Phấn đấu kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn tỉnh
06/11/2024 - 05:38
BDK - Thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 2-4-2022 của Bộ Chính trị khóa IX về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, 2 năm qua, tỉnh đã triển khai đồng bộ các chính sách xã hội, tập trung cho mục tiêu giảm nghèo bền vững, nâng cao phúc lợi xã hội, thu hẹp khoảng cách giàu - nghèo giữa khu vực thành thị và nông thôn.
Đào tạo nghề tạo việc làm ổn định cho lao động nông thôn.
Xây dựng đời sống văn hóa
Hoạt động tuyên truyền, cổ động trực quan chào mừng các ngày lễ lớn, các sự kiện chính trị của đất nước và địa phương được triển khai thực hiện chu đáo. Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” tiếp tục duy trì và nâng chất gắn với xây dựng xã văn hóa nông thôn mới và trọng tâm là xây dựng con người Bến Tre phát triển toàn diện, xây dựng gia đình hạnh phúc, tiến bộ.
Các công trình văn hóa, lịch sử được quan tâm đầu tư, quản lý, phát huy giá trị và khai thác phục vụ dân sinh. Tỉnh đã ban hành Đề án Quy hoạch tổng thể xây dựng, trùng tu, tôn tạo hệ thống tượng, tượng đài, bia, công trình lưu niệm danh nhân, sự kiện trên địa bàn tỉnh đến năm 2030 và định hướng đến năm 2045. Phong trào thể dục thể thao quần chúng được duy trì; thể thao thành tích cao được chú trọng. Năm 2023, tỉnh đã tham dự các giải thể thao cấp khu vực, toàn quốc, quốc tế đạt 342 huy chương; năm 2024, tham dự 32 giải thể thao, đạt 168 huy chương các loại; tổ chức tốt Giải Bepharco Bến Tre Marathon 2023; tiếp tục triển khai thực hiện Đề án Phổ cập bơi phòng, chống đuối nước cho trẻ em trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2025.
Công tác hướng nghiệp và phân luồng học sinh, định hướng nghề nghiệp cho học sinh từ THCS đến THPT tại các điểm trường hoặc theo cụm huyện được đẩy mạnh. Công tác phổ cập giáo dục các cấp tiếp tục được duy trì và phát triển. Tổ chức đánh giá và công nhận các trường đạt chuẩn quốc gia theo quy định, trong đó có 59/153 trường mầm non; 89/174 trường tiểu học; 73/127 trường THCS; 17/36 trường THPT. Ngành giáo dục tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, chỉ đạo điều hành và trong hoạt động dạy và học. Tiếp tục hỗ trợ, thúc đẩy việc thành lập Trường Đại học Tây Nam Bộ trên cơ sở Phân hiệu Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh tại tỉnh.
Công tác khám và điều trị bệnh cho người dân được thực hiện khá tốt. Tỷ lệ người tham gia bảo hiểm y tế ước đạt 96,51% dân số. Mạng lưới y tế cơ sở tiếp tục được củng cố và hoàn thiện; nâng cao năng lực cho lực lượng y tế tuyến cơ sở được tăng cường. Chuyển đổi số ngành y tế được tập trung thực hiện.
Tư vấn, giới thiệu việc làm, tuyên truyền đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng được thực hiện tốt. Trong 2 năm 2023 - 2024, đã giải quyết việc làm cho khoảng 41.427 lao động, trong đó lao động trúng tuyển đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài ước 4.538 lao động, góp phần kéo giảm tỷ lệ thất nghiệp thành thị xuống còn 3,28% (năm 2023 đạt 3,3%). Tỷ lệ lao động qua đào tạo năm 2024 ước đạt 68% (năm 2023 đạt 66,55%), trong đó tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ ước đạt 38% (năm 2023 đạt 36,9%). Các chế độ, chính sách về tiền lương, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động được thực hiện khá tốt.
Tỷ lệ hộ nghèo giảm
Theo Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Trúc Sơn, ngay từ những tháng đầu của năm 2022, tình hình kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh bị ảnh hưởng, tác động nặng nề của đại dịch Covid-19; biến đổi khí hậu diễn biến phức tạp; giá cả nông sản có thời điểm giảm sâu; nguồn nguyên liệu đầu vào tăng cao, nhất là giá xăng dầu có thời điểm tăng mạnh... đã ảnh hưởng đến sản xuất, đời sống nhân dân và tác động đến kết quả thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Tuy nhiên, với sự quan tâm hỗ trợ kịp thời của Trung ương, sự lãnh đạo có trọng tâm, trọng điểm của Tỉnh ủy, sự giám sát chặt chẽ của HĐND tỉnh, sự điều hành hiệu quả của UBND tỉnh và chính quyền các cấp, sự chung sức, đồng lòng của cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân tỉnh nhà đã tổ chức thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội đạt được nhiều kết quả tích cực trên các lĩnh vực.
Trong đó, các hoạt động văn hóa - xã hội ổn định và cơ bản đạt các chỉ tiêu đề ra. Đời sống dân sinh được nâng lên gắn kết hài hòa và chặt chẽ với phát triển kinh tế; kinh tế phát triển gắn với đầu tư hạ tầng và bảo đảm phúc lợi, an sinh xã hội. Tỷ lệ hộ nghèo năm 2021 là 4,26%, năm 2022 giảm còn 3,5% và năm 2023 còn 2,63%. Tỷ lệ lao động qua đào tạo năm 2021 là 62,09%, năm 2022 là 64,22% và năm 2023 là 66,6%. 9 tháng năm 2024, các hoạt động văn hóa - xã hội, an sinh xã hội được nâng chất.
Dự kiến kết quả thực hiện chỉ tiêu chủ yếu năm 2024 của tỉnh: GRDP bình quân đạt 57,6 triệu đồng/người; tỷ lệ hộ nghèo còn 2,25%, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 68%; trong đó, tỷ lệ lao động có bằng cấp, chứng chỉ đạt 38%; đạt 32,3 giường bệnh/vạn dân; tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế toàn tỉnh đạt 96,57% dân số; giải quyết việc làm cho 20.000 lao động, trong đó 2.500 người đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng…
“Trong thời gian tới, tỉnh sẽ triển khai đa dạng các hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm, đưa người lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng; tăng cường liên kết, hợp tác đào tạo phát triển nguồn nhân lực. Tiếp tục triển khai thực hiện tốt Đề án thí điểm về đảm bảo an sinh xã hội; làm tốt công tác giảm nghèo và huy động nguồn lực trợ giúp người nghèo. Bên cạnh đó, tỉnh tiếp tục triển khai kế hoạch triển khai thực hiện Đề án của Thủ tướng Chính phủ về “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 - 2030”.
(Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Trúc Sơn)