Cán bộ, chiến sĩ tiến hành nghi thức di quách hài cốt liệt sĩ đến vị trí mộ theo sơ đồ trong buổi lễ cải táng.
Việc làm ý nghĩa
Theo thông tin và hội nghị xác định thông tin hài cốt liệt sĩ ở nghĩa trang tạm thời chiến tranh thuộc ấp Bình Phú, xã Châu Bình ngày 22-6-2023, tại khu vực đất đình cũ cũng là nghĩa trang tạm thời chiến tranh được xây dựng năm 1961 đến đầu năm 1962 xây dựng Tượng đài Tổ quốc ghi công, diện tích 2.000m2, tọa lạc tại ấp Bình Phú, xã Châu Bình, huyện Giồng Trôm, với số lượng chôn cất nhiều. Từ thông tin nhiều cán bộ hưu trí, cán bộ lão thành cách mạng cung cấp, từ năm 1961 - 1968, có hơn 100 liệt sĩ hy sinh ở các trận đánh ác liệt tại các xã Châu Bình, Phong Nẫm, Phong Mỹ, Châu Hòa. Đa số liệt sĩ không phải người của địa phương, nhiều nhất là ở huyện Bình Đại, đi bộ đội thuộc các đơn vị d6, d261 và 268 địa phương quân huyện Bình Đại đã hy sinh rất nhiều trận Mậu Thân năm 1968.
Theo ông Đào Minh Huệ, cán bộ lão thành cách mạng xã Châu Bình, huyện Giồng Trôm cho biết: “Hôm nay tổ chức tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ với số lượng rất đông, khả năng còn sót rất nhiều, chúng ta tiếp tục cố gắng tìm ngay khu vực này vẫn còn hài cốt liệt sĩ sót lại. Mong rằng bộ phận tìm kiếm cố gắng tìm kiếm tất cả khu vực nghĩa trang tạm này để đưa những đồng chí, đồng đội được về yên nghỉ tại nghĩa trang”.
Từ ngày 12 đến 19-7-2023, Ban Chỉ đạo 515 tỉnh, huyện đã tiến hành tìm kiếm, cất bốc được 121 hài cốt liệt sĩ. Việc tìm kiếm, cất bốc hài cốt liệt sĩ về nghĩa trang để chăm lo mộ phần là chủ trương, chính sách lớn của Đảng, Nhà nước và tỉnh là một trong những địa phương thực hiện khá tốt công tác này. 121 bộ hài cốt liệt sĩ đã được Ban Chỉ đạo 515 tỉnh tổ chức lễ cải táng vào lúc 15 giờ ngày 26-7-2023.
Tiếp tục công tác tìm kiếm, quy tập
Để thực hiện tốt công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới, Đại tá Lê Văn Hùng - Chính ủy Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Phó trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo 515 tỉnh cho biết: Những năm tới, địa hình sẽ có nhiều thay đổi, nhân chứng hiểu biết về thông tin mộ, hài cốt liệt sĩ đã lớn tuổi không còn nhớ rõ nên công tác thu thập thông tin về liệt sĩ và mộ liệt sĩ càng gặp khó khăn. Vì vậy, để thực hiện tốt việc tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ và Đề án xác định hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin trên địa bàn tỉnh cần tập trung vào một số nội dung chủ yếu. Đó là tiếp tục quán triệt, triển khai thực hiện có hiệu quả các văn bản của Đảng, Nhà nước về công tác quy tập, tìm kiếm hài cốt liệt sĩ. Đẩy mạnh hoạt động thông tin, tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức và huy động sự tham gia của nhân dân, đồng đội, thân nhân liệt sĩ báo tin và cung cấp thông tin, tài liệu liên quan đến liệt sĩ, mộ và hài cốt liệt sĩ. Nâng cao trách nhiệm của các cấp, các ngành đối với công tác tìm kiếm, quy tập và xác định danh tính hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin. Cần có sự phối hợp chặt chẽ của các ban, ngành, đoàn thể, địa phương, đặc biệt là phát huy vai trò của Hội Cựu chiến binh các cấp trong việc tuyên truyền, vận động cung cấp thông tin về liệt sĩ, mộ liệt sĩ.
Quan điểm của Ban Chỉ đạo 515 tỉnh là tiếp tục công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ với tinh thần quyết tâm, nỗ lực tìm kiếm đến khi nào không còn thông tin về mộ và hài cốt liệt sĩ.
“Thực hiện tốt công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ là thể hiện tình cảm, trách nhiệm tri ân đối với đồng chí, đồng đội đã anh dũng hy sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc và làm nghĩa vụ quốc tế cao cả. Vì vậy, lãnh đạo, chỉ huy các cấp, các cơ quan chức năng của tỉnh, các địa phương cần tăng cường hơn nữa công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện nhiệm vụ tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ. Xác định rõ đây là nhiệm vụ quan trọng của các tổ chức Đảng và các cấp chính quyền, trong đó các đơn vị quân đội là lực lượng nòng cốt”.
(Đại tá Lê Văn Hùng - Chính ủy Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh,
Phó trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo 515 tỉnh)
|
Bài, ảnh: Đặng Thạch