BDK - Không phải chuyển viện, không phải đánh cược với thời gian trên những chặng đường xa xôi, người bệnh được cứu sống ngay tại tỉnh. Câu chuyện của hai bệnh nhân bị nhồi máu cơ tim cấp được can thiệp thành công tại Bệnh viện Nguyễn Đình Chiểu mới đây là minh chứng cho một bước tiến y khoa vững chắc của cơ sở y tế tuyến tỉnh sau 5 năm triển khai kỹ thuật can thiệp mạch vành.
Bà Nguyễn Thị D. và gia đình phấn khởi vì hồi phục sức khỏe tốt sau khi can thiệp động mạch vành. Ảnh: Ph. Hân
Hồi sinh trong nguy kịch
Kể lại ngày mà sự sống mẹ anh suýt vĩnh viễn không còn, anh Trần Thanh Tú (Mỹ Thạnh An, TP. Bến Tre) nói: “Cảnh tượng lúc đó kinh hoàng đến mức tôi không bao giờ quên. Bệnh diễn biến rất nhanh. Trong lúc đang chờ chuẩn bị đưa đi can thiệp thì mẹ tôi bắt đầu có biểu hiện lạ. Bà trở nên lơ mơ, rồi đột ngột trợn trắng mắt, không còn phản ứng gì cả. Tôi hoảng loạn hét lên. Các bác sĩ, điều dưỡng từ các hướng chạy tới rất nhanh. Họ bắt đầu xoa bóp tim, ép lồng ngực, dùng máy sốc điện nhiều lần. Tôi chỉ biết lo sợ đứng đó cầu trời. Tất cả diễn ra trong vài phút nhưng với tôi như cả một đời người. Tưởng mẹ đã không qua khỏi, nhưng các y, bác sĩ đã kéo bà về”.
Ngày 6-5-2025, bà Nguyễn Thị D. được đưa cấp cứu với triệu chứng chóng mặt, nôn ói, khó thở. Bà vào bệnh viện lúc 14 giờ 50 phút trong tình trạng tỉnh, huyết áp ổn định, nhịp tim rất chậm (33 lần/phút). Ngay tại Khoa Hồi sức cấp cứu, các bác sĩ nhận thấy có dấu hiệu nhồi máu cơ tim cấp. Sau khi nghe bác sĩ tư vấn giải thích về tình trạng bệnh, gia đình đồng ý thực hiện can thiệp động mạch vành. Trong lúc chờ phẫu thuật thì bệnh diễn biến như lời kể của anh Tú. Sau những giây phút sinh tử đó, nhịp thở của bà D. dần trở lại, mạch bắt được, huyết áp nhích lên. Bà được chuyển ngay đến phòng can thiệp mạch vành.
Sau 35 phút, ê-kíp can thiệp đặt thành công 1 stent tại động mạch vành bên phải, giúp khai thông mạch bị tắc trong thời gian ngắn, khôi phục máu nuôi tim, cứu sống bà D. Sau can thiệp, bà D. tiếp tục được theo dõi tích cực tại Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc. Đến ngày 9-5-2025, bà D. đã chuyển đến Khoa Tim mạch - Lão học. Hiện tại, bà D. sức khỏe ổn định, khả năng xuất viện trong vài ngày tới.
Một trường hợp khác, vào lúc 8 giờ ngày 13-5-2025, bệnh nhân nữ Nguyễn Thị P., sinh năm 1971, ở thị trấn Tiên Thủy, huyện Châu Thành, được người nhà phát hiện trong tình trạng mệt, khó thở, đau ngực dữ dội, vã mồ hôi. Người nhà nhanh chóng đưa bệnh nhân đến Bệnh viện Đa khoa khu vực Châu Thành.
Lúc 9 giờ 32 phút, bệnh nhân được chuyển tuyến khẩn cấp đến Bệnh viện Nguyễn Đình Chiểu lúc 10 giờ 5 phút, với tình trạng hôn mê sâu, sùi bọt mép, ngưng tim ngưng thở, đồng tử hai bên 3mm không phản xạ ánh sáng. Ngay tại Khoa Hồi sức cấp cứu, bệnh nhân được cấp cứu ngừng tuần hoàn hô hấp, đặt nội khí quản thở máy, sử dụng thuốc vận mạch. Đồng thời, mời khẩn bác sĩ chuyên Khoa Nội Tim mạch - Lão học chẩn đoán bệnh nhân bị nhồi máu cơ tim cấp, chỉ định và tiến hành can thiệp cứu được bệnh nhân.
Qua chụp mạch vành, bác sĩ phát hiện tắc nhánh chính động mạch vành bên trái ngay vị trí sang thương chia đôi và tiến hành đặt 2 stent. Sau gần 2 tiếng can thiệp, huyết áp bệnh nhân ổn định và chuyển về Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc lúc 14 giờ 30 phút tiếp tục theo dõi. Tình trạng hiện tại bệnh nhân đáp ứng kích thích, sinh hiệu ổn định, thở máy êm, đồng tử hai bên 2mm, phản xạ ánh sáng tốt.
5 năm trước, người dân nếu chẳng may rơi vào cơn nhồi máu cơ tim cấp như 2 trường hợp bệnh nhân nói trên, gần như không còn lựa chọn nào khác ngoài việc chuyển viện khẩn cấp lên tuyến trên. Những cuộc chạy đua sinh tử với thời gian, quãng đường hàng trăm cây số đôi khi kết thúc trong tiếc nuối vì chậm trễ. Nhưng đến nay, điều đó đã khác. Trường hợp bà Nguyễn Thị D. và bà Nguyễn Thị P. là hai trong hàng ngàn bệnh nhân đã giữ được trái tim ngay tại tỉnh nhờ sự hiện diện của kỹ thuật can thiệp mạch vành.
Cột mốc cải tiến chất lượng
Bác sĩ chuyên khoa II Trình Minh Hiệp - Giám đốc Bệnh viện Nguyễn Đình Chiểu cho biết: “Kỹ thuật can thiệp mạch vành là bước tiến lớn trong điều trị các bệnh lý tim mạch cấp tính. Trước đây, chúng tôi từng chứng kiến nhiều bệnh nhân nhập viện trong tình trạng nguy kịch nhưng không thể cứu kịp do không có phương tiện, kỹ thuật. Vì vậy, khi bệnh viện chính thức triển khai can thiệp mạch vào cuối năm 2020, là một cột mốc đầy ý nghĩa”.
Sau 5 năm triển khai kỹ thuật can thiệp mạch vành, Bệnh viện Nguyễn Đình Chiểu đã ghi nhận trên 1.500 ca can thiệp thành công. Trong đó, có hàng trăm ca cấp cứu nhồi máu cơ tim cấp. Nhờ khả năng tiếp cận sớm, người bệnh được can thiệp kịp thời trong “thời gian vàng”, tránh được biến chứng nguy hiểm.
Nếu như trước đây, chi phí chuyển viện, ăn ở, đi lại… là gánh nặng không nhỏ với nhiều hộ gia đình khi phải điều trị tại cơ sở y tế tuyến trên. Giờ đây, được điều trị tại chỗ, lại có bảo hiểm y tế chi trả, người dân tiết kiệm đáng kể thời gian, tiền bạc và được theo dõi sát sao hơn sau can thiệp.
Theo bác sĩ Lê Mộng Toàn - Trưởng khoa Tim mạch - Lão học, bệnh mạch vành là bệnh âm thầm nhưng nguy hiểm. Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, hậu quả có thể rất nghiêm trọng. “Mỗi bệnh nhân đến thăm khám điều trị, chúng tôi cố gắng đưa thông tin đến người dân bằng cách dễ hiểu nhất, để phòng bệnh hơn chữa bệnh”, bác sĩ Toàn nói.
Từ vị thế của một bệnh viện tuyến tỉnh, việc triển khai kỹ thuật can thiệp mạch vành là một hành trình không ít gian nan. Thiếu bác sĩ chuyên sâu, trang thiết bị đắt tiền, quy trình cấp cứu còn hạn chế… là những rào cản lớn. Nhưng với quyết tâm chính trị từ ngành y tế tỉnh, sự đồng hành của Sở Y tế, sự hỗ trợ chuyên môn từ tuyến trên và nỗ lực không ngừng của tập thể lãnh đạo, y bác sĩ, Bệnh viện Nguyễn Đình Chiểu đã từng bước vượt qua. Lúc đầu, chỉ có vài ca đơn giản, rồi đến các tương đối phức tạp tổn thương nhiều nhánh như trường hợp bệnh nhân Nguyễn Thị P.
“Sự thành công sau 5 năm triển khai can thiệp mạch vành đã minh chứng cho một điều tuyến tỉnh hoàn toàn có thể làm chủ kỹ thuật cao nếu được đầu tư đúng mức, có tầm nhìn chiến lược và đội ngũ y tế tâm huyết. Quan trọng hơn, điều này mở ra một tương lai y tế bền vững, nơi mà người dân được chăm sóc chất lượng, kịp thời ngay trên chính quê hương mình. Sắp tới, để có thể can thiệp những sang thương phức tạp trên bệnh lý nặng, đặc biệt trong tình huống cấp cứu, các bác sĩ cần có nhiều thiết bị hiện đại hơn hỗ trợ trong cấp cứu, điều trị để tăng tỷ lệ cứu sống bệnh nhân”.
(Bác sĩ Lê Mộng Toàn - Trưởng khoa Tim mạch - Lão học)