Nhớ về mùa Thu lịch sử

22/08/2014 - 08:04
Các em học sinh Trường THPT Chuyên Bến Tre tìm hiểu lịch sử qua hiện vật được trưng bày tại Bảo tàng tỉnh. Ảnh: Q.H

Vào những ngày này, trên cả nước nói chung và Bến Tre nói riêng, mỗi người chúng ta đều có thể cảm nhận được không khí sôi nổi với cờ hoa cùng các hoạt động văn hóa - văn nghệ chào mừng 69 năm Cách mạng Tháng Tám thành công. Dù hình ảnh từng đoàn người với giáo mác, tầm vông vót nhọn trong tay đứng lên khởi nghĩa giành chính quyền có lùi xa vào quá khứ theo quy luật của thời gian, song hình ảnh đó, tinh thần đó vẫn luôn là tấm gương sáng cho thế hệ hôm này và mai sau.

Bến Tre giành chính quyền trước kế hoạch

Lịch sử Bến Tre có ghi lại, sự thành công nhanh chóng của các cuộc khởi nghĩa ở thủ đô Hà Nội, Huế đã cổ vũ và thôi thúc mạnh mẽ Đảng bộ và nhân dân Bến Tre đứng lên hành động. Ngày 23-8-1945, ở Bến Tre, đại biểu Tỉnh ủy đi dự hội nghị do Xứ ủy Nam kỳ triệu tập chưa về đến, nhưng căn cứ vào diễn biến của tình hình chung, Ủy ban khởi nghĩa đã ra lệnh cho các quận (nay là huyện) huy động lực lượng quần chúng kéo về áp sát thị xã (nay là TP. Bến Tre); đồng thời, ra lệnh cho các tổ chức đoàn thanh niên tại thị xã phải túc trực ở trụ sở, chuẩn bị sẵn sàng hành động. Đêm 23-8-1945, theo kế hoạch của Ủy ban khởi nghĩa, khắp nơi trong tỉnh trương biểu ngữ, phát truyền đơn kêu gọi nhân dân nổi dậy lật đổ chính quyền bù nhìn, thiết lập chính quyền cách mạng.

Ngày 24-8-1945, Mặt trận Việt Minh tỉnh ra công khai tại câu lạc bộ thị xã (nay là Trường Trung học cơ sở TP. Bến Tre). Tuy nhiên, bọn cầm đầu ngụy quyền không có thái độ chống đối. Trưa ngày 25-8-1945, nhân cơ hội tên cò Lắm - Chỉ huy trưởng Lực lượng bảo an thị xã - đến trụ sở Việt Minh xin phép đi xuống địa phương thu gom vũ khí của bọn cai tổng và hội tề ở Mỏ Cày, Ủy ban khởi nghĩa ra lệnh cấp tốc khởi nghĩa. Cuộc khởi nghĩa nổ ra lúc 16 giờ cùng ngày.

Bồi hồi nhớ lại thời khắc thiêng liêng ấy, ông Dương Văn Ẩn - nguyên Chủ tịch HĐND tỉnh kể: “Lúc đó, tôi mới học lớp bốn nhưng cũng theo các anh chị hòa vào đoàn mít-tinh để hưởng ứng cuộc khởi nghĩa cướp chính quyền. Đoàn mít-tinh kéo từ chợ Mỹ Lồng (xã Mỹ Thạnh, Giồng Trôm) lên thị xã. Tôi còn nhớ không khí lúc đó rất náo nhiệt, mọi người đi như trẩy hội, trong tay mỗi người đều có lá cờ đỏ sao vàng…”

Với sức mạnh quật khởi, lực lượng quần chúng khởi nghĩa đã nhất tề xông lên với giáo mác, tầm vông tràn tới trại Bảo an binh, buộc chúng phải nộp vũ khí đầu hàng. Sau đó, lực lượng khởi nghĩa đã nhanh chóng tiến chiếm các công sở, tòa án, bưu điện, kho bạc, nhà máy điện, bót cảnh sát… Trước khí thế của quần chúng khởi nghĩa, quân Nhật và bọn tay sai không dám chống cự. Tỉnh trưởng bù nhìn Phan Văn Chỉ buộc phải đầu hàng và xin giao chính quyền cho cách mạng. Bộ máy ngụy quyền tay sai Nhật sụp đổ. Chính quyền về tay nhân dân lúc 17 giờ, sớm hơn thời gian dự định trong kế hoạch. Sau đó, cuộc khởi nghĩa giành chính quyền đã thành công nhanh chóng trong toàn tỉnh. Ngày 26-8, Ủy ban Nhân dân cách mạng tỉnh Bến Tre làm lễ ra mắt đồng bào trong một cuộc mít-tinh long trọng được tổ chức tại sân vận động thị xã.

Bài học lịch sử từ thành công cuộc cách mạng Tháng Tám - 1945

Cách mạng Tháng Tám thành công đã tạo nên mốc son lịch sử vĩ đại, đưa dân tộc Việt Nam thoát khỏi ách nô lệ, làm chủ đất nước, làm chủ vận mệnh của chính mình. Sự thành công từ cuộc Cách mạng Tháng Tám của cả nước nói chung và Bến Tre nói riêng có thể nói là rất ngoạn mục. Từ cuộc khởi nghĩa giành chính quyền thắng lợi ở thủ đô Hà Nội đã châm ngòi, tạo nên làn sóng khởi nghĩa đến các tỉnh, thành trên cả nước. Với tinh thần và khí thế hào hùng, lần đầu tiên trong lịch sử, chính quyền thuộc về tay nhân dân. Tại Bến Tre, cuộc khởi nghĩa giành chính quyền sớm hơn kế hoạch cho thấy sự linh hoạt, biết chớp lấy thời cơ, trong công tác lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh lúc bấy giờ.

Ông Lê Chí Nhân - nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết: “Theo tôi, cuộc khởi nghĩa thành công có nhiều nguyên nhân, nhưng yếu tố cốt lõi đó là biết nắm bắt thời cơ và làm tốt công tác tuyên truyền. Thời cơ ở đây đó là Ủy ban khởi nghĩa phát động khởi nghĩa đúng lúc, đã không cứng nhắc thực hiện theo kế hoạch mà tùy vào tình hình thực tế rồi linh hoạt, điều chỉnh cho phù hợp. Công tác tuyên truyền được thực hiện đa dạng về hình thức và phong phú về nội dung cũng như xác định đúng đối tượng, tạo sức hút từ nhiều tầng lớp nhân dân, gầy dựng lực lượng ngày càng lớn mạnh. Ngày nay, bài học này vẫn còn nguyên giá trị và có thể áp dụng khi đất nước ta, địa phương ta bước vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”.

69 năm đã trôi qua, sự kiện lịch sử về Cách mạng Tháng Tám năm xưa vẫn luôn là niềm tự hào của lớp trẻ hôm nay. Em Lê Phan Yến Ngọc (lớp Sử - Địa, Trường THPT Chuyên Bến Tre) bày tỏ: “Cách mạng Tháng Tám - 1945 là một trong những sự kiện em rất quan tâm trong quá trình học tập và nghiên cứu môn Lịch sử. Bằng tinh thần đoàn kết và lòng yêu nước, người dân ở mọi miền đất nước với vũ khí thô sơ đã cùng chung chí hướng, quyết tâm đứng dậy giành chính quyền. Bản thân em rất tự hào về lớp người đi trước và đây cũng chính là tấm gương cho lớp trẻ chúng em sau này noi theo”.

Tường Vy

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN