|
Hát sắc bùa. |
Ngày 22-11, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tổ chức họp mặt nhân Ngày Di sản văn hóa Việt Nam 23-11 và công bố quyết định thành lập Liên chi hội Di sản văn hóa tỉnh Bến Tre, gồm 49 hội viên, do ông Lư Hội làm Chủ tịch. Được biết, Liên chi hội là sự liên kết 3 chi hội di sản văn hóa trong tỉnh là: Chi hội Bảo tàng tỉnh, Chi hội Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch và Chi hội Hội Người cao tuổi tỉnh.
Tại buổi họp mặt, ngoài việc đóng góp ý kiến vào các điều khoản trong quy chế, các hội viên còn thưởng thức một số tiết mục thuộc di sản văn hóa Việt Nam: đờn ca tài tử và diễn xướng sắc bùa.
Di sản văn hóa dân tộc là sản phẩm có giá trị về vật chất và tinh thần do con người và thiên nhiên tạo ra, chứa đựng các giá trị về lịch sử, văn hóa, khoa học thể hiện rõ nét bản sắc dân tộc. Chính vì vậy, ngay từ những ngày đầu tiên khi Cách mạng Tháng Tám thành công và khai sinh nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, Đảng và Nhà nước đã nhận thấy rõ tầm quan trọng của di sản văn hóa (DSVH). Ngày 23-11-1945, sắc lệnh 65 về việc bảo tồn cổ tích được ban hành do Chủ tịch Hồ Chí Minh ký. Đây là sắc lệnh đầu tiên liên quan đến ngành văn hóa sau Cách mạng Tháng Tám thành công. Nhận rõ tầm quan trọng của DSVH Việt Nam đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, ngày 23-11 hàng năm được lấy làm ngày “Di sản văn hóa Việt Nam” theo Quyết định số 36/2005/QĐ của Thủ tướng Chính phủ. Việc tổ chức ngày “Di sản văn hóa Việt Nam” không nằm ngoài mục đích giáo dục truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc, ý thức trách nhiệm bảo vệ DSVH trong toàn dân; tăng cường ý thức trách nhiệm của những người làm công tác bảo vệ, giữ gìn và phát huy nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; động viên phong trào thi đua lao động sản xuất, nâng cao kỷ luật, đạo đức cách mạng của cán bộ, công chức trong ngành văn hóa thông tin nói chung và trong lĩnh vực DSVH nói riêng; biểu dương những cá nhân, tập thể có thành tích xuất sắc trong sự nghiệp bảo vệ và phát huy DSVH dân tộc.
Một tiết mục đờn ca tài tử.
Những năm qua, dưới nhiều hình thức, Bến Tre đã bảo vệ và phát huy giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể. Cụ thể, đã nghiên cứu, bảo tồn nghệ nhân đờn ca tài tử, dừa trong ẩm thực Bến Tre, đình làng Bến Tre, nghề đan đát ở Bến Tre, trình diễn, phục dựng các loại hình ca nhạc tài tử, hát sắc bùa; đã kiểm kê, phân loại xếp hạng di tích lịch sử - văn hóa, cụ thể có 13 di tích được xếp hạng cấp quốc gia, 5 di tích xếp hạng cấp tỉnh (trong đó có 2 di tích và khu tưởng niệm Nguyễn Thị Định do tỉnh quản lý, 11 di tích còn lại do huyện quản lý). Về công tác quản lý cổ vật, di vật, bảo vật, Bến Tre đã tổ chức 3 đợt khai quật di chỉ Giồng Nổi (xã Bình Phú - thành phố Bến Tre) thu được 50.000 hiện vật bao gồm: đồ gốm, đồ đá, đồ kim loại, xương, răng động vật... Gần đây, tiến hành khai quật khu vực chùa Trà Nồng (xã An Thạnh - Mỏ Cày Nam) đã phát hiện nhiều hiện vật thuộc văn hóa Óc Eo...
Có thể nói, DSVH chính là tài sản vô giá của đất nước, của quê hương. Giữ gìn và phát huy truyền thống lịch sử - văn hóa, truyền thống cách mạng của quê hương là một trong những nhiệm vụ quan trọng. Bảo vệ, giữ gìn DSVH là một việc khó, làm thế nào để phát huy giá trị DSVH lại là việc khó hơn. Vì thế, mặc dù tỉnh có sự quan tâm đầu tư xây dựng và tôn tạo lại di tích văn hóa – lịch sử để đáp ứng nhu cầu chiêm ngưỡng của nhân dân, song, ngoài những thành tựu đạt được, công tác bảo vệ và phát huy DSVH vẫn còn nhiều hạn chế. Nguyên nhân chính là do nhận thức của người dân về tầm quan trọng của DSVH chưa thất đầy đủ, nhiều người còn tỏ thái độ bàng quan, có hành vi vi phạm, xâm lấn di tích. Bên cạnh đó, đội ngũ cán bộ chuyên trách phục vụ và quản lý các di tích còn bất cập cả về số lượng lẫn chất lượng.
Trong điều kiện hội nhập hiện nay, đầu tư cho văn hóa là đầu tư vào thế mạnh truyền thống của tỉnh nhà, đầu tư vào nguồn tài nguyên để khai thác vĩnh cửu, góp phần xây dựng, giữ gìn nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc như Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) đề ra: “Di sản văn hóa là tài sản vô giá...; phát huy giá trị di sản văn hóa vì lợi ích của toàn xã hội”. Nhằm phát huy giá trị DSVH, đồng thời, tạo điều kiện cho DSVH Bến Tre được bảo tồn trong đời sống xã hội và không ngừng phát triển, ông Trần Ngọc Tam – Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch cho biết, trong giai đoạn 2010-2015 ngành sẽ tập trung thực hiện một số công tác trọng tâm, như: tăng cường công tác quảng bá, giới thiệu DSVH Bến Tre đến với công chúng; không ngừng kiện toàn bộ máy, đi đôi với nâng cao trình độ và chất lượng, hiệu quả hoạt động của đội ngũ cán bộ quản lý, hoạt động tác nghiệp bảo vệ di sản văn hóa; thực hiện tốt hoạt động phối hợp giữa du lịch, quản lý với hoạt động tác nghiệp phù hợp với từng di tích, bia, tượng đài; ngành văn hóa tiếp tục phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo và các ngành, đoàn thể có liên quan thực hiện tốt phong trào thi đua xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực trên cả hai lĩnh vực: văn hóa vật thể và phi vật thể, nhằm nhanh chóng đưa các giá trị văn hóa địa phương vào nhà trường, qua đó góp phần tích cực bảo vệ và phát huy DSVH Bến Tre trong sinh hoạt, học tập và rèn luyện của học sinh, sinh viên.