Trước đó, ngày 1-12-2016, sau phát biểu khai mạc của Bí
thư Tỉnh ủy Võ Thành Hạo, Phó bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phan Văn Mãi thông báo
kết quả kiểm tra, giám sát của Đoàn công tác số 4 - Ban Chỉ đạo Trung ương về
phòng, chống tham nhũng và kế hoạch của Ban Thường vụ Tỉnh ủy triển khai thực
hiện các nội dung theo kiến nghị của đoàn; đồng thời gợi ý một số nội dung thảo
luận.
Các đại biểu đã chia thành 4 tổ thảo luận, đóng góp ý kiến
để đi đến thống nhất các nội dung được đề ra trong chương trình hội nghị. Kết
thúc ngày làm việc thứ nhất, tại các tổ thảo luận, đại biểu đã tập trung đóng
góp vào nội dung: tình hình thực hiện Nghị quyết Tỉnh ủy năm 2016 và dự thảo
Nghị quyết về phương hướng, nhiệm vụ năm 2017; Chương trình làm việc của Tỉnh ủy
năm 2016; kết quả thực hiện Chương trình kiểm tra, giám sát năm 2016 và Chương
trình kiểm tra, giám sát của Tỉnh ủy năm 2017; kết quả thực hiện Nghị quyết
Trung ương 4, khóa XI về xây dựng Đảng năm 2016.
* Tổ số 1, hầu hết đại biểu nhận định, 2016 là năm khởi động
khá toàn diện và đồng bộ trong triển khai thực hiện nghị quyết đại hội Đảng các
cấp. Đây là yếu tố quan trọng góp phần tạo đà thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu,
nhiệm vụ đề ra trong nhiệm kỳ.
Bí thư Đảng ủy Khối các Cơ quan tỉnh Bùi Văn Bia nói:
Trong năm đầu tiên của nhiệm kỳ, chúng ta có sự khởi đầu khá tốt. Về mặt vật chất,
việc xây dựng và ban hành các văn bản, chương trình hành động, công tác chuẩn bị
nguồn nhân lực được chu đáo, chặt chẽ. Về tinh thần, tạo được tâm lý sẵn sàng,
tư tưởng tiến công và quyết tâm chính trị cao đối với cán bộ, đảng viên trong
thực hiện nhiệm vụ chính trị. Đề ra phương hướng, nhiệm vụ năm 2017, Tỉnh ủy cần
rà soát lại những hạn chế, yếu kém của năm trước để đưa vào khắc phục trong năm
sau. Trong thực hiện nhiệm vụ chính trị, từng cấp ủy cần đăng ký công việc cụ
thể theo chủ đề từng năm để thực hiện, từng cá nhân, tập thể cần đề ra chương
trình hành động cũng như tăng cường công tác phối hợp trong quá trình thực hiện.
Định hướng về công tác kiểm tra, giám sát trong năm 2017,
Bí thư Tỉnh ủy Võ Thành Hạo phát biểu: Công tác kiểm tra, giám sát không chỉ dừng
lại ở việc phát hiện sai phạm mà qua đây còn có thể phát hiện được những nhân tố
tích cực để kịp thời khen thưởng. Công tác kiểm tra, giám sát phải thực hiện
đúng quy trình, khi phát hiện sai phạm và đi đến kết luận phải làm cho đối tượng
kiểm tra, giám sát tâm phục, khẩu phục.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hữu Phước cho rằng: Việc
xây dựng và ban hành nghị quyết là điều rất quan trọng nhưng triển khai thực hiện
và đạt được chỉ tiêu nghị quyết đề ra lại là điều quan trọng hơn. Việc tuyên
truyền, phổ biến nghị quyết là yếu tố quan trọng, nhất là phổ biến rộng rãi đến
với nhân dân để mọi người nắm rõ và hưởng ứng. Trong thực hiện xây dựng nông
thôn mới, chúng ta nên xem lại hiệu quả và có sự so sánh với những xã đã được
công nhận và xã chưa được công nhận nông thôn mới.
Về chủ trương thực hiện việc từ chức, từ nhiệm, theo ý kiến
của Phó chủ tịch UBND tỉnh, Bến Tre không nên thực hiện trước mà chờ hướng dẫn
từ Trung ương nhằm tạo được sự đồng bộ và thống nhất.
* Tổ số 2, nhiều đại biểu thống nhất việc áp dụng các
hình thức cách chức, miễn nhiệm người đứng đầu khi cơ quan đó xảy ra tiêu cực,
tham nhũng và không hoàn thành nhiệm vụ. “Nếu ở cơ quan có xảy ra vấn đề tiêu cực,
nhiệm vụ không hoàn thành thì người đứng đầu không đủ năng lực lãnh đạo - tôi đề
nghị trước hết nên khơi dậy văn hóa từ chức vì danh dự, nếu không sẽ áp dụng
hình thức kỷ luật buộc thôi chức vụ”, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Bùi Văn
Chương đề nghị.
Chánh Thanh tra tỉnh Trương Văn Tỷ nói: “Chúng ta triển
khai nhiều năm công tác phòng, chống tham nhũng nhưng đạt hiệu quả chưa đáng kể.
Tôi đề nghị cần có quy chế thanh tra, kiểm tra thường xuyên hơn, đặc biệt vấn đề
khai thác cát, cũng như các dự án có biểu hiện bất bình thường, thêm nữa là cán
bộ, công chức nên được theo dõi chặt chẽ hơn”.
Liên quan đến lĩnh vực kinh tế, Trưởng Ban Kinh tế và
Ngân sách HĐND tỉnh Nguyễn Văn Quới đánh giá: “Nông nghiệp đã phục hồi sau hạn
mặn. Hệ thống chính sách đã đầy đủ cho nông nghiệp nhưng việc triển khai công cụ
tài chính để hỗ trợ trong lĩnh vực này còn khá nhiêu khê. Riêng ngành công nghiệp
và xuất khẩu, doanh nghiệp FDI chiếm ưu thế tuyệt đối (hơn 65%), chủ yếu chỉ
gia công trong sản xuất nguyên liệu ngoại nhập. Như vậy, giá trị xuất khẩu hàng
năm có tăng nhưng mức tăng trưởng dựa theo cơ cấu như thế liệu có ý nghĩa gì lớn
lao…”.
* Tổ số 3, Giám đốc Sở Tài chính Nguyễn Văn Tuấn cho rằng,
trong năm 2017, Tỉnh ủy nên xác định là năm “tăng tốc” để đạt được chỉ tiêu tăng
trưởng theo nghị quyết đề ra. Như vậy, cần xác định và có biện pháp mạnh, hữu
hiệu hơn như việc xây dựng chuỗi giá trị trong sản xuất nông nghiệp, tập trung
lãnh đạo phát triển công nghiệp có chiều sâu, nhất là khởi động và thu hút đầu
tư các dự án lớn như nhà máy sản xuất sữa, bia, nhà máy điện gió, năng lượng mặt
trời, Khu công nghiệp Phú Thuận, Phú Hưng.
Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy Hồ Thị Hoàng Yến cho rằng, việc
đầu tư và khai thác có hiệu quả Trung tâm Ứng dụng công nghệ cao và Trung tâm Ứng
dụng sinh học trên thực tế chưa phát huy được, chưa đáp ứng nhu cầu về cây, con
giống theo hướng chất lượng để xây dựng chuỗi giá trị trong sản xuất nông nghiệp.
Chủ tịch Hội Cựu chiến binh tỉnh Trần Quốc Việt cho rằng, việc xây dựng chuỗi
giá trị trong sản xuất cần có sự nhập cuộc của Mặt trận và đoàn thể, trên thực
tế việc này trong những năm qua là thiếu bền vững, đa phần người dân “tự bơi”
đã ảnh hưởng rất lớn đến việc thành lập các mô hình hợp tác xã.
Về xây dựng nông thôn mới, Phó trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy
Võ Thị Thủy cho rằng, cần có sự đổi mới trong cách tiếp cận xây dựng nông thôn
mới bởi thực tế cứ dồn sức đầu tư cơ sở hạ tầng cho xã điểm, trong khi chưa có
sự chuyển biến tích cực trong hệ thống chính trị của địa phương nên tạo tâm lý ỷ
lại, còn trông chờ. Mặt khác, các địa phương còn lại cũng “chờ tới lượt” chứ
chưa chủ động. Theo Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự tỉnh Nguyễn Văn Tu, xây dựng
nông thôn mới cần thực chất hơn, không nên tạo tiền lệ là cho “nợ” như trong
xây dựng xã văn hóa. Cần xem lại, trước và sau công nhận xã đạt chuẩn nông thôn
mới thì đời sống của bà con có nâng cao lên hay không, hay chỉ là bộ mặt và cơ
sở hạ tầng, trụ sở làm việc… là mới.
Đánh giá về thực hiện Nghị quyết số 02 của Tỉnh ủy, nhiều
đại biểu rất tán đồng với việc thực hiện phương châm “tỉnh nắm đến xã, huyện nắm
đến ấp, xã nắm đến hộ gia đình” bởi đây là dịp để các đồng chí được giao nhiệm
vụ, phân công có điều kiện cọ xát thực tế, gần gũi với nhân dân, cơ sở. Đánh
giá về việc thực hiện các phong trào thi đua như phong trào trữ nước ngọt, nước
mưa, phong trào thi đua Đồng khởi mới, Đồng khởi khởi nghiệp và phát triển
doanh nghiệp, nhiều đại biểu cho rằng, các phong trào rất thiết thực, đi vào đời
sống và nhận được sự hưởng ứng mạnh mẽ của người dân, nhất là việc phát động trữ
nước mưa, nước ngọt.
Về tình hình an ninh trật tự, theo Trưởng Ban Pháp chế
HĐND tỉnh Lê Văn Mười, tội phạm ma túy, cướp giật, trộm cắp vặt… diễn biến rất
phức tạp, trong khi đó các biện pháp ngăn chặn chưa thật sự có hiệu quả. Đồng
chí cho rằng, tội phạm rất manh động, táo bạo với nhiều thủ đoạn và đối tượng
mà chúng nhắm vào là cán bộ, công chức...
* Tổ số 4, đa số đại biểu thống nhất cao là năm 2016 có đổi
mới về việc cụ thể hóa nghị quyết đại hội, bước đầu thành công, làm tiền đề tốt
cho năm 2017 là năm hành động. Tăng trưởng kinh tế không đạt chỉ tiêu nhưng so
với năm 2015 có tăng hơn; đánh bắt thủy sản cũng tăng; nuôi tôm 2016 sản lượng
đạt khá.
Cũng có ý kiến cho rằng, phương châm lãnh đạo của Tỉnh ủy
về phân công theo dõi cơ sở là chủ trương đúng đắn. Tuy nhiên còn một số đồng
chí chưa sát được cơ sở, chưa phát huy hết vai trò của mình, do đó cần nghiên cứu
và tìm giải pháp khắc phục. Việc Tỉnh ủy phát động trữ nước mưa, nước ngọt đã
được người dân tích cực thực hiện. Phong trào Đồng khởi khởi nghiệp và phát triển
doanh nghiệp được Tỉnh ủy tập trung cao, có sự lan tỏa đến hộ dân và doanh nghiệp
rất tốt, tuy nhiên còn một số nơi chưa đi vào chiều sâu. Sắp tới, các ngành,
các cấp cần tạo môi trường đầu tư cho doanh nghiệp.
Các đại biểu thống nhất việc đưa công tác nội chính và
phòng, chống tham nhũng vào công tác xây dựng Đảng; đánh giá báo cáo sát đúng
tình hình, có những nội dung khái quát cao; quan tâm giải quyết những bức xúc của
dân nhất là những đơn thư tồn đọng.
Về xây dựng xã nông thôn mới: cách tiếp cận lại theo hướng
của Tỉnh ủy (tổ chức lại sản xuất), tỉnh nên nghiên cứu những tiêu chí thuộc địa
phương nhất là liên quan văn hóa - xã hội. Cho thời gian xây dựng các xã nông
thôn mới không tính chỉ tiêu từng năm mà chỉ nên tính trong nhiệm kỳ. Và cũng cần
quan tâm xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông; xem lại các thiết chế văn hóa…
Các đại biểu cho rằng, cần nâng cao công tác phòng, chống
tội phạm; nâng cao trách nhiệm của cán bộ xã, phường trong phòng, chống tội phạm
góp phần giữ vững an ninh chính trị. Bên cạnh đó, tình hình tệ nạn ma túy đang
gia tăng, diễn biến phức tạp, cần sự tập trung cao cho công tác này; nâng cao
hiệu quả, vai trò của đoàn thể trong tham gia giáo dục, cảm hóa, chú trọng giải
quyết việc làm, đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền…