chí hội tụ đầy đủ các yếu tố của một người đứng đầu là: bản lĩnh, tự tin, sáng tạo, dám làm, dám chịu trách nhiệm, biết lắng nghe… hết lòng yêu thương đồng đội và chung tay hoạt động vì cộng đồng, vì sự phát triển giàu mạnh của quê hương”.
(Chủ tịch Hội Cựu Thanh niên xung phong tỉnh Nguyễn Lan Châu)