BDK - Việt Nam đang bước vào giai đoạn phát triển mới với khát vọng trở thành quốc gia phát triển có thu nhập cao vào năm 2045. Để hiện thực hóa mục tiêu đó, việc phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số (CĐS) không chỉ là yêu cầu cấp bách mà còn là chiến lược xuyên suốt.
Tỉnh đẩy mạnh các giải pháp xây dựng xã hội số. Ảnh: Thanh Đồng
Triển khai toàn diện, thông suốt
Với định hướng “lãnh đạo từ trên xuống nhưng tổ chức thực hiện, tháo gỡ vướng mắc phải từ dưới lên”, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương không chỉ triển khai quyết liệt các nhiệm vụ mà còn phải chủ động tháo gỡ vướng mắc, cải tiến quy trình, đơn giản hóa thủ tục hành chính. Trong quý II-2025, các địa phương phải hoàn thành tái cấu trúc quy trình, không yêu cầu người dân khai lại thông tin đã có...
Tại địa phương, tinh thần chỉ đạo quyết liệt từ Trung ương đã được hiện thực hóa bằng những hành động cụ thể. Tỉnh là một trong những địa phương triển khai tương đối bài bản các nhiệm vụ do Trung ương yêu cầu.
Thời gian qua, tỉnh đã có nhiều nỗ lực trong việc phát triển xã hội số và thu hẹp khoảng cách số, hướng tới xây dựng một xã hội mà người dân được tiếp cận, sử dụng hiệu quả các nền tảng công nghệ số trong mọi mặt của đời sống. Mạng lưới viễn thông được nâng cấp mạnh mẽ, với chất lượng ngày càng được cải thiện, đảm bảo độ tin cậy cao. 100% dân số trên toàn tỉnh đã được phủ sóng 3G, 4G, tạo điều kiện thuận lợi để người dân tiếp cận các dịch vụ số với chi phí phù hợp.
Bên cạnh đó, tỉnh còn tích cực triển khai nhiều chương trình hỗ trợ thiết thực, nhằm phổ cập công nghệ số đến người dân, nhất là ở vùng sâu, vùng xa. Một trong những chương trình nổi bật là hỗ trợ giảm giá máy điện thoại thông minh, góp phần giúp người dân ở các ấp, xã xa trung tâm có điều kiện sở hữu thiết bị kết nối Internet, từng bước phổ cập điện thoại thông minh trên toàn tỉnh.
Chương trình hỗ trợ chữ ký số miễn phí đang giúp người dân dễ dàng thực hiện ký số trên hồ sơ dịch vụ công trực tuyến, thúc đẩy sự tham gia sâu rộng vào chính quyền số.
Toàn dân hưởng ứng
Điều đáng ghi nhận là tư duy và nhận thức của người dân, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đang có những thay đổi tích cực. Các tầng lớp nhân dân bắt đầu chủ động tiếp cận, sử dụng các nền tảng số như VssID (bảo hiểm xã hội số), VNeID (định danh điện tử), hệ thống điều hành thông minh IOC tỉnh. Tích cực sử dụng dịch vụ công trực tuyến, giao dịch điện tử, thanh toán không dùng tiền mặt… Từng bước, người dân tỉnh không chỉ là đối tượng thụ hưởng mà đang dần trở thành những công dân số tích cực - trung tâm của tiến trình CĐS toàn diện.
Đến thời điểm hiện tại, hệ thống Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh và bộ phận một cửa tại các huyện, xã đều đã ứng dụng nền tảng số để xử lý hồ sơ, tiếp nhận thông tin, phản ánh của người dân qua kênh điện tử. Hiện toàn tỉnh có 1.591/1.887 thủ tục hành chính được cung cấp trên môi trường điện tử (đạt gần 84%); trong đó, 1.306 thủ tục đã được tích hợp lên Cổng dịch vụ công quốc gia.
Công an tỉnh đã chủ trì tổ chức nhiều đợt cao điểm hỗ trợ người dân cấp căn cước công dân gắn chip và tài khoản định danh điện tử. Chỉ tính riêng trong tháng 3-2025, Công an tỉnh đã thu nhận hồ sơ cấp thẻ căn cước 8.344 trường hợp, cấp tài khoản định danh điện tử 10.398 trường hợp, tuyên truyền kích hoạt thành công 11.490 tài khoản định danh điện tử. Hơn 334 ngàn sổ sức khỏe điện tử đã được đồng bộ với hệ thống quốc gia, chiếm hơn 20% dân số tỉnh. Tại các cơ sở y tế, 167 đơn vị đã triển khai khám chữa bệnh bằng thẻ căn cước công dân, 20 đơn vị đủ điều kiện cấp giấy khám sức khỏe lái xe. Tỷ lệ xác thực thông tin giữa hệ thống dữ liệu y tế và Cơ sở dữ liệu quốc gia đạt 91%. Qua đó, loại bỏ được phần lớn trường hợp khai báo sai thông tin hoặc giả mạo hồ sơ.
Đặc biệt, tỉnh đã triển khai mô hình “Công dân số” tại nhiều huyện như: Giồng Trôm, Châu Thành, Mỏ Cày Nam, tạo thành mạng lưới hỗ trợ người dân, nhất là nhóm yếu thế, người lớn tuổi trong việc tiếp cận công nghệ số. Tỉnh đã thí điểm cấp phiếu lý lịch tư pháp, giấy khai sinh, giấy chứng tử qua môi trường số, giảm thời gian giải quyết từ 7 ngày xuống còn 1 - 2 ngày làm việc.
Ngoài lĩnh vực hành chính công, tỉnh còn ghi nhận nhiều kết quả tích cực trong ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất và đời sống. Trong nông nghiệp, các mô hình trồng dừa hữu cơ sử dụng hệ thống tưới thông minh, giám sát bằng cảm biến và ứng dụng dữ liệu vệ tinh giúp giảm 20% lượng nước, tăng 15% năng suất. Ngành công nghiệp chế biến thủy sản và dừa xuất khẩu đã từng bước chuyển đổi sang quy trình sản xuất tự động, truy xuất nguồn gốc bằng mã QR và triển khai hệ thống ERP để quản lý đơn hàng, kho vận.
Trong thời gian tới, tỉnh xác định tiếp tục lấy CĐS làm động lực thúc đẩy cải cách hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh. Một trong những nhiệm vụ trọng tâm là nâng tỷ lệ hồ sơ trực tuyến mức độ 4 lên 100%; triển khai sâu rộng mô hình không dùng tiền mặt trong trường học, bệnh viện, chợ truyền thống. Đồng thời, tỉnh đặt mục tiêu đến cuối năm 2025 sẽ hoàn thành 100% số hóa hồ sơ cán bộ, công chức, viên chức và tích hợp với hệ thống quản lý nhân sự quốc gia.