Nữ tướng Nguyễn Thị Ðịnh “sinh vi tướng, tử vi thần”

13/01/2025 - 05:16

BDK - Tên tuổi của cô Nguyễn Thị Định (cô Ba Định) gắn liền với phong trào Đồng khởi Bến Tre, với “Đội quân tóc dài” làm cho quân thù khiếp sợ. Đến năm 1974, cô Ba Định được phong hàm Thiếu tướng và trở thành nữ tướng đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam. Năm 1965, Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: “Phó Tổng tư lệnh quân giải phóng là cô Nguyễn Thị Định. Cả thế giới chỉ nước ta có vị tướng quân gái như vậy. Thật là vẻ vang cho miền Nam, cho cả dân tộc ta”.

Tên tuổi của Nữ tướng Nguyễn Thị Định gắn liền với thắng lợi của phong trào Đồng khởi, “Đội quân tóc dài” với phương châm đánh địch bằng 3 mũi giáp công. (Ảnh tư liệu)

Cuộc đời và sự nghiệp

Chúng tôi về thăm lại Khu đền thờ Nữ tướng Nguyễn Thị Định, khi mà tỉnh đang tập trung chuẩn bị cho lễ kỷ niệm 125 năm Ngày thành lập tỉnh Bến Tre (1-1-1900 - 1-1-2025); 65 năm Ngày Bến Tre Đồng khởi (17-1-1960 - 17-1-2025); Ngày truyền thống tỉnh Bến Tre 17-1; tôn vinh và trao tặng danh hiệu “Công dân Đồng Khởi tiêu biểu”; “Công dân Đồng Khởi danh dự” tỉnh lần thứ tư năm 2025 và khánh thành công trình chỉnh trang, nâng cấp Khu lưu niệm Nguyễn Thị Định.

Sinh năm 1920, trong một gia đình có truyền thống cách mạng của xã Lương Hòa - Giồng Trôm, năm 1936, vừa tròn 16 tuổi, cô Ba Định bắt đầu tham gia cách mạng. Hai năm sau (1938), cô được đứng vào hàng ngũ Đảng Cộng sản Đông Dương.

Năm 1940, cô lại bị Pháp bắt và biệt giam tại nhà tù Bà Rá, tỉnh Sông Bé (nay thuộc tỉnh Bình Phước). Năm 1943, ra tù trở về Bến Tre, cô Ba liên lạc với tổ chức Đảng, chính quyền cách mạng của tỉnh và tham gia giành chính quyền vào tháng 8-1945. Tuy còn ít tuổi nhưng nhờ có ý chí kiên cường, lòng yêu nước mãnh liệt, lại nhiều mưu trí nên cô Ba Định được Tỉnh ủy chọn làm thuyền trưởng chuyến đầu tiên vượt biển ra Bắc báo cáo với Đảng và Bác Hồ về tình hình chiến trường Nam bộ và xin vũ khí chi viện.

Trong thời kỳ chiến tranh chống Mỹ - Diệm ác liệt, vai trò, tên tuổi của cô Ba Định gắn liền với thắng lợi của phong trào Đồng khởi Bến Tre (17-1-1960) đã trở thành biểu tượng kháng chiến kiên cường bất khuất, tiêu biểu cho phong trào cách mạng miền Nam, chuyển từ thế phòng ngự, bảo toàn lực lượng, sang thế tấn công, dẫn đến thắng lợi hoàn toàn. Sinh thời, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đã từng nói: “Một người phụ nữ đã chỉ huy thắng lợi cuộc Đồng khởi ở Bến Tre thì người đó rất xứng đáng được làm tướng và ở trong Bộ Tư lệnh đánh Mỹ”. Năm 1965, bà được phong quân hàm Thiếu tướng quân đội nhân dân Việt Nam, và được giao giữ chức Phó tổng Tư lệnh quân giải phóng miền Nam đến năm 1975.

Từ sau ngày miền Nam được giải phóng, thống nhất đất nước, cô Ba Định đã giữ nhiều chức vụ trọng trách mới cùng Đảng và Nhà nước ta lãnh đạo thành công việc thực hiện công cuộc đổi mới, phát triển đất nước. Cô nhận được nhiều phần thưởng cao quý mà Đảng và Nhà nước ta cũng như thế giới đã trao tặng.

Để tri ân công lao đóng góp của Nữ tướng Nguyễn Thị Định, ngày 30-8-1995, Nữ tướng Nguyễn Thị Định được Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. GS Trần Văn Giàu nói “Những người như chị sống làm tướng, chết thành thần”. Đúng vậy, đền thờ bà đã được xây dựng và khánh thành vào ngày 20-12-2003 để nhân dân đến viếng và thắp hương tưởng niệm.

Linh hồn phong trào Đồng khởi 1960

Dành phút mặc niệm để tưởng nhớ đến vị nữ tướng tài ba, người lãnh đạo thành công phong trào Đồng khởi năm xưa, người góp phần lãnh đạo và xây dựng nên “Đội quân tóc dài huyền thoại” và sáng tạo nên phương thức đấu tranh 3 mũi giáp công “binh vận, chính trị kết hợp vũ trang”.

Trong suốt quá trình tham gia cách mạng, cô Ba có mặt ở hầu hết các chiến trường. Năm 1945, đến tháng 3-1946, cô Ba được Tỉnh ủy chọn làm thuyền trưởng chuyến tàu đầu tiên vượt biển ra Bắc báo cáo với Đảng, Bác Hồ về tình hình chiến trường Nam Bộ và xin vũ khí chi viện. Năm ấy cô mới 26 tuổi, thế nhưng bằng lòng quả cảm, trí thông minh, cô Ba đã cùng đồng chí của mình khéo léo vượt trùng dương đưa 12 tấn vũ chi viện cho chiến trường miền Nam 1 cách an toàn. Và từ đó, tên tuổi của cô Ba gắn liền với con đường huyền thoại - “đường Hồ Chí Minh trên biển”.

Không dừng lại, cô Ba còn là linh hồn của phong trào Đồng khởi. Tình hình miền Nam từ giữa năm 1959 bắt đầu rơi vào khủng hoảng kéo dài. Giữa lúc ấy, Hội nghị lần thứ 15 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã phân tích những đặc điểm tình hình và xác định nhiệm vụ cơ bản của cách mạng miền Nam. Cô Ba sau khi được quán triệt Nghị quyết 15, trở về cùng lãnh đạo Tỉnh ủy triệu tập hội nghị cán bộ vào đêm mùng 2-1-1960 tại Mỏ Cày. Tại đây, cô Ba và đồng chí mình bàn kế hoạch phát động quần chúng nổi dậy diệt ác, phá kìm. Trong cô Ba ý nghĩ “Đồng khởi” được liên tưởng từ cuộc khởi nghĩa đồng loạt trong Cách mạng Tháng Tám, phải nhất tề nổi dậy mới thắng được.

Ngày 17-1-1960, trận đánh diệt Tổng đoàn dân vệ ở xã Định Thủy, Mỏ Cày đã báo hiệu giờ đồng loạt nổi dậy cuộc Đồng khởi. Lực lượng vũ trang được sự phối hợp nổi dậy mạnh mẽ của đồng bào, lấy gọn bót Định Thủy. Mỗi người dân tay cầm tầm vông, giáo, phảng, cờ đỏ sao vàng từ chợ Định Thủy kéo ra phối hợp như nước vỡ bờ. Quân địch ở Mỏ Cày bị phao tin “quân đội Việt cộng về lấy bót Định Thủy, đang kéo tới Mỏ Cày rất đông” bèn co cụm lại giữ bót, không dám tiếp viện cho Định Thủy. Thế là ngay trong ngày đầu tiên của Đồng khởi, quân và dân Bến Tre đã đánh thắng hai trận giòn giã. Những trận thắng đầu tiên lịch sử này đã hình thành nên thế tấn công ba mũi. Từ đó, cô Ba Định đã sáng tạo nên chiến pháp ba mũi giáp công, góp phần đưa cách mạng miền Nam lên cao trào mới.

Bằng tài quân sự thấu đáo của Ban tham mưu mà người chỉ huy trực tiếp là bà Nguyễn Thị Định, phong trào “Đồng khởi” bùng nổ trên đất Mỏ Cày đêm 17-1-1960 theo tinh thần Nghị quyết 15 của Trung ương thắng lợi đã mở ra một cục diện mới trong đấu tranh cách mạng ở miền Nam. Thành công và ý nghĩa lịch sử to lớn này là kết quả đúc kết bằng máu xương của hàng vạn người yêu nước cộng với trí tuệ lãnh đạo của Đảng, trong đó công đầu là cô Ba Định. Và chính từ đây, tên tuổi cô gắn liền với danh “Đội quân tóc dài” với phương châm đấu tranh “ba mũi giáp công”.

Sau Đồng Khởi thắng lợi, cô Ba được cử làm Bí thư Tỉnh ủy rồi Khu ủy viên Khu 8, Hội trưởng Hội Liên hiệp Phụ nữ miền Nam. Khi cuộc kháng chiến chống Mỹ kết thúc, Nữ tướng Nguyễn Thị Định về Hà Nội công tác với nhiều cương vị khác nhau. Trên cương vị nào bà cũng hoàn thành nhiệm vụ một cách xuất sắc.

Nhận định tài thao lược của Nữ tướng Nguyễn Thị Định, bạn bè quốc tế dùng nhiều lời khen ngợi. Theo đó, cô Ba luôn hiển hiện là người phụ nữ đẹp, tài ba và đôn hậu. Ở Cuba có hẳn ngôi làng mang tên Nguyễn Thị Định. Bà Valentina Nicolaeva Terchova - Chủ tịch Ủy ban Phụ nữ Liên xô từng nói “Ở Liên xô nhân dân chúng tôi biết rõ về chị là chiến sĩ xuất sắc, đấu tranh giải phóng dân tộc, người lãnh đạo phong trào phụ nữ Việt Nam”.

 P. Tuyết (tổng hợp)

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN