Nhiều gương điển hình tiêu biểu trong hoạt động chăm sóc nạn nhân da cam

15/09/2023 - 19:38

BDK.VN - Trong 5 năm qua, mặc dù còn gặp nhiều khó khăn thách thức cho các hoạt động xã hội, từ thiện nhưng Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin - Bảo vệ quyền trẻ em (NNCĐDC/dioxin-BVQTE) tỉnh Bến Tre đã đổi mới nội dung, hình thức hoạt động, mang lại nhiều kết quả thiết thực, hiệu quả. Qua các hoạt động đã xuất hiện nhiều mô hình hay, cách làm hiệu quả rất đáng trân trọng và biểu dương. Dưới đây là những chia sẻ của các điển hình tiêu biểu.

Bà Nguyễn Thị Kiên, Chủ tịch Hội NNCĐDC/Dioxin-BVQTE huyện Chợ Lách chia sẻ, sau khi được quyết định nghỉ hưu, tôi tham gia hoạt động Hội NNCĐDC/dioxin-BVQTE huyện, với mong muốn giúp đỡ cho các NNCĐDC và gia đình họ giảm bớt phần nào khó khăn trong cuộc sống. Tôi luôn suy nghĩ, nghiên cứu, vận dụng sáng tạo các chủ trương, chỉ thị, nghị quyết của Đảng và Hội cấp trên phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh thực tế của địa phương.

Bà Nguyễn Thị Kiên

Trong 5 năm thực hiện phong trào thi đua vì NNCĐDC từ 2018 -2023, với trách nhiệm là người đứng đầu Hội NNCĐDC-BVQTE huyện, tôi luôn đóng vai trò nòng cốt cùng Ban Thường trực điều hành thực hiện nhiệm vụ, đạt được kết quả. Kết quả phong trào thi đua vì NNCĐDC năm sau luôn cao hơn năm trước và Chợ Lách luôn đạt danh hiệu xuất sắc của tỉnh với kết quả bằng tiền và hiện vận qui ra tiền trên 6.5 tỷ đồng.

Tính chung từ năm 2018 - 2023, bản thân tôi trực tiếp vận động và hướng dẫn chỉ đạo cơ sở vận động giúp đỡ cho nạn nhân, người khuyết tật, người nghèo có hoàn cảnh khó khăn, trị giá hơn 23 tỷ đồng. Bản thân tôi luôn đầu tư suy nghĩ, với tính năng động, tìm kiếm những mạnh thường quân, tổ chức từ thiện, tranh thủ quan hệ cùng các tổ chức tôn giáo để vận động họ đóng góp giúp đỡ thường xuyên cho các nạn nhân và gia đình nạn nhân có hoàn cảnh khó khăn. Luôn tìm cách tốt nhất để duy trì mối quan hệ hỗ trợ lâu dài của các tổ chức từ thiện ở TP. Hồ Chí Minh, luôn giữ vững chữ tín và tạo được niềm tin, tình cảm, sự chia sẻ, cảm thông... để họ tiếp tục đóng góp giúp đỡ cho các nạn nhân.

Bà Huỳnh Thị Gô- Phó chủ tịch Hội NNCĐDC/Dioxin-BVQTE huyện Ba Tri, cho biết, huyện có tới 2510 người là NNCĐDC . Trong 5 năm qua, Hội đã vận động các nguồn lực trên 38 tỷ đồng hỗ trợ NNCĐDC với 54.250 phần quà, trong đó hỗ trợ quà tết cổ truyền 26.255 phần. Trong đó, tổ chức đoàn thăm hỏi nạn nhân da cam không đi lại được, hỗ trợ đột xuất 4.500 phần, hỗ trợ hàng tháng nạn nhân đặc biệt khó khăn 6.112 phần, gồm nhu yếu phẩm và 200.000 đông tiền mặt, 95 chiếc xe lăn, 18 xe lắc để nạn nhân đi lại và mưu sinh trong cuộc sống. Mời 12 đoàn Bác sĩ khám bệnh và cấp phát thuốc miễn phí và tặng quà, cấp 1580 suất học bổng, 1.320 bộ sách giáo khoa cho học sinh khuyết tật, tổ chức 2 bếp ăn từ thiện nấu cháo hàng ngày từ 50 - 70 suất cháo hỗ trợ cho nạn nhân da cam nghèo bệnh tật.

Bà Huỳnh Thị Gô.

Ngoài ra, năm 2020 mặn xâm nhập Hội vận động hỗ trợ cho nạn nhân da cam 250 bồn chứa nước ngọt loại 1000 lít, 3200 bình nước ngọt, 250 khối nước ngọt, 14.750 khẩu trang y tế, 250 chay sát khuẩn,3500 phần quà và rau củ quả, xây dựng 52 căn nhà tình thương, 55 cây cầu nông thôn và hỗ trợ vốn sinh kế cho 6 xã, 150 lượt hộ da cam vay nuôi bò sinh sản, mua bán nhỏ 1,560 tỷ đồng.

Qua 5 năm vay vốn có 52 hộ giảm nghèo góp phần cùng địa phương xây dựng xã nông thôn mới. Mặc dù huyện hội kinh phí hoạt động có hạn và cán bộ hội cơ sở hoạt động không được hưởng chế độ phụ cấp, thù lao nhưng tôi vẫn xác định miễn sao NNCĐDC và trẻ em có được sức khỏe, cuộc sống vui tươi hạnh phúc, không ai bị bỏ lại phía sau là niềm vui,niềm hạnh phúc của chúng tôi rồi.

Bà Nguyễn Thị Mười - Chủ tịch Hội NNCĐDC/Dioxin-BVQTE huyện Châu Thành hết lòng vì nạn nhân da cam

Đã có nhiều năm gắn bó cùng Hội NNCĐDC/Dioxin-BVQTE huyện Châu Thành trong vai trò Chủ tịch Hội, bà Nguyễn Thị Mười đã thấu hiểu, chia sẻ cùng rất nhiều hoàn cảnh thương tâm của các nạn nhân và gia đình NNCĐDC/Dioxin. Thời gian qua, bà luôn quan tâm tổ chức đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, chú trọng việc triển khai các chủ trương Nghị quyết của Đảng nhà nước và Hội cấp trên có liên quan đến hoạt động Hội, việc vận động các nguồn lực chăm lo cho những mảnh đời bất hạnh nạn nhân da cam, trẻ mồ côi khuyết tật...

Bà Nguyễn Thị Mười.

Bà cùng các cán bộ hội đi khảo sát thực tế các hoàn cảnh và cập nhật những hình ảnh trục quan của các hoàn cảnh NNCĐDC để các nhà hảo tâm nắm bắt thực tế, có sự chia sẻ giúp đỡ. Hình thức thông tin qua các cuộc họp, các buổi trao quà, thông tin đại chúng, viến bài cho trung website của Tỉnh Hội, bản tin của Ban tuyên giáo Huyện ủy... Đồng thời, xây dựng khung ảnh hoạt động của Hội, xây dựng Kỷ yếu Hội, album hình ảnh nạn nhân bệnh nặng… để thông tin đến nhiều người cùng quan tâm, chia sẻ.

Trong 5 năm qua, bà đã cùng với Ban thường trực huyện Hội và Hội cơ sở vận động giúp 26.942 lượt nạn nhân, trẻ em nghèo, khuyết tật... Tổng số tiền và quà trị giá trên 16,6 tỷ đồng. Thông qua các hình thức hỗ trợ, giúp đỡ như: xây dựng nhà tình thương, bảo trợ thường xuyên hàng tháng tại cộng đồng, học bổng, học phẩm, xe lăn, xe lắc, quà trong 2 đợt cao điểm tết nguyên Đán và kỷ niệm Ngày thảm họa da cam (10/8). Việc vận động trao tặng tiền, quà được xét chọn đúng đối tượng. trao tận tay và công khai minh bạch.

Trong vai trò Chủ tịch Hội, bà đã thực hiện việc xây dựng củng có mạng lưới tổ chức Hội. Bà Nguyễn Thị Mười chia sẻ “Bản thân tôi thường xuyên gắn kết với cơ sở, kịp thời giải quyết những vướng mắc về tư tưởng của cán bộ Hội, hội viên, giúp cán bộ hội cơ sở nhận thức được trách nhiệm, lấy hiệu quả hoạt động để tạo uy tín, lòng tin trong nhân dân, các tổ chức tôn giáo, từ thiện nhân đạo, nhà hảo tâm cùng Hội chung tay xém dịu nỗi đau da cam”. Hiện toàn huyện có hơn 4,8 ngàn hội viên, 592 tinh nguyện viên là lực lượng nồng cốt trong thực hiện các phong trào. Từ đó hiệu quả hoạt động đạt được ngày càng cao, hàng năm được Tỉnh Hội xã công nhận đơn vị Hội vững mạnh xuất sắc. Cá nhân bà Mười đã được nhận bằng khen của Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, giấy khen cùa Tỉnh Hội và nhiều giấy khen của UBND huyện,

 Ông Nguyễn Văn Sơn - Y sĩ tập phục hồi chức năng Nhà nuôi dưỡng NNCĐDC/Dioxin có nhiều năm tình nguyện vì nạn nhân da cam

Y sĩ y học cổ truyền Nguyễn Văn Sơn hiện đang công tác tại Trung tâm Y tế xã Phú Đức (huyện Châu Thành). Với tấm lòng nhân ái và tinh thần vì bệnh nhân của người thầy thuốc, nhiều năm qua, Y sĩ Sơn đã tình nguyện tập vật lý trị liệu cho các bé là NNCĐDC/Dioxin và nhiều bệnh nhân tai biến khác tại Trường Nuôi dưỡng trẻ em khuyết tật tỉnh.

 Ông Nguyễn Văn Sơn.

Anh Sơn cho biết, những ngày làm việc trong tuần, anh sẽ túc trực thực hiện nhiệm vụ tại Trung tâm Y tế xã Phúc Đức, đến những ngày nghỉ cuối tuần (thứ bảy hoặc chủ nhật), anh lại chạy xe lên Trường Nuôi dưỡng trẻ em khuyết tật tỉnh để hỗ trợ điều trị tập vật lý trị liệu cho các em NNCĐDC/Dioxin và các bé khuyết tật khác. Đáng trân trọng là anh thực hiện công việc này bằng sự tình nguyện chứ không có lương (chỉ được hỗ trợ tiền xăng xe). Cứ như thế, đều đặn mỗi tuần, anh đều dành thời gian cho công việc thiện nguyện đầy ý nghĩa này.

Tuy có vất vả nhưng vì sức khỏe các bé nên tôi cũng cố gắng. Khi thấy các bé sau thời gian tập vật lý trị liệu sức khỏe tiến triển tốt, có thể đi lại được, linh hoạt hơn, tôi cũng cảm thấy vui”- Y sĩ Nguyễn Văn Sơn bày tỏ. Hiện anh đang hỗ trợ điều trị tập vật lý trị liệu cho hơn 20 trẻ em khuyết tật, trong đó có các em là NNCĐDC/Dioxin. Dù tại Trường Nuôi dưỡng trẻ em khuyết tật tỉnh có các máy móc, thiết bị phục vụ cho việc hỗ trợ tập vật lý trị liệu  cho các em, nhưng để đảm bảo tập đạt hiệu quả, Y sĩ Sơn đã trực tiếp hỗ trợ (như nâng đỡ, dìu dắt, hướng dẫn…) để các em thực hiện tập vật lý trị liệu một cách tốt nhất.

Anh cho biết, mỗi buổi sau khi hỗ trợ tập cho hết các lượt bệnh nhân, anh rất mệt, có lúc mồ hôi thấm ướt hết cả áo. Dù vậy, anh cũng luôn cố gắng hết mình để các bệnh nhân NNCĐDC/Dioxin và các bệnh nhân khác mau chóng hồi phục, cải thiện sức khỏe. Anh trăn trở, vì tập vật lý trị liệu là cách điều trị cần sự kiên trì, duy trì trong thời gian dài nên ngoài sự cố gắng hỗ trợ của anh, các bệnh nhân cũng rất cần sự hỗ trợ, hợp sức từ gia đình, người thân để giúp các em, các bệnh nhân được điều trị vật lý trị liệu một cách xuyên suốt, không bị gián đoạn. Y sĩ Nguyễn Văn Sơn tận tâm với hoạt động tình nguyện hỗ trợ bệnh nhân NNCĐDC/Dioxin điều trị bệnh là một hình ảnh đẹp mang tính nhân văn, ấm áp tình người rất đáng trân trọng.

H.Hiệp - A.Nguyệt

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN