Nhiều “chiêu thức” cạnh tranh để giữ chân du khách

26/08/2015 - 06:42

Du khách nước ngoài đến các điểm du lịch ven sông Tiền, huyện Châu Thành.

Châu Thành là địa bàn có nhiều tiềm năng, lợi thế về du lịch. Bình quân mỗi năm, huyện thu hút hàng vạn lượt du khách, trong đó, phần lớn là du khách nước ngoài. Chính vì nguồn thu từ du lịch rất lớn nên 7 xã ven sông Tiền như Tân Thạch, Quới Sơn, An Khánh, Phú Túc, Tân Phú, Tiên Thủy… mỗi xã có đến hàng chục điểm du lịch, phần lớn là của tư nhân. Do phát triển ồ ạt, vượt tầm kiểm soát của cơ quan quản lý nhà nước nên đã xảy ra tình trạng cạnh tranh không lành mạnh, làm cho du lịch Châu Thành ngày càng trở nên khó khăn.

Từ cạnh tranh về giá

Ông Lý Tấn Phát - chủ cơ sở du lịch xanh Phong ở xã Tân Thạch, than thở: Dự án du lịch đường liên xã An Khánh - Tân Thạch - Quới Sơn đang thi công; tuyến đò chèo, xe ngựa từ rạch Xép vào điểm Quới An tạm thời ngưng hoạt động nên đã ít nhiều làm giảm số lượng du khách đến điểm du lịch của ông trong 6 tháng qua. Phần lớn khách chuyển hướng tập trung về Mỹ Thạnh An, TP. Bến Tre hoặc cồn Thới Sơn, tỉnh Tiền Giang vì ở đây có dịch vụ đò chèo, xe ngựa. Ông Phát cũng cho rằng, 6 tháng đầu năm nay, lượng khách của ông giảm 40%, trước đây trung bình mỗi tháng có từ 7 - 8 ngàn lượt khách, nay giảm còn khoảng 3 ngàn lượt. Nguyên nhân do việc cạnh tranh không lành mạnh giữa các điểm du lịch gần kề với nhau. Các điểm du lịch cồn Thới Sơn do nắm bắt được Bến Tre đang thi công công trình và tạm ngưng dịch vụ xuồng chèo, xe ngựa nên các cò du lịch qua tận Bến Tre đón các loại xe khách du lịch để được hưởng đến 50% hoa hồng, đó là chưa kể các dịch vụ trực tiếp. Hơn nữa, giữa các điểm du lịch của Bến Tre cũng có sự cạnh tranh nên giá các dịch vụ ngày càng giảm đến mức nghiêm trọng. Một khách nước ngoài khi đến các điểm du lịch thưởng thức trái cây, mật ong với giá rất rẻ, chỉ 5 ngàn đồng/khách (giá này đã được áp dụng từ 10 năm qua), trong khi đó, một số điểm du lịch khác, kể cả Bến Tre và một số tỉnh, thấp nhất cũng 15 ngàn đồng/khách. Ông Phát đề nghị, cần phải thành lập Hiệp hội Du lịch để có sự thống nhất hoạt động chung, nhất là về giá cả để vừa thu hút vừa giữ chân du khách.

Ông Trương Văn Hải - chủ DNTN Quê Dừa cũng ở xã Tân Thạch cho biết: “Cơ sở của tôi muốn thống nhất giá dịch vụ nhưng khổ nỗi anh em làm chung nghề thì chưa thống nhất ý chí cũng như hành động. Doanh  nghiệp của tôi không bị giảm khách nhiều, trung bình mỗi tháng còn khoảng 6.500 khách”.

Đến chất lượng dịch vụ

Hiện nay, tại cồn Thới Sơn, tất cả các khâu dịch vụ đều được củng cố, nâng chất để cạnh tranh, thu hút du khách. Xe ngựa, xuồng chèo đều được trang bị mới, rất đẹp, tạo ấn tượng cho khách nước ngoài. Một số dịch vụ khác cũng giảm giá đáng kể, có điểm uống mật ong miễn phí… Chế độ bồi dưỡng đối với cò du lịch, tài xế có khi lên tới 50%. Hiện nay, hầu hết các điểm du lịch ven sông Tiền đều sống nhờ vào các đoàn khách lữ hành của các công ty ngoài tỉnh, còn khách vãng lai thì không nhiều. Vì vậy, họ lệ thuộc nhiều vào các đầu mối lữ hành, nhất là việc chào giá tour. Một chủ làm du lịch chuyên nghiệp tiết lộ rằng, nếu muốn sống được, có khi nhận tour chỉ lãi 10% hoặc 15%, còn lại đều giao cho phía đối tác. Do vậy, với giá quá thấp, chủ doanh nghiệp buộc phải giảm chất lượng phục vụ chứ không còn cách nào khác.

Điểm du lịch Vườn Sinh Thái ở ấp 2, xã Tân Thạch là một trong những điểm du lịch có dịch vụ ăn uống. Trước đây, có hàng trăm du khách nước ngoài sau khi du lịch các điểm ven sông Tiền thường dừng chân lại để thưởng thức các món ăn đặc sản của xứ Dừa. Thế nhưng gần đây, điểm du lịch xuống cấp nghiêm trọng, khách đến đây cũng thưa thớt, nhìn chung quanh chỉ thấy có một đoàn khách nước ngoài, khoảng hơn 20 người. Khách dùng cơm với giá 17 ngàn đồng/dĩa! “Với giá bình dân này, khu du lịch mới duy trì lượng khách đến mỗi ngày, từ 50 - 70 khách (trước đây ít nhất 300 khách/ngày). Nhờ vậy, điểm du lịch có chút đỉnh lãi để trang trải chi phí. Hiện tại, điểm còn giữ lại 5 - 6 nhân viên vì khách ế, không đủ chi cho phục vụ” - chủ nhân điểm du lịch này cho hay. Chủ nhân điểm du lịch này cũng cho biết, khách giảm là do thời buổi kinh tế suy thoái, rất ít du khách nước ngoài đi du lịch mà cơ sở của bà chủ yếu là đón khách nước ngoài. Công bằng mà nói, nhiều cơ sở làm du lịch Bến Tre hiện nay chưa chuyên nghiệp trong cung cách phục vụ du khách, nhất là khách nước ngoài, đây cũng là nguyên nhân dẫn đến lượng du khách giảm.

Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Tuấn - Phó Trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Châu Thành cho biết: 7 xã ven sông Tiền huyện Châu Thành hiện có 34 điểm du lịch, nếu so với trước đây là phát triển khá nhanh. Một số điểm có đầu tư phát triển cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng dịch vụ nhưng cũng còn nhiều điểm cơ sở hoạt động xuống cấp, chưa đầu tư cải tạo, nâng cấp. Huyện đang tiếp nhận cấp phép nhiều dự án, điểm du lịch mới từ ngoài tỉnh, nhất là Tiền Giang. Nếu các điểm du lịch Bến Tre không chú trọng đầu tư, nâng cấp, cải tiến dịch vụ sẽ rất khó cạnh tranh với các điểm mới vừa đầu tư khang trang, dịch vụ chất lượng cao. Về việc cạnh tranh không lành mạnh dẫn đến giảm giá thành đến mức quá thấp, huyện đang có giải pháp chấn chỉnh; đồng thời đẩy nhanh tiến độ xây dựng tuyến đường từ An Khánh đến Giao Long để phục vụ du khách tốt hơn.

Bài, ảnh: Thu Huyền

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN