Nông dân Đại Điền sản xuất cây mai vàng và kiểng lá

03/05/2023 - 06:27

BDK - Năm 2022, Hội Nông dân xã Đại Điền (Thạnh Phú) phối hợp với ban, ngành và đoàn thể địa phương cùng Chi bộ ấp Quí Mỹ xây dựng “Dự án đầu tư sản xuất kiểng lá, mai vàng, cây nho” kết hợp tham quan du lịch trên diện tích 3,2ha (2ha kiểng lá, 1ha mai vàng và 0,2ha cây nho). Với 2ha chuyên canh trồng kiểng lá được tiểu thương và các tiệm hoa tươi ở địa phương và TP. Hồ Chí Minh thu mua với giá ổn định. Doanh thu kiểng lá từ 150 - 200 triệu đồng/1.000m2, tương ứng 2 tỷ đồng/năm, lợi nhuận gần 1 tỷ đồng/năm sau khi trừ hết các khoản chi phí.

Anh Nguyễn Văn Út chăm sóc kiểng lá và mai vàng của gia đình.

Anh Nguyễn Văn Út chăm sóc kiểng lá và mai vàng của gia đình.

“Năm 2001, tôi bắt đầu trồng kiểng lá dưới tán mai vàng. Xung quanh nhà có diện tích khoảng 4 công, tôi chủ yếu trồng mai vàng và xen ít kiểng lá. Cách nhà chừng 400m (ấp Quí Mỹ) thì trồng thêm 7 công kiểng lá dưới tán mai vàng, trong đó kiểng lá là chủ đạo. Gia đình đã xây dựng được 2 hồ trữ nước ngọt, bằng cách trải bạt đen lót ao tôm. Xung quanh mỗi diện tích trồng kiểng lá có 1 ao chứa nước ngọt (khoảng 500m3 nước/hồ) để chủ động nguồn nước tưới trong điều kiện hạn, mặn xâm nhập”, anh Nguyễn Văn Út (46 tuổi, ngụ Tổ nhân dân tự quản số 3, ấp Quí Mỹ) tâm sự.

Người dân xã Đại Điền trồng xen kiểng lá dưới tán mai vàng, với hơn 20 loại như: Ánh dương, da Nhật, đinh lăng, kim thủy chung, hoàng kim, khóm kiểng, kim giao, trúc bách hợp, trúc đốm... Để trồng kiểng lá đạt hiệu quả, người trồng thiết kế tạo liếp từ 0,8 - 1m. Trồng theo quy cách kết tầng, tạo thu nhập bình ổn trên cùng diện tích.

Theo người dân Đại Điền, trồng xen kiểng lá dưới tán mai vàng có lợi trong việc canh tác cây trồng, chăm sóc mai vàng đồng thời chăm bón cho kiểng lá và thu nhập hơn 10 lần so với trồng dừa.

Ông Nguyễn Văn Kim, sinh năm 1950 (ấp Quí Mỹ) chia sẻ: “Gia đình tôi tiên phong trồng kiểng lá ở địa phương. Lúc đầu, tôi trồng xen khoảng 3 ngàn cây thiên tuế trong 9 ngàn m2 dừa. Cắt hạ dừa đến đâu thì trồng kiểng lá đến đó, ước chừng khoảng 7 - 8 năm hoàn tất. 5 năm trước, gia đình mua thêm 6 công đất và thuê 3 ngàn m2 đất vườn dừa (giá thuê 4 triệu đồng/công/năm) để trồng kiểng lá. Qua thời gian, tôi nhân giống kiểng lá để trồng dưới tán mai vàng của toàn bộ diện tích 19 công đất của gia đình. Mỗi ngày, tôi thuê 18 nhân công canh tác và thu hoạch kiểng lá (nữ 150 ngàn đồng/ngày và nam 220 ngàn đồng/ngày). Mỗi tháng, tôi thu nhập hơn 100 triệu đồng/tháng, lợi nhuận 15 triệu đồng khi trừ hết mọi chi phí”.

Đến nay, xã Đại Điền đã có khoảng 20 hộ dân trồng kiểng lá, tạo thu nhập cho gia đình, giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động địa phương với thu nhập từ 5 triệu đồng trở lên/tháng. Với 1ha mai vàng cho lợi nhuận gần 200 triệu đồng/năm sau khi trừ chi phí.

Chủ tịch Hội Nông dân xã Đại Điền Phạm Trần Phương Linh cho biết: Thời gian tới, để phát triển và nhân rộng mô hình trồng kiểng lá, hội tiếp tục tuyên truyền về hiệu quả của mô hình này trên địa bàn toàn xã. Tham mưu với Đảng ủy, UBND xã cùng các ngành có liên quan tổ chức và chuyển giao khoa học kỹ thuật cho người trồng kiểng lá. Tập trung xây dựng tổ hợp tác về kiểng lá ở địa phương. Từ đó, hỗ trợ vốn và định hướng kinh tế đa giá trị cho người trồng, xây dựng chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp. Phát triển sản xuất nông nghiệp kết hợp du lịch, tạo thu nhập bền vững và giới thiệu đặc trưng địa phương cho du khách trong và ngoài tỉnh. 

Bài, ảnh: Lê Đệ

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN