Tập trung các giải pháp ngăn mặn, trữ ngọt

11/01/2020 - 11:05

BDK.VN - Mấy ngày nay, gió chướng thổi về mạnh, góp phần làm độ mặn ở các tuyến sông, kênh rạch nội đồng lên cao, đe dọa trực tiếp đến sản xuất và đời sống của người dân. Chính quyền địa phương và người dân đang tập trung mọi giải pháp nhằm ngăn mặn, trữ nước ngọt phục vụ sản xuất và sinh hoạt.

Người dân khảo sát túi chứa nước của Công ty Cổ phần Nhựa Tân Đại Hưng (TP. Hồ Chí Minh), tại hội thảo ở Tân Phú, Châu Thành, Bến Tre.

Người dân khảo sát túi chứa nước của Công ty Cổ phần Nhựa Tân Đại Hưng (TP. Hồ Chí Minh), tại hội thảo ở Tân Phú, Châu Thành, Bến Tre.

Theo dự báo của Đài khí thượng thủy văn Bến Tre, hiện nay độ mặn 4‰ xâm nhập cách các cửa sông chính khoảng 44-52 km. Độ mặn 1‰ xâm nhập cách các cửa sông khoảng 51-72km đã ảnh hưởng lớn đến sản xuất và sinh hoạt của người dân.

Tình hình xâm nhập mặn trên địa bàn tỉnh đến ngày 14-1 sẽ tăng so với tuần qua. Độ mặn 4‰ xâm nhập cách các cửa sông khoảng 51-68km, độ mặn 1‰ xâm nhập cách các cửa sông khoảng 60-78km, ở mức rất cao.

UBND tỉnh Bến Tre đã chỉ đạo ngành chuyên môn phối hợp chặt chẽ với các ngành, địa phương triển khai đồng bộ các giải pháp ứng phó với diễn biến hạn mặn đang diễn ra rất phức tạp. Tổ chức trực ban và theo dõi thường xuyên diễn biến tình hình xâm nhập mặn để chuyển tiếp thông tin, hướng dẫn và khuyến cáo người dân kịp thời thực hiện các giải pháp ứng phó. Trong đó, các vùng trồng hoa, cây giống, cây ăn quả tại các huyện Châu Thành, Chợ Lách, Mỏ Cày Bắc, TP Bến Tre... tập trung trữ nước ngọt trong mương vườn, dùng các dụng cụ chứa nước để dự trữ nước ngọt phục vụ cho sinh hoạt, trồng trọt và chăn nuôi. Đối với diện tích hơn 2.000ha lúa đã xuống giống tại huyện Giồng Trôm, Ba Tri khuyến cáo ngưng chăm sóc, bón phân để giảm thiệt hại.

Hơn một tháng nay, gia đình ông Nguyễn Văn Dợt, ngụ xã Tân Phú (huyện Châu Thành) đã mua túi ni-lông về chứa nước và đóng các cống để nước mặn không xâm nhập vào mương vườn. Nhờ vậy, 2 công sầu riêng và 3 công chôm chôm vẫn được bảo vệ  an toàn dù nước ngoài sông đã bị xâm nhập mặn.

Ông Dợt cho biết: “Rút kinh nghiệm đợt Tết năm 2015 khi nước mặn về người dân không kịp đề phòng nên năm nay nhà nào cũng tranh thủ chứa nước ngọt. Trong đó, nhiều hộ dân mua túi chứa nước ngọt bằng vải nhựa rất tiện lợi vì có thể đặt bất cứ nơi nào trong vườn và dung tích chứa khá lớn”.

Nhiều hộ dân trồng mai kiểng tại  xã Vĩnh Thành (huyện Chợ Lách) cũng lo mua dụng cụ chứa nước để phục vụ nghề trồng cây kiểng cần nhiều nước ngọt.

 Gia đình bà Trần Thị Nhung đang trồng hơn 1.000 gốc mai kiểng bán Tết đã chẩn bị làm hỗ chứa nước tạm ngay bên nhà từ đầu tháng Chạp.

 Bà Nhung cho biết: “Đợt vừa rồi nước mặn đã xâm nhập vào tận con kênh trước nhà dùng để tưới cây kiểng. Vì vậy, khi độ mặn giảm, gia đình phải mua túi ni-lông đem về làm hồ chứa nước tạm phục vụ nghề trồng hoa kiểng”.

Năm nay, rất nhiều hộ dân trồng hoa, cây kiểng ở huyện Chợ Lách đã đầu tư mua túi chứa nước ngọt, máy đo độ mặn phục vụ sản xuất. Đây là lần đầu tiên những hộ dân nơi đây phải sử dụng nhiều giải pháp ứng phó với xâm nhập mặn vì từ trước đến nay hầu như nước ngọt quanh năm.

Ông Trần Hoàng Liêm - Chủ tịch UBND xã Tân Phú (huyện Châu Thành) cho biết: “Toàn xã có khoảng 1.400ha diện tích cây ăn trái đặc sản như: sầu riêng, chôm chôm, bưởi da xanh... Năm nay, dự báo nước mặn sẽ xâm nhập sâu có nguy cơ gây thiệt hại lớn đến vườn cây ăn trái nên chính quyền địa phương khuyến cáo người dân tập trung trữ nước ngọt trong mương vườn, sử dụng các dụng cụ trữ nước để ứng phó kịp thời nhằm cung ứng đủ nước ngọt cho cây”.

Hiện tại, nhiều công ty, đơn vị đã mạnh dạn sản xuất các mặt hàng trữ nước ngọt phục vụ  người dân ở vùng hạn, mặn.

Ông Phạm Trung Cang, Phó Chủ tịch Hội  đồng quản trị Công ty Cổ phần Nhựa Tân Đại Hưng (TP. Hồ Chí Minh) cho biết: “Công ty chuyên sản xuất túi nhựa, ống nhựa xuất khẩu sang thị trường Mỹ và Châu Âu để làm đê ngăn lũ lụt. Gần đây công ty sản xuất thêm túi chứa nước ngọt với lớp bên ngoài bằng vải, bên trong là 3 lớp PE dính vào nhau đảm báo chất lượng, bền và thân thiện với môi trường để đáp ứng nhu cầu của bà con ở vùng hạn, mặn”.

Theo ông Cang, túi chứa nước rộng khoảng 2,5 mét, dài 10 mét, giá  thành 2,4 triệu đồng và có thể chứa được 15 mét khối nước. Ngoài ra, còn có nhiều dạng túi có kích cỡ khác nhau với dung tích chứa từ 10 đến 30 mét khối rất tiện lợi để người dân lựa chọn chứa phục vụ sinh hoạt và sản xuất.

Chi cục Trưởng chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Võ Văn Nam cho biết, ngành nông nghiệp đã triển khai quyết liệt các giải pháp nhằm ứng phó với tình hình hạn hán, xâm nhập mặn gay gắt. Trong đó, vườn cây ăn trái bà con đã chủ động trữ nước tưới, mua dụng cụ đo độ mặn để tránh thiệt hại. Đồng thời, tập trung tuyên truyền, chuyển tại liệu xuống cán bộ kỹ thuật và người dân để khuyến cáo người dân trữ nước ngọt bằng mọi hình thức nhằm phục vụ tưới; sử dụng các giải pháp kỹ thuật tưới tiết kiệm, ủ gốc... trong mùa hạn hán, xâm nhập mặn.

Trao đổi về các giải pháp phòng, chống hạn mặn, Phó chủ tịch UBND tỉnh Nuyễn Hữu Lập cho biết, sau khi có thông báo của Trung ương, của tỉnh chúng tôi đã tiếp thu chỉ đạo trên, Tỉnh ủy cũng có những văn bản chỉ đạo về chương trình trữ nước mưa, nước ngọt, chỉ đạo đến huyện, thành phố, cấp xã, ấp, chi bộ. Thường trực Tỉnh ủy có nhiều văn bản chỉ đạo, UBND tỉnh cũng đã xây dựng kịch bản, các chương trình, kế hoạch cụ thể và đã sớm triển khai vào đầu tháng 8,9 để các đơn vị, địa phương có ý thức tập trung và chú trọng năm nay sẽ có hạn mặng không thua gì năm 2015. Qua đó, đã khuyến cáo người dân trước khi sử dụng nước cho cây trồng phải tiến hành đo độ mặn. Ngành chức năng tỉnh đã kịp thời thông báo bằng điện thoại, Zalo, qua thông tin đại chúng, các văn bản đến tận cơ sở. Qua đó, người dân đã kịp thời nắm được những thông tin độ mặn hàng ngày. Tuy nhiên, chúng tôi cũng còn rất lo là năm nay mặn sẽ tiếp tục lấn sâu, cao hơn nên nước sinh hoạt cho người dân, phục vụ cho khu, cụm công nghiệp, bệnh viên, trường học là nhu cầu hết sức cấp thiết và phục vụ sinh hoạt, đời sống người dân. Cho nên, lãnh đạo tỉnh đều tập trung lãnh, chỉ đạo quyết liệt các giải pháp. Đã khép kín hệ thống một số tuyến kênh, rạch để ngăn mặn, trữ ngọt, phục vụ nhà máy, sinh hoạt người dân, đó là giải pháp trước mắt. Nếu giả định mặn lên hết tỉnh thì sẽ có những giải pháp đắp đập, có bơm chuyền lấy nước từ thượng nguồn để cung cấp cho nhà máy nước Ba Lai, đó là giải pháp căn cơ nhất. Khuyến cáo người dân khi sử dụng nước phải theo dõi ngày giờ. Hiện vùng nuôi tôm thì ổn nhưng đối với vùng sản xuất lúa thì khuyến cáo người dân bỏ vụ, kiên quyết không xuống giống. Vùng cây trái rất nhạy cảm mặn thì phải khuyến cáo người dân trữ nước mưa, nước ngọt, trên sông rạch khép kín lại để có nước tưới cho hoa kiểng, cây giống trong dịp tết này. Cụ thể, bà con Chợ Lách, Mỏ Cày Bắc, Châu Thành, TP. Bến Tre đã có kế hoạch mua các túi chứa nước.

Bài, ảnh: H. Mai – H. Hiệp

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN