Phan Văn Trị và cuộc bút chiến không thể nào quên

20/06/2022 - 05:18

BDK - Nếu Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc và một loạt các bài văn tế, thơ điếu khác đã đưa Nguyễn Đình Chiểu lên vị trí người đi tiên phong trong dòng văn học yêu nước cận đại giữa thế kỷ XIX, thì cuộc bút chiến giữa Phan Văn Trị và Tôn Thọ Tường là một sự kiện văn học không kém phần gay cấn và nổi tiếng trong dòng văn học ấy.

Tổ chức lễ kỷ niệm 190 năm ngày sinh (1830 - 2020), 110 năm ngày mất (22-6-1910 - 22-6-2020) nhà thơ - chiến sĩ Phan Văn Trị, tại xã Thạnh Phú Đông, huyện Giồng Trôm. Ảnh: Ánh Nguyệt

Tổ chức lễ kỷ niệm 190 năm ngày sinh (1830 - 2020), 110 năm ngày mất (22-6-1910 - 22-6-2020) nhà thơ - chiến sĩ Phan Văn Trị, tại xã Thạnh Phú Đông, huyện Giồng Trôm. Ảnh: Ánh Nguyệt

Năm nay, kỷ niệm 112 năm ngày mất của nhà thơ yêu nước Phan Văn Trị (22-6-1910 - 22-6-2022) trong thời điểm tập trung cao nhất cho lễ kỷ niệm 200 năm Ngày sinh Danh nhân Nguyễn Đình Chiểu, thiết nghĩ cũng nên dành một góc nhỏ truyền thông cho sự kiện văn học này nói riêng, cuộc đời và con người đáng kính trọng ấy nói chung để các bậc tiền nhân không cảm thấy chạnh lòng bởi câu “Con quy con hạc giữa đình…”!

Phan Văn Trị sinh năm 1830, tài cao học rộng, năm 19 tuổi đã đỗ cử nhân nhưng không ra làm quan như các bậc khoa cử khác mà ở nhà dạy học, bốc thuốc. Tôn Thọ Tường sinh năm 1825, cũng tài cao học rộng, gia đình truyền thống quan lại 4 đời, nhưng muốn làm quan mà không được vì mãi đến năm 30 tuổi vẫn chưa đỗ tú tài. Cái khác nhau và giống nhau của hai con người này là ở chỗ đó. Một người không muốn làm quan và một người muốn mà không thành. Khoảng năm 1855, hai người cùng với một số nho sĩ nổi tiếng khác như Nguyễn Đình Chiểu, Huỳnh Mẫn Đạt, Bùi Hữu Nghĩa, Nguyễn Thông… sáng lập hội thơ tên là Bạch mai thi xã để cùng nhau xướng họa. Sách sử ghi lại rằng cả hai đều rất tâm đầu ý hợp và cũng là hai trụ cột trong thi xã này.

Khi thực dân Pháp chiếm Gia Định (năm 1862), Bạch mai thi xã tan rã. Quá trình phân hóa sâu sắc khuynh hướng tư tưởng các nhà Nho Nam Bộ bắt đầu. Tôn Thọ Tường rời bỏ hàng ngũ Nho sĩ yêu nước, cộng tác với Pháp, được chính quyền thực dân bổ nhiệm đến chức đốc phủ sứ. Nhưng có lẽ, lương tâm một trí thức Nho học trong con người ông cũng thường ray rứt, nên ông dùng thơ để thanh minh, biện hộ cho cái sự “bất đắc dĩ” theo giặc của mình. Trong đó, nổi bật nhất là mười bài thơ “Tự thuật” theo thể thập thủ liên hoàn và hai bài thơ lẻ: “Từ thứ quy Tào”, “Tôn phu nhân quy Thục”. Nội dung chủ yếu của các bài thơ trên phản ánh tâm trạng đầy mâu thuẫn, giằng xé, cô độc của một kẻ sĩ đi ngược lại con đường chính đạo, phản bội quê hương, bằng hữu, cam tâm nối giáo quân thù mà có vẻ như rất quân tử, thức thời, ngạo mạn. Sự ngụy biện của Tôn Thọ Tường đã vấp phải sự phản đối và lên án gay gắt của các sĩ phu Nam Bộ có tư tưởng yêu nước, mà tiêu biểu nhất là Phan Văn Trị.

Để vạch trần sự giả nhân giả nghĩa, lập lờ chính tà của Tôn Thọ Tường ẩn trong tài năng văn chương trau chuốt, ẩn trong các điển tích Tam quốc diễn nghĩa hay ho, Phan Văn Trị đã mở màn cuộc bút chiến đầy kịch tính, nhưng cũng không kém phần văn hoa của người từng xướng họa “kẻ tám lạng, người nửa cân” trước kia. Có thể nói, cuộc bút chiến là một trận địa đấu tranh tư tưởng sắc bén, đanh thép, là sự thắng thế của lập trường yêu nước, chính nghĩa trước luận điệu mị dân, ngụy biện của Tôn Thọ Tường và những kẻ phản dân hại nước khác lúc bấy giờ.

Cho đến hôm nay, nghiền ngẫm lại những vần thơ bút chiến đầy khí phách ấy, chúng ta càng thấy cuộc đời, con người, phẩm hạnh, tiết tháo, lòng dạ thẳng ngay cương trực của nhà thơ Phan Văn Trị càng tỏ rạng.

Trước sự nhu nhược, sợ hãi của Tôn Thọ Tường đối với sức mạnh vũ khí của giặc Tây: “Miệng cọp, hàm rồng chưa dễ chọc/ Khuyên đàn con trẻ chớ thày lay!”

Phan Văn Trị đã không ngần ngại đáp trả bằng một thái độ đầy hào sảng, uy nghi, không hề khiếp sợ: “Đừng mượn hơi hùm rung nhát khỉ/ Lòng ta sắt đá há lung lay!”

Khi Tôn Thọ Tường dùng các tích Tàu xưa để giải bày, biện hộ cho mình, Phan Văn Trị cũng kiên quyết, thẳng tay vạch trần không khoan nhượng. Mượn câu chuyện Từ Thứ (khi đó đang là quân sư của Lưu Bị) bất đắc dĩ phải về Ngụy đầu hàng Tào Tháo để cứu mẹ, hay chuyện Tôn phu nhân (em gái Tôn Quyền) bỏ quê hương là nước Ngô để theo chồng (Lưu Bị) về nước Thục, họ Tôn muốn thanh minh rằng mình vẫn một lòng yêu nước, không phải là kẻ phản bội đầu hàng, mà tất cả là do hoàn cảnh… Phan Văn Trị vừa nhỏ nhẹ, vừa rạch ròi, vừa quyết liệt, vừa khôn khéo chỉ ra sự lập lờ của Tôn Thọ Tường bằng những lời thơ vô cùng thú vị và xác đáng:

“Chẳng đặng khôn Lưu đành dại Ngụy/ Thân này xin gác ngoại vòng thoi” (Từ Thứ quy Tào)

“Ai về nhắn với Chu công Cẩn/ Thà mất lòng anh đặng bụng chồng” (Tôn phu nhân quy Thục)

Phan Văn Trị đã đối lại:

“Về Tào miệng ngậm như bình kín/ Trân trọng lời vàng đáng mấy thoi”

“Anh hỡi, Tôn Quyền, anh có biết/ Trai ngay thờ chúa, gái thờ chồng”

 Cuộc bút chiến có một không hai trong lịch sử và văn học yêu nước chống Pháp giữa Phan Văn Trị và Tôn Thọ Tường nói riêng, văn thơ yêu nước của Phan Văn Trị nói chung, một lần nữa cho phép chúng ta tự hào đã có một con người Bến Tre xứng đáng đứng trong hàng ngũ những nhà Nho - thi sĩ - chiến sĩ trên mặt trận văn hóa tư tưởng thời cận đại.

VÕ THÀNH HẠO

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN