Ở một xã có nhiều hoạt động giảm nghèo

11/12/2012 - 17:00
Một công trình lộ nông thôn do Dự án DBRP Bến Tre tài trợ, tại xã Vĩnh Hòa. Ảnh: V.H

Vĩnh Hòa cách thị trấn Chợ Lách 28km về phía Đông, tiếp giáp với các xã: Hưng Khánh Trung A, Phước Mỹ Trung, Phú Mỹ (Mỏ Cày Bắc). Với 677,3ha đất tự nhiên, có 1.485 hộ, 6.324 nhân khẩu, trong đó hộ nghèo chiếm tỷ lệ gần 15%, cao hơn các xã trong huyện. Diện tích đất sản xuất bình quân đầu người hơn 700m2. Có gần 400 hộ không có đất sản xuất. Đa số hộ dân sống bằng nghề trồng các loại cây ăn trái, sản xuất cây giống hoa kiểng và chăn nuôi gia súc, gia cầm.

Từ năm 2008 đến nay, Ban Quản lý Dự án Phát triển kinh doanh với người nghèo nông thôn tỉnh chọn xã Vĩnh Hòa làm một trong 7 xã vùng Dự án của huyện Chợ Lách để hỗ trợ các chương trình ưu tiên giúp người nghèo và phụ nữ có điều kiện vươn lên thoát nghèo bền vững. Hàng năm, Ban Phát triển xã tổ chức tham vấn cộng đồng để lấy ý kiến nhân dân 8 ấp để xây dựng kế hoạch kinh tế - xã hội của xã. Phân tích về chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp, chọn cây măng cụt và hoa kiểng là sản phẩm thế mạnh chính của địa phương; Dự án tổ chức tập huấn, hội thảo khoa học kỹ thuật cho nông dân nhằm nâng cao kiến thức về thông tin thị trường, tổ chức tham quan, học tập các mô hình kinh doanh các loại cây ăn trái, mô hình trang trại chăn nuôi heo, nuôi ếch để nông dân nắm bắt kịp thời về áp dụng vào sản xuất đạt hiệu quả kinh tế cao.

Hơn 4 năm qua, Ban Phát triển xã đã tổ chức được 25 lớp tập huấn về kỹ thuật trồng cây ăn trái, chăm sóc hoa kiểng, bón phân và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, bảo quản trái cây sau thu hoạch… có 1.550 người tham dự, trong đó có 250 nữ, 210 hộ nghèo; mở 4 lớp dạy nghề đan thảm lục bình, giỏ cọng dừa, kỹ thuật chăn nuôi thú y, thực hiện mô hình nuôi gà thả vườn,… có 126 người tham dự, trong đó có 42 nữ, 36 hộ nghèo. Sau khi học tập, nông dân tích cực tham gia áp dụng vào thực tế, tạo công việc làm cho lao động nông thôn. Bình quân hàng năm kéo giảm từ 3 đến 4% hộ nghèo của xã.

Ngoài ra, hàng năm, Ban còn tổ chức lấy ý kiến chọn xây dựng các công trình giao thông nông thôn do Dự án hỗ trợ, với tổng kinh phí 2,6 tỷ đồng. Cụ thể: lộ từ Trường THCS đến kênh Ông Kèo dài 3.353m, rộng 2m, tổng kinh phí Dự án là 950 triệu đồng, nhân dân hiến đất, đóng góp tiền bơm cát nâng cấp mặt bằng gần 300 triệu đồng. Công trình hoàn thành năm 2010. Lộ bê-tông từ cổng chào Ấp văn hóa đến ngã ba Sáu Mến, dài 1.575m, rộng 2m, tổng kinh phí Dự án là 285 triệu đồng, nhân dân đóng góp đất và 80 triệu đồng bơm cát nâng mặt bằng. Lộ bê-tông từ cổng chào Xã văn hóa đến cầu Hòa II, dài 1.025m, rộng 2m, tổng kinh phí Dự án gần 200 triệu đồng. Nhân dân hiến đất và đóng góp 50 triệu đồng bơm cát nâng cấp mặt bằng. Hai công trình cùng hoàn thành năm 2011. Lộ bê-tông từ cầu Năm Minh đến nhà ông Nguyễn Văn Hựu, dài 480m, rộng 2m, tổng kinh phí 150 triệu đồng. Nhân dân hiến đất và 30 triệu đồng bơm cát nâng cấp mặt bằng. Năm 2012, đã đấu thầu trải bê-tông lộ từ nhà cô Tư Diện đến nhà ông Chín Thưởng, dài 470m, rộng 2m, tổng kinh phí Dự án 195 triệu đồng, nhân dân góp đất và 80 triệu đồng nâng cấp mặt bằng. Công trình đang thi công. Được Dự án tiếp tục đầu tư từ nguồn vốn cạnh tranh và xã nghèo, Ban Phát triển xã tổ chức lấy ý kiến danh mục các công trình xin thực hiện.

Hơn 4 năm thực hiện Dự án, ngoài các hoạt động nâng cao năng lực tiếp cận thị trường, các tuyến lộ giao thông nông thôn cũng đã có tác dụng thiết thực đối với đời sống kinh tế của nhân dân, nhất là người nghèo và phụ nữ, tạo niềm vui cho mọi người, hướng tới thoát nghèo bền vững và góp phần xây dựng thành công xã nông thôn mới.

Huỳnh Văn Hòa (Hội Nông dân xã Vĩnh Hòa)

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN