Nỗ lực cung cấp nước ngọt trong mùa hạn mặn

21/02/2024 - 05:25

BDK - Thông tin từ Đài Khí tượng thủy văn tỉnh, từ đầu mùa khô đến nay, đợt xâm nhập mặn từ ngày 7 đến 13-2-2023 là đợt xâm nhập mặn sâu nhất. Độ mặn 4‰ xâm nhập cách cửa sông từ 44,6 - 53km; độ mặn 1‰ xâm nhập cách cửa sông từ 52,5 - 70km. Điều đáng ghi nhận, các ngành chức năng, địa phương, các nhà máy nước (NMN), công ty, doanh nghiệp cung cấp nước đã chủ động trong phòng chống hạn mặn năm 2023-2024.

Chủ tịch UBND tỉnh Trần Ngọc Tam khảo sát cống ngăn mặn, trữ ngọt trên địa bàn huyện Giồng Trôm.

Chủ tịch UBND tỉnh Trần Ngọc Tam khảo sát cống ngăn mặn, trữ ngọt trên địa bàn huyện Giồng Trôm.

Chia sẻ nguồn nước

Theo Tổng giám đốc Công ty cổ phần Cấp thoát nước Bến Tre Trần Thanh Bình, thời gian qua, công ty thường xuyên theo dõi chặt chẽ diễn biến mặn qua 5 trạm quan trắc (3 trạm trên sông Hàm Luông: trạm Mỹ Hóa gần khách sạn Dừa, trạm gần cống sông Mã, trạm phà Tân Phú; 2 trạm trên sông Tiền: trạm An Hóa gần cầu An Hóa trên sông An Hóa, trạm cống Tân Phú). Theo dõi bản tin của ngành thủy văn và kết hợp với Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Bến Tre vận hành hệ thống các đập ngăn mặn. Đến thời điểm hiện tại, tất cả các NMN của công ty cung cấp nước đến khách hàng có độ mặn không vượt tiêu chuẩn cho phép; đều nằm trong giới hạn cho phép về độ mặn theo quy chuẩn kỹ thuật địa phương QCĐP 01:2022/BTr (độ mặn < 300mg/I C1-).

Phó giám đốc Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh Nguyễn Xuân Hòa cho biết, hiện trung tâm quản lý 32 NMN. Trong đó, có 27 NMN vận hành cấp nước và 5 NMN đã thực hiện hòa mạng để đảm bảo hiệu quả cấp nước cho người dân sử dụng. Hiện số hộ dân sử dụng nước từ các NMN là 98 ngàn hộ. Trong đó, có khoảng 13 ngàn hộ chịu ảnh hưởng mặn có độ mặn trên 1‰, còn lại là dưới 1‰. 15 ngàn hộ độ mặn thấp hơn 0,5‰. So với cùng kỳ năm 2023, tình hình xâm nhập mặn tại các NMN trực thuộc trung tâm có tăng. Trung tâm đã phối hợp triển khai đồng bộ các giải pháp phi công trình và giải pháp công trình. Nhờ công tác truyền thông, vận động sâu rộng của các cấp, các ngành, địa phương, nguồn nước dự trữ trong nhân dân đã được chủ động, đủ đảm bảo nhu cầu thiết yếu trong sinh hoạt hàng ngày, tác động của xâm nhập mặn đến nguồn nước sinh hoạt trong thời điểm này còn thấp.

Từ đầu mùa hạn mặn đến nay, trung tâm vận hành các mạng lưới cấp nước đã kết nối, chuyển nước ngọt từ các NMN có nước ngọt/độ mặn thấp đến mạng lưới cấp nước của NMN nơi có độ mặn cao, đủ đáp ứng nhu cầu thiết yếu của người dân trong dịp Tết và mùa khô năm 2023-2024. Linh hoạt vận hành trạm bơm nước thô tại các NMN Tân Mỹ (Ba Tri), Châu Bình (Giồng Trôm), Thới Lai (Bình Đại) ứng với thời điểm độ mặn nước nguồn thay đổi trên sông chính. Trung tâm đã phối hợp với Công ty cổ phần Cấp thoát nước Bến Tre cấp nước qua đồng hồ tổng tại 3 NMN Tân Thành Bình, Thanh Tân, Tân Phú Tây, huyện Mỏ Cày Bắc (bắt đầu từ ngày 29-1-2024, sản lượng trung bình khoảng 100 - 150m3/ngày đêm). Trung tâm tiếp tục tăng cường mua nước qua đồng hồ tổng từ Công ty cổ phần Sản xuất và thương mại N.I.D để đảm bảo lưu lượng cấp nước tăng cao trong dịp Tết Nguyên đán 2024 (sản lượng trung bình khoảng 3 ngàn m3/ngày đêm)…

Giải pháp thời gian tới

Thông tin từ Giám đốc Đài Khí tượng thủy văn tỉnh Đặng Hoàng Lam, trong tháng 3-2024, xuất hiện 2 đợt xâm nhập mặn: đợt 1 từ ngày 5 đến 13-3-2024 và đợt 2 từ ngày 23 đến 31-3-2024. Trong tháng 4-2024, xuất hiện 2 đợt xâm nhập mặn: đợt 1 từ ngày 5 đến 12-4-2024 và đợt 2 từ ngày 25-4 đến 1-5-2024. Trong tháng 5-2024, xuất hiện 2 đợt xâm nhập mặn: đợt 1 từ ngày 6 đến 12-5-2024 và đợt 2 từ ngày 19 đến 25-5-2024. Trong tháng 6-2024, xuất hiện 2 đợt xâm nhập mặn: đợt 1 từ ngày 31-5 đến 6-6-2024 và đợt 2 từ ngày 13 đến 20-6-2024. Tình hình xâm nhập mặn trên địa bàn tỉnh diễn biến phụ thuộc vào nguồn nước từ thượng nguồn sông Mê Kông, nhu cầu sử dụng nước trên lưu vực sông Mê Kông, triều cường, gió chướng... Trường hợp vào tháng 3 đến tháng 6-2024, khu vực tỉnh nhận được nguồn nước do vận hành thủy điện trên sông Mê Kông thì xâm nhập mặn sẽ giảm hơn so với dự báo hiện nay.

Theo Tổng giám đốc Công ty cổ phần Cấp thoát nước Bến Tre Trần Thanh Bình, UBND tỉnh đã cho chủ trương triển khai đắp đập tạm Bến Rớ, tạo túi nước ngọt cho trạm bơm Cái Cỏ (công suất 47 ngàn m3/ngày đêm); bơm nước thô ngọt cho NMN An Hiệp và Sơn Đông, phục vụ cho 2 khu công nghiệp An Hiệp và Giao Long, TP. Bến Tre và 2 huyện Mỏ Cày Bắc, Mỏ Cày Nam. Triển khai lắp đặt 2 thuyền bơm tại đập tạm Thành Triệu để bơm nước ngọt khi triều thấp vào lưu vực trữ nước Tam Dương và sông Mã để đảm bảo nước ngọt cung cấp cho NMN Sơn Đông. Kết hợp với huyện Châu Thành và Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi tỉnh vận hành các cống dọc sông Hàm Luông và sông Tiền để tích trữ nước ngọt vào nội đồng, các khu vực trữ nước hợp lý, đảm bảo nước không bị nhiễm mặn. Đối với khu vực Giồng Trôm, tiếp tục duy trì mua nước qua đồng hồ tổng của NMN Bình Hòa đã xử lý qua RO bơm nước ra mạng, với công suất 8 ngàn m3/ngày đêm phục vụ cho người dân và doanh nghiệp thuộc vùng phục vụ của công ty. Đồng thời, công ty khuyến khích người dân sử dụng nước tiết kiệm trong mùa khô, hạn mặn năm nay…

Theo Phó giám đốc Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh Nguyễn Xuân Hòa, trong thời gian tới, trung tâm tiếp tục triển khai các giải pháp cấp nước để đảm bảo nguồn nước sinh hoạt thiết yếu cho người dân sử dụng. Ngoài ra, trung tâm còn quản lý 29 hệ thống lọc mặn RO tại các NMN, công suất thấp nhất 2m3/giờ và cao nhất 10m3/giờ sẵn sàng hoạt động để người dân có nhu cầu đến lấy nước phục vụ sinh hoạt.

“Để ứng phó xâm nhập mặn, cấp nước trong thời gian tới, cần tiếp tục tăng cường công tác thông tin về diễn biến, tình hình xâm nhập mặn. Tuyên truyền, vận động nhân dân, doanh nghiệp tích cực trữ nước ngọt để phục vụ chăn nuôi và tưới cho cây trồng, nâng cao ý thức người dân trong việc sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả. Thực hiện tốt công tác dự báo, cảnh báo tình hình nguồn nước, xâm nhập mặn để phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành. Các đơn vị cấp nước thường xuyên theo dõi diễn biến, tình hình xâm nhập mặn; chủ động vận hành phương án cấp nước ngọt để phục vụ cho người dân...”.

(Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đoàn Văn Đảnh)

Bài, ảnh: Trần Quốc

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN