Nhiều cửa hàng kinh doanh xăng dầu thua lỗ kéo dài

05/10/2022 - 05:27

BDK - Khoảng một tháng nay, trên địa bàn tỉnh có nhiều cửa hàng xăng dầu tạm ngưng hoạt động hoặc xin đóng cửa vì thua lỗ kéo dài, hoặc do đang sửa chữa. Người dân trong khu vực không có chỗ đổ xăng như thường lệ nên tâm lý bất an, phải tìm nơi đổ xăng cách vị trí cũ xa hơn.

Giá xăng giảm, nhiều doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu trên địa bàn tỉnh thua lỗ.

Giá xăng giảm, nhiều doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu trên địa bàn tỉnh thua lỗ.

Hàng nhập về đã bị lỗ

Nhiều cửa hàng xăng dầu trên địa bàn tỉnh đã làm đơn kiến nghị cơ quan chức năng và xin được đóng cửa. Một trong những doanh nghiệp có nhiều cây xăng trên địa bàn tỉnh là Công ty TNHH MTV Thương mại xăng dầu Minh Thư (xã Hữu Định, huyện Châu Thành). Công ty này có khoảng 15 cửa hàng kinh doanh xăng dầu nhưng nộp đơn xin nghỉ đến 10 cửa hàng.

Ông Dương Minh Tuấn - Giám đốc Công ty TNHH MTV Thương mại xăng dầu Minh Thư cho biết: Từ đầu năm 2022 đến nay, hoạt động của doanh nghiệp bị thua lỗ kéo dài. Với mức chiết khấu xăng dầu vừa chậm trễ, bữa có bữa không, cao lắm chỉ vài trăm đồng/lít như hiện nay, thậm chí không đủ chi phí vận chuyển khiến thua lỗ kéo dài…

“Tình hình này, chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn. Không chỉ công ty của tôi, các công ty khác cũng vậy, các cửa hàng đang dần đóng cửa vì kinh doanh không có hiệu quả mà còn thua lỗ”, ông Dương Minh Tuấn nói. Ông Tuấn đề xuất các ngành chức năng cần tính chi phí như vận chuyển, nhân công, khấu hao cơ sở hạ tầng... vào giá xăng dầu để doanh nghiệp có thể tồn tại được.

“Khi bán ra một lít xăng dầu, doanh nghiệp, cửa hàng phải lỗ 400 đồng tiền trả công cho nhân viên bán hàng, chưa kể tiền lãi suất vay ngân hàng và các chi phí khác. Với mức hoa hồng như hiện nay, mỗi tháng doanh nghiệp Minh Thư bị lỗ trên dưới 700 triệu đồng, nên không còn cầm cự được nữa”, ông Tuấn giải thích.

Cùng với việc giá xăng đã tiếp tục giảm vào chiều 3-10-2022 khiến các cửa hàng không yên tâm duy trì hoạt động. Được biết, giá xăng dầu thế giới giảm, các đơn vị đầu mối nhập hàng đã gặp khó, dẫn đến việc phân phối cho các công ty và các đơn vị bán lẻ không ổn định.

Ông Phạm Văn Thính - Chủ tịch kiêm Giám đốc Công ty TNHH MTV Xăng dầu Bến Tre cho biết, công ty cũng như các doanh nghiệp khác đều gặp khó khăn chung về nguồn hàng, giá cả. Về nguồn hàng, công ty thực hiện bán theo tiến độ, duy trì phục vụ ổn định, với thời gian mở cửa - đóng cửa đúng theo đăng ký với Sở Công Thương. Đối với các đơn vị nhượng quyền thương mại, công ty bán theo số lượng đã ký trong hợp đồng. Về mặt hiệu quả kinh tế, công ty cũng gặp rất nhiều khó khăn, thậm chí không có lợi nhuận nhưng công ty cam kết vẫn duy trì đảm bảo thực hiện đúng trách nhiệm của một doanh nghiệp.

“Khoảng 3 tháng nay, doanh nghiệp chịu áp lực rất nhiều do lượng khách hàng mới đổ xô đến mua tại các cửa hàng của công ty tăng 30 - 40%. Trước thực tế này, Công ty TNHH MTV Xăng dầu Bến Tre đề xuất các cơ quan chức năng quản lý nhà nước tăng cường thanh tra, kiểm tra để các doanh nghiệp thực hiện đúng quy định, đảm bảo bình đẳng trong kinh doanh”, ông Phạm Văn Thính cho biết.

Công ty TNHH MTV Xăng dầu Bến Tre hiện có 25% thị phần kinh doanh xăng dầu toàn tỉnh, với 60 cửa hàng của công ty, 38 khách hàng nhượng quyền thương mại.

Công ty TNHH MTV Xăng dầu Bến Tre đảm bảo duy trì phục vụ xăng dầu ổn định.

Công ty TNHH MTV Xăng dầu Bến Tre đảm bảo duy trì phục vụ xăng dầu ổn định.

Kiến nghị giải pháp tháo gỡ khó khăn

Giám đốc Sở Công Thương Nguyễn Văn Bé Sáu cho biết: Vừa qua, trước tình hình giá xăng dầu tăng giảm, gần đây nhiều doanh nghiệp thua lỗ, hoa hồng cho các đại lý chỉ từ 0 - 200 đồng/lít, khiến các đại lý kinh doanh xăng dầu than khó cầm cự.

Phó cục trưởng Cục Quản lý thị trường tỉnh Nguyễn Văn Phúc cho biết: Trước tình hình trên, Cục Quản lý thị trường tỉnh đã có làm việc với các đại lý (đơn vị nhượng quyền thương mại) và lập biên bản các đơn vị có dấu hiệu ngưng hoạt động, ảnh hưởng đến nhu cầu đổ xăng đi lại của người dân trong khu vực, dẫn đến tâm lý hoang mang. Nguyên nhân là do giá xăng giảm, hoa hồng cũng giảm về gần bằng 0, thậm chí bằng 0. Các cửa hàng khi nhập hàng về đã cầm chắc thua lỗ, do phải tự bỏ ra các chi phí vận chuyển, thuê người bán, mặt bằng… Khi giá xăng nhích lên thì nguồn hàng về nhỏ giọt, khi giá giảm thì các công ty, cửa hàng hạn chế số lượng nhập về vì sợ thua lỗ nặng. “Tuy nhiên, qua làm việc, hiện nay tình hình hoạt động của các cửa hàng đã cơ bản ổn định trở lại”, ông Nguyễn Văn Phúc khẳng định.

“Vừa qua, toàn tỉnh có 11 cửa hàng xăng dầu xin phép đóng cửa, trong đó có 2 cửa hàng đang tạm ngưng sửa chữa, 1 cửa hàng đóng cửa, số còn lại Sở Công Thương phối hợp với Cục Quản lý thị trường vận động các đại lý kinh doanh xăng dầu tiếp tục hoạt động. Sở Công Thương cũng đã tham mưu UBND tỉnh kiến nghị Bộ Công Thương, Bộ Tài chính có hướng giải quyết, giúp địa phương, doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn”.

(Giám đốc Sở Công Thương Nguyễn Văn Bé Sáu)

Bài, ảnh: Cẩm Trúc

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN