Những chiến công thầm lặng của Bến A101 - Bến Bến Tre

23/07/2012 - 06:15
Bia kỷ niệm

LTS: Ngày mai (24-7-2012), Bến A101 - Bến Bến Tre sẽ đón nhận danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, lễ đón nhận được tổ chức long trọng tại Trung tâm Văn hóa thể thao huyện Thạnh Phú. Báo Đồng Khởi xin giới thiệu đến bạn đọc bài viết về sự hình thành và những chiến công của đơn vị A101 của tác giả Bùi Văn Chương - Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Bến Tre.

Đặc điểm tình hình và sự ra đời bến A101 - Bến Bến Tre

Bến Tre là tỉnh có truyền thống cách mạng trong kháng chiến chống thực dân pháp và đế quốc Mỹ. Từ phong trào Đồng Khởi năm 1960, phần lớn vùng rừng ven biển do ta làm chủ và xây dựng căn cứ. Với những điều kiện trên, tỉnh Bến Tre vinh dự được Trung ương cục chọn là 1 trong 4 tỉnh ven biển Nam Bộ (Bến Tre, Bà Rịa, Trà Vinh, Cà Mau) tổ chức lực lượng vượt biển ra Bắc và mở Bến tiếp nhận vũ khí từ Miền Bắc chuyển vào chi viện cho chiến trường Miền Nam đánh Mỹ. Từ đó đơn vị A101- Bến Bến Tre ra đời.

Những bộ phận ban đầu của đơn vị A101 được tổ chức từ quí II-1961, đến tháng 9-1962 mới chính thức được thành lập theo quyết định của Trung ương cục với phiên hiệu đơn vị A101, bí số B3 - là 1 trong trong 4 Bến trực thuộc Đoàn 962. Biên chế Bến tương đương cấp Trung đoàn. Đơn vị A101 chịu sự lãnh đạo, chỉ huy trực tiếp của Đoàn 962, Trung ương cục và Khu ủy khu 8. Địa bàn đứng chân ở 2 huyện: Thạnh Phú và Bình Đại, khu vực hoạt động ven biển Thạnh Phú đến Bình Đại.

Các Bến, ngoài nhiệm vụ làm đầu cầu trung chuyển vũ khí, trang bị từ bến Cà Mau, Trà Vinh giao cho Quân khu 7, Quân khu 8, còn tham gia chiến đấu cùng quân dân địa phương và bảo vệ khu vực được giao.

 

Những thành tích đặc biệt xuất sắc của Đơn vị A101 - Bến Bến Tre từ tháng 6-1961 đến tháng 6-1967

Thực hiện chỉ đạo của Khu ủy khu 8, từ tháng 2-1961, Bến Tre đã chọn lựa một số cán bộ trung kiên, qua thử thách, biết đi biển để tổ chức thành 3 đội thuyền chuẩn bị vượt biển ra Bắc và chuẩn bị mọi mặt trong điều kiện tuyệt đối mật. Đến giữa tháng 8-1961, dù trong những điều kiện hết sức khó khăn, nguy hiểm, nhưng hai thuyền nhỏ, trang bị thô sơ xuất phát từ Bến Bến Tre, với 14 đồng chí đã dũng cảm, mưu trí vượt biển ra Bắc thành công.

Cùng với các đồng chí ở Cà Mau, Trà Vinh, Bà Rịa và lực lượng Đoàn 759, các đồng chí trên 2 thuyền của Bến A101 đã trở về Nam Bộ trên 4 tàu gỗ mang tên Phương Đông 1, 2, 3, 4 (từ tháng 10 đến cuối tháng 12-1962), đưa về Bến Cà Mau 112 tấn vũ khí đầu tiên, góp phần khai thông con đường vận tải chiến lược trên Biển Đông “Đường Hồ Chí Minh trên biển”.

 

Xây dựng đơn vị, mở Bến và tổ chức tiếp nhận vũ khí, cất giữ và vận chuyển ra chiến trường

Khi mới thành lập, đơn vị A101 đóng quân ở Cồn Tra (xã Thạnh Phong - Thạnh Phú). Do tính chất đặc biệt quan trọng, yêu cầu bảo đảm bí mật rất cao, nên hầu hết lực lượng, hệ thống kho, bến tàu vào đậu đều được bố trí rải rác, nằm sâu trong rừng thuộc các xã: Thạnh Phong, Giao Thạnh, An Nhơn, An Qui (Thạnh Phú) và một số xã ven sông Ba Lai (Ba Tri). Quyết tâm vượt qua mọi khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ, cộng với sự ủng hộ, giúp đỡ tích cực của cấp ủy, chính quyền và nhân dân địa phương, nên chỉ sau gần 4 tháng, cán bộ, chiến sĩ đơn vị A101 đã đào hàng ngàn mét khối đất làm kho nổi, hàng trăm hầm xi-măng, lu mái lớn, nhỏ được chôn sâu trong lòng đất làm kho chìm, hàng chục ụ bến để tàu vào đậu an toàn. Đây thực sự là một kỳ công của cán bộ, chiến sĩ đơn vị A101 - Bến Bến Tre.

Vừa chiến đấu, vừa xây dựng phát triển lực lượng, đến giữa năm 1963, đội kho, đội vận tải đều phát triển thành Đại đội, đội phòng thủ thành Tiểu đoàn (phiên hiệu Tiểu đoàn 518), mua sắm thêm phương tiện vận tải, tổng cộng có 20 chiếc ghe, thuyền, được trang bị vũ khí khá mạnh, có sức cơ động nhanh hơn, có khả năng chiến đấu với hải thuyền địch khi cần và sẵn sàng đón những chuyến tàu từ miền Bắc vào chi viện cho chiến trường theo sự chỉ đạo của trên. Có thể nói việc xây dựng "Bến không cầu, kho không mái" là kỳ tích sáng tạo độc đáo của Bến A101 - Bến Bến Tre .

Sau nhiều tháng trông chờ, đến 10 giờ ngày 17-6-1963, chuyến tàu đầu tiên từ miền Bắc đã vào rạch Khâu Băng an toàn. Chỉ sau 2 ngày đêm, cán bộ, chiến sĩ đơn vị A101 và nhân dân tại địa phương đã bốc dỡ, vận chuyển, cất giấu xong hàng trên tàu, giải phóng tàu nhanh để tàu trở ra Bắc an toàn.

Từ chuyến tàu đầu tiên vào Bến Bến Tre an toàn, đơn vị A101 liên tục đón những chuyến tàu tiếp theo, tổng cộng từ tháng 6-1963 đến năm 1967 đơn vị đã tiếp nhận thành công 26 chuyến tàu an toàn và 1 chuyến thành công nhưng không trọn vẹn vào tháng 11-1964, do tàu vào mắc cạn cồn cát, đơn vị đã tập trung lực lượng chuyển hết hàng nhanh chóng. Tuy nhiên, để giữ bí mật cho tuyến đường, buộc đơn vị A101 phải phá hủy tàu... Tổng số vũ khí hàng hóa đơn vị A101- Bến Bến Tre tiếp nhận của 27 chuyến là 1.355 tấn.

Ngoài nhiệm vụ tiếp nhận trực tiếp tàu từ miền Bắc vào, từ năm 1963 đến 1966, đơn vị A101 - Bến Bến Tre còn tiếp nhận, cất giữ gần 1.000 tấn vũ khí từ các Bến Cà Mau, Trà Vinh chuyển lên bằng thuyền và trực tiếp qua Bến Trà Vinh chuyển về. Trong 1 chuyến vận chuyển từ Trà Vinh về Bến Tre (ngày 16-6-1966) đã gặp hải thuyền địch. Hai bên giao tranh ác liệt, trên sông Cổ Chiên, thuyền ta bị trúng đạn, toàn bộ 9 đồng chí đi trên thuyền đều hy sinh, trong đó có đồng chí Nguyễn Văn Phối (Ba Bổn) Đoàn trưởng, kiêm Chính ủy Đoàn 962.

Ngoài ra, đơn vị A101 còn thực hiện nhiệm vụ vận chuyển vũ khí cho Quân khu 7, khu 8. Tính từ năm 1963 đến 1967, đơn vị A101 - Bến Bến Tre, Đoàn 962 đã chuyển giao cho Quân khu 7 hơn 1.300 tấn vũ khí, giao cho Khu 8 và một số đơn vị trên địa bàn Khu 8 hơn 1.000 tấn vũ khí. Với kết quả trên, đơn vị A101 - Bến Bến Tre đã đóng góp xuất sắc vào cuộc chiến đấu của quân dân Nam Bộ, đánh thắng các chiến lược chiến tranh của Mỹ - Ngụy.

 

Tham gia một số trận đánh tiêu biểu

Đánh bại trận càn "Phượng hoàng TG-1" của Khu chiến thuật Tiền Giang ngày 31-12-1963. Đây là trận đánh phối hợp giữa đơn vị A101, Tiểu đoàn 263 Quân khu và quân dân du kích địa phương. Địch với thế mạnh, quân đông, trang bị hiện đại; bằng chiến thuật "bủa lưới, phóng lao" chúng dùng tàu chiến, trực thăng và xe bọc thép (M113) ồ ạt đổ 4 tiểu đoàn chủ lực, có cả cố vấn Mỹ chỉ huy, đánh vào vùng căn cứ của ta ở Thạnh Phú gồm 3 xã: Giao Thạnh, Thạnh Phong, An Nhơn. Ta dựa vào xã chiến đấu, đánh tiêu hao kiềm chân địch, tạo điều kiện cho Tiểu đoàn 263 đánh tiêu diệt địch. Qua 21 ngày đêm giằng co, địch không tiến quân được phải rút quân. Kết quả ta bắn rơi và cháy 15 máy bay trực thăng, làm chết và bị thương gần 200 tên, trong đó có tên Đại tá Hoàng Gia Anh đi trực thăng thị sát chiến trường. Bến cảng, kho tàng của đơn vị A101 được bảo vệ an toàn. 

Đánh bại cuộc hành quân "Phượng Hoàng" ngày 14-2-1966, do tướng Lê Văn Kim - Tổng Tham mưu trưởng Ngụy - Sài Gòn và Lâm Văn Phát - Tư lệnh Khu chiến thuật Tiền Giang trực tiếp chỉ huy. Lực lượng gồm thủy quân lục chiến, bảo an và các giang đoàn tỉnh Kiến Hòa, tỉnh Trà Vinh tham gia, với sự yểm trợ của không quân, pháo binh. Ngay từ đầu, Tiểu đoàn 518 của ta đánh phủ đầu khi quân giặc đang đổ quân, bắn rơi tại chỗ 15 trực thăng, diệt gọn 1 đại đội, chặn đứng nhiều đợt xung phong của địch. Bị thiệt hại nặng, địch không phát triển được, buộc phải dừng lại, cho máy bay ném bom na-pan và phái binh chi viện. Cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn 518 dũng cảm vừa chiến đấu, vừa lao vào dập lửa, cứu hơn 20 người dân đang nấp trong hầm trú ẩn. Hôm sau (ngày 15-2-1966), có quân chi viện, có xe M113 yểm trợ, quân địch tiếp tục tấn công vào ngã ba Cồn Rừng. Tiểu đoàn 518 và lực lượng địa phương đã kiên cường chiến đấu, giữ vững trận địa và diệt thêm một số tên. Bị thiệt hại nặng, buộc địch phải rút lui. Kết quả, ta diệt và làm bị thương hàng trăm tên địch, có 7 cố vấn Mỹ, bắn rơi và hư hỏng 47 máy bay (có 15 chiếc rơi tại chỗ), bắn cháy 1 xe M113, thu nhiều vũ khí, quân trang, quân dụng. Ta hy sinh 15 đồng chí, nhưng đã bảo vệ an toàn vùng căn cứ, bảo vệ Bến đang cất giữ trên 200 tấn vũ khí trong kho.

Đánh bại cuộc càn “Sóng thần 5” ngày 6-1-1967. Đây là cuộc càn lớn nhất từ trước đến nay tại Bến Tre. Cuộc càn này Mỹ dùng nhiều tàu chiến, máy bay, xe thiết giáp, các loại hỏa lực mạnh, kể cả B52. Lực lượng của chúng gồm: 1 Lữ đoàn thủy quân lục chiến Mỹ, 1 Tiểu đoàn lính Nam Triều Tiên, từ Hạm đội 7 đổ quân vào càn quét vùng Thạnh Phong và Giao Thạnh (Thạnh Phú). Đơn vị A101, do đồng chí Tám Toản chỉ huy, phối hợp với du kích chống càn nhỏ lẻ, phục kích tại Cồn Điệp xã Thạnh Phong tiêu diệt 17 tên địch, phối hợp với du kích xã Giao Thạnh đánh mìn tại Giồng Mỏ Neo, diệt và làm bị thương 25 tên Mỹ.

Đến năm 1968, theo quyết định của Quân khu 8, Bến Bến Tre tạm ngưng hoạt động, phần lớn cán bộ, chiến sĩ A101 được bổ sung về đơn vị kho và vận tải bộ của Quân khu 8 và bổ sung lực lượng chiến đấu trong Tổng tấn công Mậu Thân 1968. Đến năm 1970, Quân khu 8 quyết định đưa số cán bộ A101 trước đây trở lại Bến Tre tổ chức đơn vị, chuẩn bị mở Bến lần 2, vẫn làm nhiệm vụ tiếp nhận vũ khí từ miền Bắc chuyển vào, trực thuộc Quân khu 8 và sự chỉ đạo của Bộ Tư lệnh Hải quân. Đơn vị A101 hoạt động liên tục đến ngày Miền Nam hoàn toàn giải phóng… Sau một thời gian tiếp quản các căn cứ hải quân ngụy trong năm 1975, với phiên hiệu Tiểu đoàn 36, đến năm 1976 Bộ Tư lệnh Quân khu 9 quyết định sáp nhập Tiểu đoàn 36 vào Trung đoàn 962. Do yêu cầu biên chế của thời kỳ mới của Trung đoàn 962, nên Tiểu đoàn 36 được bổ sung vào các đơn vị trực thuộc Trung đoàn 962.

Trải qua hơn 5 năm chiến đấu, tiếp nhận vũ khí từ Miền Bắc chuyển vào, đơn vị A101 đã có 204 cán bộ, chiến sĩ hy sinh, hàng trăm đồng chí bị thương và ảnh hưởng chất độc hóa học. Đặc biệt, có 9 đồng chí hy sinh cùng thuyền chở vũ khí trên sông Cổ Chiên (trong đó có đồng chí Nguyễn Văn Phối là Thường vụ Khu ủy Khu 8 được điều vào Đoàn 962 làm Đoàn Trưởng, kiêm Chính ủy Đoàn 962).

Những kỳ tích của những chuyến tàu thần kỳ không số, cùng cán bộ, chiến sĩ mưu trí, dũng cảm, bí mật, nối tiếp nhau rời bến, cập bến, đơn vị A101 - Bến Bến Tre - một bộ phận quan trọng trong hệ thống vận tải quân sự chiến lược trong cuộc kháng chiến chống xâm lược, đã trở thành một thiên anh hùng ca bất tử, góp phần to lớn cho thắng lợi chung của toàn dân tộc, tiến tới giải phóng Miền Nam, thống nhất Tổ quốc. Khu vực đơn vị A101 - Bến Bến Tre đứng chân là xã Thạnh Phong (Thạnh Phú) đã dựng lại bia kỷ niệm, được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) công nhận “Di tích đầu cầu tiếp nhận vũ khí Bắc - Nam” là di tích lịch sử cấp quốc gia vào ngày 23-12-1995.

Những chiến công thầm lặng của Bến A101 - Bến Bến Tre, là những thành tích đặc biệt xuất sắc, góp phần làm nên huyền thoại "Đường Hồ Chí Minh trên biển". Đơn vị A101- Bến Bến Tre xứng đáng nhận được phần thưởng cao quý của Nhà nước ta trao tặng "Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân". Những thế hệ hôm nay và tiếp nối xin kính cẩn nghiêng mình, đời đời tưởng nhớ những người đã khuất, nhất là các chiến sĩ đã anh dũng hy sinh trên con đường Biển Đông "Đường mòn Hồ Chí Minh trên biển".

________________________________

(Theo tư liệu của Trung đoàn GT 962 - Bộ Tư lệnh Quân khu 9)

B.V.C

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN