
Nhiều sản phụ “vượt cạn” tại Khoa Sản, Bệnh viện Nguyễn Đình Chiểu.
Hiện nay, 100% trạm y tế xã trên địa bàn tỉnh có nữ hộ sinh hoặc y sĩ sản nhi làm nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu cho bà mẹ, trẻ em theo quy định của Bộ Y tế. Trong đó, vai trò quan trọng của lực lượng này chỉ phát huy được tại một số ít trạm. Phần lớn trạm, nghề hộ sinh dần mai một, giờ chỉ còn “vang bóng một thời” theo quy luật phát triển của xã hội.
Vinh quang mà lắm gian truân
Theo các nhân viên y tế có thâm niên tuyến xã, khoảng 20 - 30 năm trước, tuyến y tế cơ sở còn hạn chế, khan hiếm nhân viên phụ trách hộ sinh. Kêu gọi, điều động hộ sinh, y sĩ chuyên khoa về xã công tác là việc vô cùng khó khăn. Thời đó, trạm y tế nào có cán bộ phụ trách sinh sản là niềm vui, hạnh phúc của trạm và người dân địa phương. Ông Đặng Hoàng Hài - Trưởng Trạm Y tế An Điền, huyện Thạnh Phú cho biết: “Hồi ấy, tại trạm y tế xã nhiều nữ hộ sinh lần lượt đến rồi đi. Người đỡ đẻ thời trước hiếm hoi, rất được người dân và ngành y tế trọng dụng”.
Khoảng năm 1999, Trạm Y tế xã An Điền còn là khu nhà cấp 4 ọp ẹp, nữ y sĩ sản nhi Phạm Thị Ngọc Hà tình nguyện về phục vụ tại địa phương. Có những ca sinh đêm phải chong đèn dầu đỡ đẻ. Tiếng khóc chào đời của trẻ, nụ cười hạnh phúc người mẹ sau sinh là kỷ niệm khó quên và là động lực để chị Hà phấn đấu gắn bó với nghề “vinh quang mà lắm gian truân”.
Tốt nghiệp Trường Trung học Y tế tỉnh, chị Hà nhận nhiệm vụ tại Khoa Sản Bệnh viện Đa khoa huyện. Sau 2 tháng công tác, chị tình nguyện xin về Trạm Y tế An Điền với suy nghĩ “miễn chăm sóc nhân dân thì nơi nào cũng phục vụ”. Vượt qua quãng đường gần 30km từ nhà đến chỗ làm; trong đó, đi xe 24km, 6km di chuyển bằng “xe hai cẳng”, chị gắn bó với Trạm Y tế An Điền với tất cả tinh thần trách nhiệm trong công việc và niềm tin tưởng của người dân. Theo ông Đặng Hoàng Hài, nữ y sĩ sản nhi Phạm Thị Ngọc Hà là người bền chặt với địa phương và được lòng của nhiều người dân trong và ngoài xã.
“Trung bình mỗi năm, Trạm Y tế An Điền quản lý từ 105 đến 110 bà mẹ. Trong đó, có trên 50% sản phụ nài nỉ ở lại trạm để cô Hà đỡ sinh. Trước năm 2015, có từ 60 - 70 trường hợp sản phụ sinh tại trạm. Vài năm trở lại đây, số người đến sinh tại xã thưa thớt đi”, ông Đặng Hoàng Hài cho biết thêm.
Tận tâm và trách nhiệm
Được hỏi về kinh nghiệm thu hút bệnh nhân, chị Hà cho biết, với nghề, chị chưa bao giờ lơ đễnh. Trong suy nghĩ của chị, “nghề dạy người” nên ngay từ khi còn là sinh viên, bản thân chị đã hăng say khi được tham gia thực tập tại các bệnh viện. Chị luôn ý thức trau dồi nghiệp vụ, mỗi đợt thực tập chị đỡ đẻ vượt chỉ tiêu từ 5 - 6 ca. Nhờ đó, khi ra trường, chị rất tự tin với khả năng của mình và sẵn sàng tiếp nhận các ca sinh khi sản phụ yêu cầu.
Với tổng số 7 ca sinh trong năm 2017, Trạm Y tế xã An Điền luôn dẫn đầu về số ca sinh ghi nhận tại trạm trong nhiều năm qua. Vững tay nghề và sự tự tin sẵn có của chị Hà, 100% ca được sinh tại trạm đều an toàn. Dẫu vậy, không ít lần chị phải cân não vì những trường hợp sinh khó, chuyển dạ lâu. Trong ký ức của chị Hà, cách đây 10 năm, chị tiếp nhận ca sinh lâu, đứa bé sinh ra bị ngạt. Bằng tất cả kinh nghiệm và linh hoạt vận dụng kiến thức đã học, chị hô hấp, xoa bóp lồng ngực, tim… Kết quả khoảng 20 phút, chị cấp cứu thành công, bé đã bật tiếng khóc trong nước mắt của cả gia đình.
Gần đây nhất, năm 2017, tiếp nhận sản phụ có dấu hiệu chuyển dạ, nhưng khi lên bàn sinh, không nghe được tim thai. Tiên lượng ca sinh nguy hiểm, nhưng trong thời khắc sinh tử của sản phụ và thai nhi dù có chuyển viện cũng không thành công. Do đó, chị trao đổi và tư vấn với người nhà trường hợp xấu nhất có thể xảy ra. Sau khi được sự đồng ý của người nhà sản phụ, chị tiến hành gắn dịch truyền cho sản phụ giúp giữ mạch và hỗ trợ ca sinh thành công ngoài mong đợi.
Tháng 1-2018, chị Hà đã thực hiện tiếp 2 ca sinh thành công. Hiện tại, có 32 sản phụ của xã An Điền, Thạnh Hải, Mỹ An được quản lý, theo dõi chăm sóc tại Trạm Y tế An Điền. Được hỏi về cảm xúc trong những lần đỡ đẻ, chị Hà chia sẻ: “Có rất nhiều tình huống khó lường trước. Điều quan trọng là mình phải thật bình tĩnh, quyết đoán và cố hết sức để các đứa trẻ đến với cuộc sống một cách bình an nhất”.
Theo chị Hà, “một sai sót nhỏ có thể gây ra hậu quả nặng nề, không gì cứu vãn”. Do đó, chị không ngừng trau dồi nghiệp vụ và hoàn thành tốt nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em của địa phương.
Nghề của “muôn năm cũ”
Bác sĩ Lương Minh Tuấn - Trưởng Phòng Kế hoạch - Tài chính, Sở Y tế cho biết, theo quy định bố trí nhân sự của Bộ Y tế, mỗi trạm y tế đều có 1 nữ hộ sinh hoặc y sĩ sản nhi để chăm sóc sức khỏe ban đầu cho bà mẹ và trẻ em. Tuy nhiên, điều kiện xã hội ngày càng phát triển, hầu hết người dân đăng ký thăm khám thai kỳ tại các bệnh viện tuyến huyện, tỉnh hoặc các phòng khám tư nhân.
Năm 2017, toàn tỉnh chỉ có 19/164 trạm y tế xã, phường có ghi nhận ca sinh. Hiện tại, các nữ hộ sinh tuyến xã chủ yếu là phụ trách chương trình kế hoạch hóa gia đình, HIV/AIDS, tiêm chủng, phòng chống suy dinh dưỡng… Một số trạm, nữ hộ sinh chưa một lần đỡ đẻ, thậm chí không ít trường hợp nữ hộ sinh lúng túng và không cần do dự cho chuyển tuyến khi có ca sinh vào trạm. Một nữ hộ sinh bộc bạch: “Dù đào tạo chính quy nhưng nhiều năm tiếp xúc với văn bản, giấy tờ nên rất ngại và không đủ tự tin để thực hiện ca sinh”.
Theo tìm hiểu, phần lớn trạm y tế theo dõi thai kỳ và khuyến khích sản phụ đăng ký sinh tại các bệnh viện huyện, tỉnh trong tháng cuối của thai kỳ. Bên cạnh đó, với xu hướng “tuyến trên”, nhiều người dân “ngó lơ” với hộ sinh tuyến xã. Không riêng các nữ hộ sinh đang trong nghề, mà ngay cả các bạn sinh viên đang được đào tạo tại các trường có uy tín cũng băn khoăn khi được hỏi về xã phục vụ.
Bạn N.T.O.K đang theo học năm cuối khóa y sĩ sản nhi tại Trường Trung cấp Phương Nam (TP. Hồ Chí Minh) cho biết: “Dự định sau khi tốt nghiệp, em chọn một phòng khám trên thành phố để tích lũy kinh nghiệm. Sau đó, có điều kiện sẽ học thêm hoặc xin làm tại bệnh viện của thành phố. Chuyện về xã em không nghĩ tới”. Theo N.T.O.K, để học hỏi và phát triển tay nghề, y tế xã không phải là điều kiện tốt.
Có thể nói, với xu thế ngày càng phát triển của xã hội và nhu cầu chăm sóc sức khỏe ngày càng cao của người dân, tay nghề nữ hộ sinh tuyến xã sẽ dần mai một...
Bài, ảnh: Phan Hân
Bài, ảnh: Phan Hân