Những hạt giống đỏ mang mùa xuân cách mạng

18/01/2025 - 11:15

Di tích Cây Da đôi, xã Tân Xuân, huyện Ba Tri  - nơi thành lập chi bộ Đảng đầu tiên ở tỉnh là địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống lịch sử cho các thế hệ.  Ảnh: Phạm Tuyết

Vùng đất hội tụ nhân tài

Bến Tre xưa là vùng đất mê địa sình lầy nhưng có dấu ấn đặc biệt mà ít ai biết đến. Vào những năm 2003, Sở Văn hóa - Thông tin đã phối hợp cùng Viện Khảo cổ học Việt Nam khai quật di tích tại Gò Nổi, xã Bình Phú, TP. Bến Tre, đã xác nhận vùng đất này có cư dân cổ cách nay trên 2.000 năm.

Trong lịch sử hiện đại, qua truyền thuyết dân gian và các cứ liệu khoa học, lịch sử, cách nay trên dưới 300 năm, cư dân các nơi về đây khai hoang lập ấp, đã sinh ra và hội tụ những nhân tài cho đất Việt.

Chuyện về ông bà Trần Văn Yến đánh và thuần hóa cọp ở làng Tân Hưng (Ba Tri), chuyện ông Huỳnh Văn Giai (ông Gốc) làng Phú Long (Bình Đại) khai phá lập làng và biết bao nhiêu chuyện ông cha ta đã chinh phục thiên nhiên, thú dữ, chống thù trong giặc ngoài. Nơi đây đã hội tụ và sinh ra bao nhân tài xứng tầm với đất nước như Nguyễn Ngọc Thăng (1798 - 1866) đã anh dũng kiên cường chống giặc; Nguyễn Đình Chiểu (1822 - 1888) - người thầy thuốc, thầy giáo và là nhà thơ lớn của đất nước, ông đã đến Bến Tre (1862) và đã để lại nhiều dấu ấn sâu sắc mà nhân dân xem Bến Tre là quê hương của cụ. Truyền thống ấy được nung đúc, lưu giữ và phát huy khi Đảng ta ra đời và đã trở thành bản hùng ca bất tận.

Những hạt giống đỏ cách mạng

Ngày 5-6-1911, tại Bến Nhà Rồng, người thanh niên Nguyễn Tất Thành đã xuống tàu rời Tổ quốc ra đi tìm đường cứu nước. Việt Nam trải qua bao thăng trầm, đất nước lầm than, các cuộc nổi dậy của nhiều sĩ phu yêu nước đều bị dập tắt. Năm 1920, tức 9 năm sau, từ nước Nga Xô Viết, Nguyễn Ái Quốc đã tìm đến chủ nghĩa Mác - Lê-nin, mở ra con đường giải phóng dân tộc. Vào cuối năm 1925 đến tháng 4-1927, Người đến Quảng Châu (Trung Quốc), tại đây, Người đã mở lớp đào tạo về học thuyết Mác - Lê-nin, con đường giải phóng dân tộc cho các thanh niên tiên tiến lúc bấy giờ; đồng thời, thành lập tổ chức Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí hội (tiền thân của Đảng Cộng sản Việt Nam). Ba lớp huấn luyện có 75 học viên trong cả nước, trong đó có các ông như Trần Phú, Phạm Văn Đồng…

Chúng ta vô cùng trân trọng và tự hào trong 75 học viên ấy, ở Bến Tre chúng ta tuy là vùng đất cù lao cách biệt địa lý, đi lại, vận chuyển khó khăn nhưng với tinh thần yêu nước nồng nàn, đã có 5 ông, bà dự lớp học do Nguyễn Ái Quốc trực tiếp giảng dạy gồm: ông Lê Văn Phát (1901 - 1928), làng Mỹ Nhơn, quận Ba Tri; ông Lê Hoàng Chiếu (1903 - 1990), làng Phú Vang, quận An Hóa; ông Trần Ngọc Giải (1904 - 1931), làng Thới Thuận, quận An Hóa; bà Nguyễn Trang Nguyệt (1909 - 1976), làng Mỹ Thạnh, quận Ba Tri; ông Nguyễn Văn Ngọc, làng An Hội, Bến Tre.

Những hạt giống đỏ trên đã góp phần quan trọng trong việc vận động cách mạng để vào ngày 3-2-1930, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời và đến tháng 4-1930, tại làng Tân Xuân, quận Ba Tri, Chi bộ Đảng đầu tiên được thành lập do ông Trần Văn An làm Bí thư Chi bộ.

Nhìn lại lịch sử 95 năm qua từ khi có Đảng, dưới sự lãnh đạo anh minh, sáng suốt của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đất nước ta đã trải qua bao thăng trầm, đau thương mất mát, chấp nhận hy sinh anh dũng vượt qua bao ghềnh thác, bão giông. Dưới sự lãnh đạo của Đảng đã đưa dân tộc ta, đất nước ta vươn lên tầm cao mới, từ một nước thuộc địa, Việt Nam đã sánh vai, gác lại quá khứ, đã trở thành đối tác chiến lược toàn diện với các nước lớn, trong đó có nhiều nước trong thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và tham gia vào các tổ chức quốc tế…

Đã trải qua tôi luyện và trưởng thành, từ những hạt giống đỏ của cách mạng được nhân rộng, lan truyền và lớn mạnh. Dù phải trải qua bao hy sinh mất mát, quê hương Bến Tre đã cùng cả nước hiên ngang anh dũng bước vào cuộc kháng chiến trường kỳ, làm nên một Điện Biên chấn động năm châu, một Chiến dịch Hồ Chí Minh rực rỡ thực hiện chân lý ngời sáng của Bác Hồ “Không có gì quý hơn độc lập tự do”.

Trần Công Ngữ

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN