 |
Lao động nữ làm việc tại Công ty TNHH chế biến sản phẩm dừa Cửu Long. |
Ngày 25-11 là ngày do Liên hợp quốc đặt ra nhằm tuyên truyền nâng cao ý thức về việc loại bỏ bạo hành đối với phụ nữ trên toàn thế giới. Qua trò chuyện với các nữ doanh nhân Bến Tre, có thể thấy rằng, bạo lực gia đình không chỉ gây tổn thương từ thể xác đến tinh thần cho người phụ nữ mà còn làm thiệt hại kinh tế.
Những con số “biết
nói”
Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, tính đến tháng
9-2017, toàn tỉnh xảy ra 69 vụ bạo lực gia đình. Trong đó, 65 vụ xảy ra ở nông
thôn và 4 vụ ở thành thị, nạn nhân chủ yếu là nữ (62/69 người), người gây bạo lực
gia đình là nam (66/69 người). Có thể thấy, nhận thức ở nam giới sống tại khu vực
nông thôn cần được tác động nhiều hơn nhằm thay đổi nhận thức về hành vi bạo lực
đối với phụ nữ là đáng bị lên án. Biện pháp đã xử lý người gây bạo lực gia đình
phần lớn là góp ý, phê bình trong cộng đồng dân cư, kế đến là áp dụng các biện
pháp giáo dục; có 17/69 trường hợp người gây bạo lực gia đình bị tạm giữ, xử phạt
hành chính. Hình thức bạo lực thân thể chiếm phân nửa số vụ, gây tổn thương về
mặt tâm lý và thân thể của người phụ nữ.
Trò chuyện với những nữ doanh nhân là chủ các doanh nghiệp
có nhiều công nhân nữ làm việc, các chị chia sẻ, trước trường hợp bạo lực gia
đình đối với lao động nữ trong công ty, dù nóng ruột, nhưng họ cảm thấy mình thật
bị động vì không có quyền gì để tác động đến nam giới - những người đã gây ra bạo
lực gia đình cho lao động của công ty mình. Công ty TNHH chế biến sản phẩm dừa
Cửu Long (TP. Bến Tre) có 80% lao động nữ, chị Trương Thị Cẩm Hồng - Giám đốc
công ty kể: “Có công nhân nữ đi làm mà mình mẩy bầm tím, tôi nóng ruột lắm. Tôi
phản đối bạo lực gia đình vì người vợ đã phải lo phụ giúp chồng nhiều thứ trong
gia đình, kể cả kinh tế, có lý do gì đi nữa thì cũng không chấp nhận được chồng
bạo hành vợ”.
Tại Công ty TNHH Xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu (Chợ
Lách), hiện lao động nữ vào mùa vụ lên đến 300 lao động từ những vệ tinh khắp
nơi. Với đặc thù công việc cần phải đóng gói trái cây thật nhanh chóng để đưa
hàng đi xuất khẩu, lao động nữ có khi làm việc xuyên suốt, bỏ công việc gia
đình, nhiều vụ bạo hành đã xảy ra. Nguyên nhân chủ yếu là do chồng ghen tuông,
không có sự thông cảm khi người vợ đi làm suốt, cho là vợ “có vấn đề gian dối”
hay vợ không hoàn thành nhiệm vụ, bổn phận.
Trách nhiệm của chính quyền địa phương đến đâu khi để xảy
ra nhiều vụ bạo lực gia đình ở nông thôn? Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho rằng,
một số cấp ủy, chính quyền địa phương chưa quan tâm nhiều đến công tác gia đình
và phòng, chống bạo lực gia đình; nội dung công tác gia đình và phòng, chống bạo
lực gia đình chưa được đưa vào nghị quyết Đảng ủy, HĐND, kế hoạch, chương trình
phát triển kinh tế - xã hội của UBND; trách nhiệm của cộng đồng đối với vấn đề
này chưa được đề cao, chung tiếng lên án làm thay đổi nhận thức.
Phụ nữ cần chồng ủng
hộ để phát triển sự nghiệp
Là doanh nhân, chị Nguyễn Thị Hồng Thu - Giám đốc Công ty
TNHH Xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu (Chợ Lách) thường có những chuyến đi xa
làm ăn, không thể dành nhiều thời gian cho gia đình, chồng con. Chị Hồng Thu
tâm sự: Hơn 10 năm xây dựng thương hiệu Chánh Thu, trải qua bao khó khăn, thách
thức hội nhập, mình đã kiên nhẫn, vượt qua khó khăn để đạt được mục đích. Nhờ sự
hỗ trợ của chồng mà thương hiệu Chánh Thu mới được xây dựng vững chắc như ngày
nay. Chồng mình không phàn nàn khi mình thường xuyên vắng nhà, ngược lại, anh ấy
còn giúp mình quán xuyến, trông coi việc nhà để mình được yên tâm giải quyết
công việc.
Lên án hành động bạo lực đối với phụ nữ, chị Nguyễn Thị Hồng
Thu nói: Phụ nữ ngày nay phải lao vào làm việc kiếm tiền, phụ giúp chồng gánh
vác gia đình, họ còn làm được nhiều việc mà đàn ông không làm được, vậy mà một
số đàn ông lại bạo lực vợ khiến vợ tổn thương về tinh thần và thể xác. Tôi nghĩ
phụ nữ cần phải tìm cho mình con đường để chấm dứt bạo lực trong gia đình, tìm
đến hạnh phúc. Đồng tình với chị Hồng Thu, chị Trương Thị Cẩm Hồng - Giám đốc
Công ty TNHH chế biến sản phẩm dừa Cửu Long (TP. Bến Tre) khẳng định: Phụ nữ ai
cũng thích có một gia đình đàng hoàng, chồng thương yêu vợ, có chuyện gì bất
mãn thì dùng lời, còn đánh đập thì phụ nữ rất ghét.
Trước những vụ bạo hành, ở góc độ là chủ doanh nghiệp, chị
Cẩm Hồng chia sẻ mình không thể đứng ra giải quyết mà chỉ khuyên công nhân nữ cần
báo cho chính quyền địa phương để họ can thiệp. Hầu hết vụ bạo hành vợ xuất
phát từ nguyên nhân chồng không đi làm, không tham gia đoàn thể địa phương, do
đó sự hiểu biết, giáo dục của xã hội về hành vi bạo lực còn nhiều hạn chế. Bên
cạnh đó, những cặp vợ chồng đầm ấm, vợ đi làm chồng đến đón, công ty tổ chức đi
du lịch thì vợ chồng đi cùng nhau, vợ chồng cùng nhau chia sẻ công việc nhà,
chăm sóc con cái thì người vợ là công nhân nữ luôn có tinh thần lạc quan, tích
cực, hòa đồng với các anh chị em công nhân khác; năng suất của những lao động nữ
này luôn cao và hiệu quả, về sắc diện thì lúc nào cũng tươi tắn, trẻ trung.
Trước vòng xoáy cuộc sống muôn màu, người phụ nữ cũng phải
lao vào để kiếm kế sinh nhai, củng cố thế đứng của gia đình trong xã hội. Họ cần
những người chồng biết thông cảm và yêu thương, giúp phụ nữ có thêm sức mạnh
chinh phục những thử thách trên bước đường sự nghiệp của mình, dù có khi đó chỉ
là một công việc lao động bình thường. Ai đó từng nói: “Đằng sau sự thành công
của một người đàn ông có bóng dáng người phụ nữ”, trong một xã hội bình đẳng
ngày nay câu nói này cần có vế ngược lại: “Đằng sau sự thành công của một người
phụ nữ có bóng dáng người đàn ông”.