 |
Thi công đóng tàu đánh bắt xa bờ. |
Yêu nghề, bám biển để sản xuất dù trong điều kiện thời tiết khó khăn, nguy hiểm. Đó là những đức tính tốt đẹp của những người làm nghề biển trên địa bàn xã Bình Thắng, huyện Bình Đại. Những ngư dân này vừa tích cực đánh bắt thủy sản, đóng góp cho xã hội vừa cùng góp phần chung tay bảo vệ biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Anh Hồ Quang Dự, chủ tàu Vạn Phước tâm sự: “Tôi gắn bó với
nghề biển vì ông, cha tôi đã theo nghề suốt nhiều năm qua. Làm nghề biển có
vui, có buồn. Vui nhất là những khi bà con mình đánh bắt được mùa”. Gia đình
anh đã theo nghề đánh bắt thủy sản hơn 50 năm qua, riêng anh Dự đã có dư 15 năm
với nhiều kỷ niệm trong nghề.
Đầu năm 2017, chuyến ra khơi ngày mùng 6 Tết, sau 11 ngày
đi biển, hai tàu đánh bắt của anh bội thu, anh và bạn đi biển lãi hơn 900 triệu
đồng. Kết quả này đã động viên anh và thuyền viên càng cố gắng hơn nữa. Ngoài
ra, anh Dự có 2 cặp tàu cào đôi với công suất lớn (trên 6 ngàn CV), đều tham
gia tổ, đội đánh bắt xa bờ. Anh chia sẻ: “Vào tổ, đội đánh bắt để bà con mình
cùng giúp đỡ, bảo vệ nhau trong lúc hành nghề ngoài biển. Đây cũng là góp phần
bảo vệ biển, đảo của Tổ quốc”.
Ông Đỗ Văn Thuần, chủ tàu Tân Trung Lập, là tổ trưởng Tổ
đánh bắt xa bờ Đoàn Kết. Nghề biển cha truyền con nối đã giúp ông tích lũy được
nhiều kinh nghiệm và phát triển nghề. Gia đình ông Thuần có 7 anh em đều làm
nghề biển, với 18 cặp tàu cào đôi công suất lớn, mỗi chiếc có công suất bình
quân hơn 1,5 ngàn CV đều tham gia tổ, đội đánh bắt.
Hằng ngày, trong những lúc rảnh rỗi, ông Thuần đã phối hợp
với cán bộ xã Bình Thắng và cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Cửa Đại đến các hộ
dân làm nghề biển để vận động ngư dân tham gia tổ đánh bắt xa bờ và tuyên truyền
về biển, đảo. Ông Thuần chia sẻ: “Người dân đã thấy được lợi ích khi vào tổ
đánh bắt là vừa nhằm bảo vệ nhau trong sản xuất, vừa để bảo vệ chủ quyền biển,
đảo của Tổ quốc”.
Ngoài nhiệt tình với công tác tổ, đội đánh bắt, ông Thuần
còn tích cực vận động bà con ngư dân cùng đóng góp xây dựng cầu, đường nông
thôn, ủng hộ các chương trình an sinh xã hội trị giá hàng trăm triệu đồng.
Riêng ông Thuần đã đóng góp hơn 100 triệu đồng. Hiện tại, ông Thuần rất mong muốn
thủy sản của ngư dân Bình Thắng khai thác có được thương hiệu để cạnh tranh với
thị trường và giúp ngư dân bán được giá cao, thu lãi nhiều hơn.
Ông Phạm Thanh Phong - Phó chủ tịch UBND xã Bình Thắng
cho biết: “Anh Dự và ông Thuần là hai trong số nhiều ngư dân tiêu biểu của xã
Bình Thắng. Họ vừa tích cực sản xuất để làm giàu cho chính mình và có nhiều
đóng góp cho xã hội”. Từ tháng 5 đến tháng 10 (âm lịch) là khoảng thời gian thuận
lợi cho khai thác, đánh bắt thủy sản, hy vọng người dân làng biển Bình Thắng sẽ
có nhiều chuyến ra khơi bội thu để cùng góp phần làm giàu cho quê hương.
Bình Thắng
hiện có 36 tổ đánh bắt xa bờ, với 173 chủ tàu và 495 tàu. 6 tháng đầu năm
2017, sản lượng đánh bắt thủy sản tại xã đạt trên 30,4 ngàn tấn tôm cá các loại,
đạt trên 50,6% kế hoạch năm và tăng 100 tấn so với cùng kỳ năm 2016. |