Nhớ người đi vắng

19/05/2021 - 06:30

BDK - Bến Tre là vùng đất cù lao bị chia cắt bởi các con sông lớn thuộc hệ thống sông Cửu Long. Do vậy, để phát triển toàn diện, Bến Tre phải bắc cầu qua sông và kéo đường điện vượt sông để đấu nối với lưới điện quốc gia vào năm 1989. Đường điện vượt sông Tiền là công trình thế kỷ XX của Bến Tre, thể hiện tầm nhìn của lãnh đạo tỉnh trong biện pháp tìm ra con đường phát triển cho tỉnh nhà, trong đó phải nhắc đến dấu ấn của nguyên Phó thủ tướng Trương Vĩnh Trọng - khi ấy là Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre.

Kéo đường dây điện vượt sông Tiền năm 1989. Ảnh tư liệu

Kéo đường dây điện vượt sông Tiền năm 1989. Ảnh tư liệu

Do địa hình cù lao bị chia cắt bởi các dòng sông lớn nên những năm từ sau ngày thống nhất đất nước, Bến Tre phải sử dụng nguồn điện được cung ứng từ Nhà máy điện Đồng Khởi đặt tại cầu kênh Chẹt Sậy, sản lượng điện khoảng 17,5 triệu KWh/năm. Nguồn điện này không thể đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế của tỉnh Bến Tre, đặc biệt là nhu cầu cung ứng điện năng cho phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp trong tỉnh.

Nhà máy nhiệt điện Đồng Khởi tiêu thụ dầu như “uống bia”. Mỗi ngày, nhà máy sử dụng 60 tấn dầu diesel. Tính ra mỗi năm, ngân sách tỉnh phải chi ra 2,9 triệu USD để đốt dầu sản xuất điện năng. Kinh phí này chiếm đến ½ kim ngạch xuất khẩu của tỉnh trong thời điểm cuối thập niên 80 của thế kỷ trước. Dù vậy, nguồn điện vẫn không ổn định, tình trạng cúp điện xảy ra thường xuyên, gây bất ổn cho sản xuất và sinh hoạt của người dân. Toàn tỉnh chỉ có 17% hộ dân sử dụng điện. Hơn nữa, theo quy hoạch phát triển lưới điện của Chính phủ thì đến đầu thập niên 90, Bến Tre mới tiến hành xây dựng lưới điện quốc gia.

Tình trạng bức xúc này đã đặt ra điều kiện tiên quyết: Bến Tre muốn phát triển kinh tế thì phải có nguồn điện quốc gia. Lãnh đạo tỉnh đã đưa ra quyết định: phải tìm mọi cách để kéo lưới điện quốc gia về sớm hơn quy hoạch chung. Bước tiến hành đầu tiên: lãnh đạo tỉnh, ngành điện lực kiến nghị lên Chính phủ đề nghị bổ sung kế hoạch đưa lưới điện quốc gia về Bến Tre đồng loạt với các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long. Bước tiếp theo, Bến Tre tiến hành lập phương án khảo sát, thiết kế kỹ thuật, lập kế hoạch đầu tư tài chính cho công trình đường điện vượt sông Tiền và trạm biến áp 110KV. Phương án cụ thể là: Bến Tre tạm ứng vốn để Công ty Điện lực 2 thiết kế và thi công, mời chuyên gia Liên Xô tư vấn. Đồng thời, Bến Tre cũng ứng vốn (quy ra bằng lương thực, thực phẩm, hàng thiết yếu) để đặt mua điện của Nhà máy thủy điện Trị An, chuẩn bị nguồn điện cho Bến Tre khi đã hoàn thành công trình kéo đường điện vượt sông.

Ông Võ Thành Hạo - nguyên Bí thư Tỉnh ủy nhớ lại: “Anh Hai Nghĩa là người cùng với Ban Thường vụ Tỉnh ủy chủ trương kéo điện vượt sông Tiền về Bến Tre để tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội cho Bến Tre”.

Đây là một quyết định đúng đắn và kịp thời của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, thể hiện quyết tâm và tầm nhìn xa của lãnh đạo và ngành điện lực Bến Tre đối với xu hướng phát triển của tỉnh trong tương lai. Do vậy, cho dù ngân sách còn rất eo hẹp, tỉnh đã tập trung mọi nguồn vốn để đáp ứng đầy đủ cho công trình kéo đường điện vượt sông Tiền.

Tổng chiều dài đường điện là 16km, đoạn vượt sông 3,2km và phải vượt  2 lần. Hướng tuyến bắt đầu đấu nối từ trạm biến áp Cai Lậy - Mỹ Tho đi thẳng tới ấp An Đức (xã Bình Đức, tỉnh Tiền Giang) để từ đây vượt một đoạn sông Tiền và dừng lại trên trụ đỡ tại cù lao Thới Sơn, sau đó vượt sông lần nữa để về đến xã Phú Đức (huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre) rồi đi tiếp một đoạn nữa để đấu nối vào trạm biến áp Tân Thành (TP. Bến Tre). Trên toàn tuyến có 4 trụ vượt sông (mỗi trụ cao 88m), 2 trụ néo và 105 trụ trung gian (mỗi trụ cao 20m). Mỗi trụ vượt cần 100 tấn xi-măng và 40 tấn thép để làm móng và làm thân trụ.

Đường điện vượt sông Tiền được phát lệnh khởi công vào ngày 17-1-1987, đấu nối vào lưới điện quốc gia và khánh thành vào ngày 19-5-1989. Niềm vui vỡ òa trong lòng người dân Bến Tre. Đây chính là công trình thế kỷ, tạo đà cho tỉnh phát triển về mọi mặt, đặc biệt là trên lĩnh vực sản xuất công nghiệp.

Bến Tre đã tập trung mọi nguồn lực về con người và tài chính để bảo đảm tiến độ công trình, trong đó phải nói đến vai trò của ông Trương Vĩnh Trọng lúc ấy là Chủ tịch UBND tỉnh. Kỹ sư Lý Văn Trợ - Đội trưởng Đội Xây lắp điện 3 (lúc bấy giờ, đơn vị thi công đường điện vượt sông Tiền) nhận xét: “Tôi chưa từng thấy ở đâu quan tâm đến lực lượng thi công như ở Bến Tre. Những ngày cao điểm kéo điện vượt sông, lãnh đạo tỉnh, đặc biệt là ông Hai Nghĩa đã động viên thăm hỏi anh em công nhân, ông huy động cả lực lượng vũ trang để hỗ trợ chúng tôi, mọi trở ngại gì đều được giải quyết nhanh chóng”. Ông Trương Vĩnh Trọng cho thành lập “Ban Chỉ huy chiến dịch kéo dây điện vượt sông Tiền”, chỉ đạo các ngành có liên quan tập trung nguồn lực phục vụ cho chiến dịch, đảm bảo tiến độ công trình liên tục và kết thúc đúng kế hoạch. Ông kêu gọi các tổ chức, đoàn thể, doanh nghiệp thường xuyên thăm hỏi, ủy lạo lực lượng công nhân ngay trên công trường.

Kỷ niệm sâu sắc mà những người tham gia công trình nhớ rất rõ là vào chiều ngày 7-5-1989, đã có 4 dây cáp kéo ngang sông và được đưa lên trụ vượt an toàn, đến dây cáp thứ năm khi đưa lên trụ vượt chỉ còn độ võng khoảng nửa mét thì bất ngờ bị tuột cáp rơi xuống sông. Một cảnh tượng kinh hoàng, đường dây cáp nặng hàng tấn - một phần nằm vắt ngang sông, một phần khác nằm ngổn ngang trên mặt đất, cách chỗ ông Trương Vĩnh Trọng, đoàn chuyên gia Liên Xô và chỉ huy công trường chỉ có vài mét. Mọi người thoát chết trong gang tấc!

Tình thế thật nan giải, mọi người rất căng thẳng vì sự cố này, hơn nữa, đường dây cáp đang nằm trên sông Tiền là thủy lộ quốc tế đi Campuchia. Trên sông đang có nhiều tàu viễn dương neo đậu để chờ kéo cáp xong sẽ tiếp tục thủy trình, nếu chậm trễ tỉnh sẽ phải bị đóng phạt. Ngày 7-5-1989 cũng là ngày Liên Xô kỷ niệm chiến thắng phát-xít Đức. Để động viên tinh thần mọi người, ông Trương Vĩnh Trọng đã đến thăm hỏi, mời đoàn chuyên gia Liên Xô và lực lượng thi công tham dự buổi tiệc mừng chiến thắng Phát-xít. Mọi trở ngại được giải quyết ổn thỏa.

Bắt nhịp từ công trình này, Bến Tre tiếp tục vượt sông đưa lưới điện quốc gia về các huyện cù lao Minh, cù lao An Hóa, tạo điều kiện thuận lợi để phát triển sản xuất công nghiệp và đưa lưới điện nông thôn. Thành quả này đã thể hiện tầm nhìn xa của lãnh đạo tỉnh trong kế hoạch đưa lưới điện quốc gia về sớm hơn quy hoạch chung, đáp ứng kịp thời nhu cầu điện năng để phát triển kinh tế. Trong đó, phải nhấn mạnh đến dấu ấn của ông Trương Vĩnh Trọng trong sự điều hành quyết liệt, chỉ đạo sát để giải quyết mọi trở ngại. Bằng sự quyết tâm và bằng tình yêu quê hương, ông đã không ngại gian khó lặn lội đi công trình để kiểm tra, đôn đốc và chia sẻ những khó khăn cùng lực lượng thi công.

Mỗi khi nhớ lại những kỷ niệm về công trình đường điện vượt sông Tiền, ông vẫn giữ được sự phấn khích như ngày nào. Ông nói: “Từ trong trái tim tôi luôn mong muốn kéo điện về. Tôi làm Chủ tịch tỉnh nên được giao làm người chỉ huy tiền phương. Kéo được điện về trong lòng tôi mừng khấp khởi bởi vì hồi nào tới giờ tỉnh mình chưa có điện quốc gia, giờ có điện ban đêm sáng vui lắm”.

Những lời nói này chúng tôi may mắn ghi lại được vài tuần trước khi ông đi xa. Đó chính là ước nguyện của ông và của tất cả những người Bến Tre luôn có khát vọng cống hiến những gì tốt đẹp nhất cho quê hương mình.

Trên tuyến đường điện dọc theo tỉnh lộ 885 về huyện Giồng Trôm, có một nhánh rẽ chạy về một đường làng rợp bóng dừa xanh thuộc ấp Lương Thuận - xã Lương Quới. Nơi đó có một khu vườn cây ăn trái được chú Hai Nghĩa chăm sóc thường ngày trong lúc nghỉ hưu. Vào tháng 5-2021, chúng tôi trở lại thăm mảnh vườn xưa. Vườn cây vẫn xanh tươi nhưng đã vắng bóng một người, không gian trầm lắng chìm trong những ký ức về người con của quê hương Bến Tre đã sống nhiệt thành, trung kiên, làm việc tận tụy để cống hiến cho quê hương đất nước những công trình đáng trân trọng. Đường điện vượt sông Tiền đã thắp sáng những ước mơ, đã ghi công trạng của nhiều thế hệ đóng góp công sức xây dựng quê hương Bến Tre giàu đẹp, trong đó có hình ảnh của nguyên Phó thủ tướng Trương Vĩnh Trọng - một người con xứng đáng của xứ Dừa.

Sau 2 năm thi công khẩn trương, hiểm nguy và căng thẳng trên toàn tuyến đường điện và trạm biến áp 110kV và sau 48 ngày gian khổ kéo dây điện vượt sông Tiền, công trình đưa điện lưới quốc gia về Bến Tre (khởi công ngày 17-1-1989) đã hoàn thành đúng tiến độ và được đấu nối chính thức vào đường điện quốc gia vào ngày sinh nhật Bác 19-5-1989. Đây là công trình thế kỷ XX, mang dấu ấn lịch sử của giai đoạn tiến hành công nghiệp hóa ở Bến Tre.

Phấn khích vì Bến Tre đã có lưới điện quốc gia, ông Trương Vĩnh Trọng - khi ấy đương nhiệm Chủ tịch UBND tỉnh đã không kiềm chế được xúc động khi đọc diễn văn khánh thành đường điện. Ông xúc động kể lại kỷ niệm sau 32 năm kéo đường điện vượt sông: “Trên mảnh đất thân yêu này tôi có nhiều kỷ niệm sâu sắc không bao giờ quên, trong đó có dấu ấn khó phai mờ trong lòng tôi. Đó là vào năm 1989, nhân dịp lễ khánh thành đường điện vượt sông Tiền kéo về Bến Tre, tôi vui mừng quá nên đã la lên: Đồng bào ơi! Đồng chí ơi! Trời đất ơi! Điện đã về Bến Tre rồi!”.

Vâng, đó là câu nói ấn tượng ở phần cuối bài diễn văn được người dân Bến Tre và những người trong ngành điện nhớ mãi khi nghĩ về một công trình đường điện vượt sông chưa có tiền lệ ở đồng bằng sông Cửu Long.

Kim Liên

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN