Nhiều nhân viên y tế Nhật Bản phản đối phục vụ Thế vận hội Tokyo 2020

04/05/2021 - 12:45

Ban Tổ chức Thế vận hội Tokyo đã vấp phải làn sóng chỉ trích mạnh mẽ từ cộng đồng nhân viên y tế Nhật Bản, sau khi đề nghị 500 y tá phục vụ tại Thế vận hội mùa hè này.

Nhân viên y tế Nhật Bản tiêm vaccine phòng bệnh COVID-19. Ảnh: AP

Nhân viên y tế Nhật Bản tiêm vaccine phòng bệnh COVID-19. Ảnh: AP

Theo trang The Guardian (Anh), yêu cầu được đưa ra khi Ủy ban Olympic Quốc tế (IOC) và Ban tổ chức Olympic Tokyo 2020 giữ nguyên kế hoạch tổ chức Thế vận hội, ngay cả khi đại dịch COVID-19 đang lây lan nghiêm trọng ở nước chủ nhà. Bên cạnh đó, các chuyên gia cảnh báo sự kiện này có thể gây áp lực lớn đối với các nhân viên y tế đang ngày đêm đối phó với dịch COVID-19.

Tính đến ngày 4-5, tổng số ca tử vong vì bệnh COVID-19 ở Nhật Bản đã vượt ngưỡng 10.000 ca, cao nhất trong khu vực. Trong khi đó, báo cáo của các phương truyền thông cho biết số bệnh nhân COVID-19 mắc các triệu chứng nghiêm trọng đã đạt kỷ lục 1.050 người vào cuối tuần qua.

Các nhân viên y tế ở Tokyo và các khu vực khác có số ca bệnh đang gia tăng cho biết họ phải tập trung vào việc điều trị cho bệnh nhân COVID-19 và những bệnh nhân mắc các bệnh khác, đã bị trì hoãn điều trị do COVID-19.  

Tỉnh Osaka, tâm chấn của làn sóng COVID-19 thứ 4 tại Nhật Bản, hiện đã hết giường bệnh cho những bệnh nhân nặng. Tình trạng quá tải ca mắc cũng đang khiến nhiều người nhiễm virus phải dành hàng giờ chờ xe cấp cứu đưa đến bệnh viện.  

Trước đó, Ban tổ chức Olympic Tokyo 2020 cho biết họ cần 10.000 nhân viên y tế trong Thế vận hội dự kiến sẽ được tổ chức vào thời điểm nóng nhất của năm. 

Tuy nhiên, gần đây, họ đã gửi yêu cầu Hiệp hội Y tá Nhật Bản huy động 500 nhân viên y tế để phục vụ Thế vận hội. Điều này đã vấp phải làn sóng chỉ trích dữ dội trên mạng xã hội. Các y tá cho biết họ rất bận rộn và không có thời gian dành cho Thế vận hội.

Tổng thư ký Liên đoàn Nhân viên Y tế Nhật Bản, Susumu Morita, nói rằng trọng tâm của họ tập trung vào đại dịch COVID-19, không phải Thế vận hội.

“Chúng tôi chắc chắn phải từ chối đề xuất cử các y tá tình nguyện phục vụ cho Olympic, họ đang có nhiệm vụ bảo vệ cuộc chiến chống lại đại dịch nghiêm trọng hiện nay. Tôi vô cùng tức giận trước việc kiên quyết muốn tổ chức Thế vận hội bất chấp rủi ro đối với sức khỏe và tính mạng của bệnh nhân và nhân viên y tế”, ông Morita nói trong một tuyên bố.

Tấm áp phích quảng cáo Thế vận hội Olympic và Paralympic, dự kiến sẽ khai mạc vào ngày 23-7 tới. Ảnh: AP

Tấm áp phích quảng cáo Thế vận hội Olympic và Paralympic, dự kiến sẽ khai mạc vào ngày 23-7 tới. Ảnh: AP

Một thông điệp phản đối việc tổ chức Thế vận hội của các nhân viên y tế cũng lan truyền trên mạng xã hội Twitter tại Nhật Bản gần đây và được chia sẻ lại hàng nghìn lần.

Mặc dù nhân viên y tế là đối tượng đầu tiên ở Nhật Bản bắt đầu được tiêm vaccine vào giữa tháng 2, nhưng đến nay, vẫn còn nhiều người chưa nhận được mũi vaccine đầu tiên. Ông Morita cho biết các nhân viên y tế chưa được tiêm vaccine lo sợ họ sẽ bị nhiễm virus trong khi điều trị và tiêm chủng cho bệnh nhân COVID-19.  

Cho đến nay, chưa đến 2% trong tổng số dân 126 triệu người của Nhật Bản đã được tiêm ít nhất một liều vaccine COVID-19, tỷ lệ thấp nhất trong số các nước thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD).

“Ngoài cảm giác tức giận, tôi còn bị sốc trước sự vô cảm của ban tổ chức Thế vận hội khi đưa ra yêu cầu này. Điều đó cho thấy mạng sống của con người đang bị xem nhẹ như thế nào”, cô Mikito Ikeda, một y tá ở thành phố Nago, cho biết. 

Sân vận động Quốc gia mới, nơi tổ chức lễ khai mạc và bế mạc Thế vận hội Tokyo 2020. Ảnh: AP

Sân vận động Quốc gia mới, nơi tổ chức lễ khai mạc và bế mạc Thế vận hội Tokyo 2020. Ảnh: AP

Trước đó, Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga gợi ý rằng các y tá đã nghỉ việc có thể phục vụ cho Thế vận hội, dù một số đơn từ chức của họ có liên quan đến công việc quá áp lực khi điều trị cho bệnh nhân COVID-19.

Gợi ý của Thủ tướng Suga đã bị cựu Thủ tướng Yukio Hatoyama chỉ trích trên Twitter: “Hiện tại, người dân Nhật Bản đang trong hoàn cảnh khó khăn hơn bao giờ hết, tự hỏi liệu họ sẽ chết vì virus SARS-CoV-2 hay do suy thoái kinh tế. Osaka và những nơi khác đang yêu cầu các y tá giúp đỡ. Nhưng chúng ta không cần y tá làm việc tại các trung tâm tiêm chủng sao? "

Ông Suga cũng khẳng định lại tuyên bố của IOC và các nhà tổ chức rằng sẽ có thể tổ chức một "Thế vận hội an toàn và đảm bảo". Tuy vậy, các chuyên gia y tế vẫn vô cùng lo ngại. Tạp chí của Hiệp hội Y khoa Anh (BMJ) số tháng 4 cho rằng Nhật Bản nên "xem xét lại" việc tổ chức Thế vận hội và cho biết"các sự kiện tập hợp quần chúng quốc tế vẫn không an toàn và đảm bảo".

Ông Haruo Ozaki, Chủ tịch Hội Y học Tokyo, cho biết việc tổ chức Thế vận hội sẽ “vô cùng khó khăn” khi các biến chủng virus mới dễ lây lan hơn đang lan rộng ở Nhật Bản. “Chúng tôi sẽ lắng nghe mọi tranh luận về việc tổ chức Thế vận hội. Rất khó để tổ chức Thế vận hội mà không làm gia tăng các ca nhiễm, cả ở trong nước và ngoài Nhật Bản”, ông nói.

Nguồn: TTXVN

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN