Trước đây khi xe gắn máy còn là thứ xa xỉ, đường nông thôn chưa được bê-tông hóa, khi chưa có những cây cầu dài cả kí-lô-mét nối liền hai huyện, mỗi dịp Tết đến, cả gia đình tôi thường về quê nội bằng ghe máy.
Phải rồi, hai mươi năm trước, ghe xuồng là phương tiện di chuyển chính của người dân miệt sông nước mình. Đường về quê nội khi đó không tính bằng cây số mà tính bằng giờ.
Năm trước, khi chia tay nhau, ba tôi cùng các chú, các cô hẹn: “Năm sau mùng Một nha anh”, hay “Năm tới, mùng Ba nghen chú út”. Vậy là chúng tôi nhớ lời hẹn đó, nhớ thật kỹ. Chứ khi ấy điện thoại di động chưa có, rất khó liên lạc với nhau để nhắc nhau. Không thể như bây giờ gửi một tin nhắn mười nhà cùng đọc.
Cứ nhớ lời hẹn như thế, năm giờ sáng là chúng tôi thức dậy mặc quần áo mới, ba mẹ bắt gà bắt vịt, các anh chị phụ túm thịt kho, mắm tép, bánh mứt… đem theo dành biếu. Cả nhà cùng ngồi trên ghe máy, gió xuân có khi lạnh tím cả tay nhưng lòng ai cũng nôn nao hồi hộp. Chặng đường về nội của chúng tôi dài cả hai tiếng đồng hồ. Từ sông nhỏ trổ ra sông lớn, cắt ngang một con sông lớn lại vào sông nhỏ mới đến nhà nội.
Cái động cơ tành tạch gắn trên ghe của nhà tôi được gọi là “máy đuôi tôm”. Đôi khi ba mẹ phải ì ạch giật dây khởi động, chứ không phải loại hiện đại chỉ cần ấn nút là xong. Chưa kể đôi lúc bị chết máy giữa sông, với trăm ngàn lý do. Nào là máy bị đứt dây điện do chuột cắn, máy lâu ngày không chạy nên nhớt đóng cặn, do xăng có pha tạp chất. Vậy là ba ì ạch khởi động lại máy, mẹ và anh cầm dầm và mấy tấm ván bơi mạnh tay để ghe không bị trôi ngược lại theo dòng nước. Những ngày cận Tết trời lại trở gió chướng khiến sông lớn nổi sóng to, ghe lắc lư rất dữ.
Đường về quê nội thành ra lâu thêm và có phần hồi hộp hơn.
Tôi là đứa con nhỏ nhất nhà, khi ấy chỉ biết ngồi yên, tay bám chặt vào ghe. Lênh đênh giữa sông lớn, tôi nhìn xa xa chỉ thấy một đường màu đen ở cuối chân trời. Đường màu đen ấy là bờ. Ghe càng gần bờ, màu đen càng rõ nét và chuyển dần sang màu xanh của cây cối. Lúc ấy, điều tôi mong chờ nhất là thấy một cái chấm cao nhất bên trên nền viền đường màu đen kia. Cái chấm ấy chính là ngọn của cây quao già, nó già đến mức ba tôi cũng không rõ là nó có từ khi nào. Người ta cũng quen gọi cái ngã ba đó là ngã ba Cây Quao. Với tôi, cây quao đó, chấm đen đó là nhà nội. Mỗi khi thấy cái chấm đen ấy thì những con sóng trên sông lớn không còn đáng sợ nữa. Ba mẹ, anh chị tôi cũng vui ra mặt. Cứ hướng chiếc ghe máy thẳng tiến đến cái chấm đen ấy là cả nhà tôi được nghỉ ngơi, được họ hàng chào đón, được ăn bánh mứt, được lì xì.
Bây giờ cầu đã nối liền sông, đường rộng mở đến ô tô tải cũng vào được, gia đình ai cũng có xe máy riêng, thời gian về quê nội đã được rút ngắn. Tôi chạy trên đường nhựa nên không còn chờ nhìn thấy ngọn cây quao nữa. Tôi đến cái cổng chào đơn sơ, có đề “Khu phố 6” thì quẹo vào, chạy thêm năm phút nữa là vào nhà nội.
Ba tôi tuổi đã cao, ngồi xe lâu thì đau lưng, đuối người. Nên khi thấy cái cổng ấy, ba hay kêu lên: “Tới rồi, tới rồi”. Cảm giác sao giống như tôi lúc nhỏ khi thấy ngọn cây quao quá!
Cái ngọn quao xa xa trông như cái chấm đen trên nền trời xanh và cái cổng chào tróc sơn đều đơn sơ, bình dị. Nhưng khi thấy chúng, lòng chúng tôi đều nôn nao, cồn cào. Đâu cần chi to lớn, lấp lánh, miễn nơi đó là dấu hiệu thân thuộc của quê nhà.
Tạp văn Trương Văn Tuấn