Phát huy hiệu quả ngăn mặn, trữ ngọt 14 cống ở Phú An Hòa và An Phước

16/02/2020 - 21:06

BDK - Nhiều người dân ở 2 xã Phú An Hòa và An Phước, huyện Châu Thành rất lo lắng vì hạn, mặn xảy ra đã lâu và kéo dài. Trên địa bàn 2 xã này, có 14 cống xây dựng, hoàn thành đưa vào sử dụng năm 2018 nhưng không phát huy được hiệu quả ngăn mặn, trữ ngọt.

Cống Mới, ấp Phước Hòa, xã Phú An Hòa. Ảnh: H. Đức

Cống Mới, ấp Phước Hòa, xã Phú An Hòa. Ảnh: H. Đức

Ông Ba Yên (ấp Phú Ngãi, xã Phú An Hòa) bày tỏ: “Khi thi công, tại mỗi cống đều có lắp đặt cửa để lấy nước và tháo nước. Khi công trình được bàn giao đưa vào sử dụng thì các cửa cống không thể vận hành được, phải sửa nhiều lần thì cửa mới đóng mở được nhưng vẫn không thể khép kín. Do đó, không thể phát huy hiệu quả ngăn mặn, trữ ngọt được”.

Trước đây, vào tháng 2-2017, trên địa bàn 2 xã này có 14 cống (xã Phú An Hòa 7, xã An Phước 7 cống) được thi công. Tại mỗi cống đều có thiết kế xây dựng cửa (đóng, mở được) nhằm mục đích ngăn mặn và trữ ngọt.

Công trình “Sửa chữa, thay thế các cầu thành cống trên ĐH.04” (đoạn từ giáp ranh thị trấn đến cầu Tám Hải - xã An Phước), được thực hiện từ nguồn vốn sự nghiệp kinh tế có mục tiêu bổ sung năm 2017, với kinh phí hơn 9 tỷ đồng. Công trình này do Phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện Châu Thành là đại diện chủ đầu tư, Công ty TNHH xây dựng Nhựt Linh (có trụ sở tại phường Phú Khương, TP. Bến Tre) thi công. Đơn vị giám sát công trình là Công ty TNHH MTV Tư vấn, thiết kế, giám sát xây dựng Nhân Tâm (trụ sở tại xã Phú Đức, huyện Châu Thành). Theo kế hoạch, công trình sẽ hoàn thành vào cuối tháng 2-2018, nhưng đến ngày 24-4-2018 mới tổ chức bàn giao, nghiệm thu. 

Tại hiện trường cống Hai Sạt, ấp Phước Thới, xã An Phước (ngày 13-2-2020), cửa cống mở, nước từ bên trong cống lờ đờ chảy ra con rạch dẫn nước chung. Ông Tư Trọng (người dân ở xã An Phước) cho hay: “Cửa các cống ở xã đều không đóng kín nên không thể nào trữ ngọt hay ngăn mặn được”.

Từ lúc nghiệm thu đưa vào sử dụng công trình 14 cống trên đường huyện ĐH.04 (đường 188 cũ) cho đến nay, nhiều người thắc mắc việc các cống này không phát huy được hiệu quả sử dụng ngăn mặn, trữ ngọt. Nếu là công trình phục vụ giao thông thì tại sao lại có thiết kế và lắp đặt hệ thống cửa cống (gây lãng phí, vì chi phí đầu tư xây dựng cao).

Theo người dân địa phương, công trình xây dựng 14 cống này được Công ty TNHH xây dựng Nhựt Linh (chuyên về thiết bị máy vi tính) thi công và công ty này đã thuê lại đơn khác thực hiện. Sau đó, đại diện chủ đầu tư và đơn vị thi công đã tổ chức nghiệm thu, bàn giao; trong khi chất lượng công trình không đảm bảo về kỹ thuật.

Phó chủ tịch UBND xã Phú An Hòa Bùi Văn Miêng cho rằng: “Đầu tiên, theo dự án thì công trình xây dựng các cống này là cống phục vụ giao thông. Sau đó, do cử tri của xã đề nghị làm cống ngăn mặn nên chủ đầu tư đã thiết kế chuyển qua cống ngăn mặn”.

Hiện tại, người dân 2 xã Phú An Hòa, An Phước rất mong ngành chức năng quan tâm, sớm có biện pháp sửa chữa cửa 14 cống trên địa bàn, nhằm phát huy được hiệu quả ngăn mặn, trữ ngọt phục vụ cho sản xuất (hơn 400ha đất).

Huỳnh Đức

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN