BDK - Theo thông tin từ Sở Kế hoạch và Đầu tư, tổng kế hoạch vốn đầu tư thuộc ngân sách nhà nước do tỉnh quản lý hơn 4.764 tỷ đồng. Tuy nhiên, đến thời điểm này, tỷ lệ giải ngân đạt thấp hơn so với cùng kỳ năm trước và so với các địa phương khác. Do đó, theo tinh thần chỉ đạo của UBND tỉnh là tập trung quyết liệt đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công từ nay đến cuối năm, phấn đấu đạt từ 95% trở lên so với kế hoạch.
Công trình cầu Vạch Vong, TP. Bến Tre chưa hoàn thiện, chỉ cho lưu thông tạm.
Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Dương Văn Phúc cho biết, đến thời điểm hiện tại, báo cáo từ Kho bạc Nhà nước cho thấy, tỉnh đã giải ngân được trên 2.422 tỷ đồng, tương đương 50,83% kế hoạch năm. Mặc dù tỷ lệ giải ngân này chưa đạt mục tiêu đề ra, nhưng vẫn phản ánh những nỗ lực đáng ghi nhận từ các cơ quan liên quan trong bối cảnh nhiều khó khăn. Trong đó, có 12 đơn vị chủ đầu tư đã đạt tỷ lệ giải ngân cao hơn mức trung bình. Đặc biệt, Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh, Công an tỉnh và Sở Tài chính dẫn đầu với tỷ lệ giải ngân từ 85,4 - 100%. Những đơn vị khác như: Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn, cùng UBND các huyện Thạnh Phú và Chợ Lách cũng duy trì tỷ lệ giải ngân trên 50%.
Tuy nhiên, vẫn còn 21 chủ đầu tư có tỷ lệ giải ngân thấp dưới 50%, thậm chí có một số đơn vị có tỷ lệ giải ngân 0% như: Sở Thông tin và Truyền thông, Ban Quản lý các khu công nghiệp, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Giao thông vận tải, Sở Công Thương.
Để thúc đẩy quá trình giải ngân, Sở Kế hoạch và Đầu tư, với vai trò là cơ quan thường trực Tổ công tác kiểm tra tình hình giải ngân (gọi tắt là Tổ công tác 1311), đã triển khai nhiều biện pháp quyết liệt. Cụ thể, Tổ công tác 1311 đã thực hiện kiểm tra, đôn đốc các đơn vị; đồng thời, hướng dẫn kỹ lưỡng các thủ tục hồ sơ thanh toán. Các chủ đầu tư được yêu cầu hoàn tất hồ sơ trong vòng 7 ngày kể từ khi nhận đủ giấy tờ hợp lệ. Tổ công tác 1311 cũng đã thực hiện 6 lần điều chỉnh, điều chuyển vốn từ các dự án có tiến độ chậm sang các dự án có tiến độ tốt, với tổng số vốn điều chỉnh lên đến 231 tỷ đồng.
Các dự án có tiến độ giải phóng mặt bằng chậm như: Dự án Đê bao ngăn mặn kết hợp đường giao thông nối liền các huyện biển Bình Đại - Ba Tri - Thạnh Phú (giai đoạn 2); Dự án Xây dựng cầu Rạch Vong; Dự án Đường giao thông kết hợp đê bao ngăn mặn liên huyện Mỏ Cày Nam -Thạnh Phú… Để xử lý, Tổ công tác 1311 đã kiến nghị UBND tỉnh làm việc trực tiếp, chỉ đạo các địa phương đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án.
Theo Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Dương Văn Phúc, với vai trò cơ quan thường trực Tổ công tác 1311, trong thời gian tới, Sở sẽ tiếp tục theo dõi và đôn đốc các chủ đầu tư hoàn tất thủ tục lựa chọn nhà thầu đối với các dự án đã phê duyệt. Đồng thời, phối hợp với các đơn vị liên quan để kịp thời điều chỉnh kế hoạch vốn, giúp các chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân nguồn vốn.
Tại hội nghị sơ kết 9 tháng năm 2024 và triển khai nhiệm vụ 3 tháng cuối năm, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Ngọc Tam chỉ đạo, cần tập trung cao nhiệm vụ giải ngân vốn đầu tư công. Các đơn vị, địa phương có tỷ lệ còn thấp cần nỗ lực hơn nữa để đạt được mục tiêu theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, đó là phải đạt từ 95% trở lên. Với những nỗ lực này, UBND tỉnh kỳ vọng sẽ cải thiện đáng kể tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong năm 2024.